Theo số liệu thống kê được Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 25/3, trong tháng 2/2009, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản chỉ đạt 3.525,5 tỷ yên, giảm 49,4% so với cùng kỳ năm 2008, và kim ngạch nhập khẩu 3.443,1 tỷ yên, giảm 43%. Đây là mức giảm kim ngạch thương mại lớn nhất của Nhật Bản kể từ những năm 1980 trở lại đây. Trước đó trong tháng 1/09, xuất khẩu của nước này cũng đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhu cầu, đặc biệt là nhu cầu ô tô, đã sụt giảm mạnh tại tất cả các khu vực trên thế giới, bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu và Nga. Nhật Bản vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nên phải chịu ảnh hưởng mạnh trước việc người tiêu dùng trên toàn thế giới đang phải thắt lưng buộc bụng để cắt giảm chi tiêu.
Mặc dù đến tận năm 2008 vẫn còn thu về các khoản lợi nhuận khổng lồ, nhưng đến tháng 2/09 các hãng chế tạo ô tô Nhật Bản nằm trong số những đối tượng bị tổn thương nhất trong cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất kể từ cuối Thế chiến II. Các biểu tượng của ngành ô tô Nhật Bản, như Toyoto, Honda và Nissan, phải đối mặt với một năm kinh doanh ảm đạm chưa từng có. Xuất khẩu xe hơi của Nhật trong thời gian này giảm hơn 70%. Các hãng xe hơi nước này phải cắt giảm việc làm và giảm ca để đối phó với tình trạng nhu cầu giảm mạnh.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ giảm 5,8% trong năm 2009, mặc dù nhiều nhà kinh tế cho rằng kinh tế nước này sẽ còn sụt giảm mạnh hơn thế.
Tuy nhiên, sau 5 tháng liên tục thâm hụt cán cân thương mại, Nhật Bản trong tháng 2/09 đã đạt được thặng dư thương mại 82,4 tỷ yên, do nhu cầu nhập khẩu giảm 43%.
Về xuất khẩu, sau khi giảm 4 tháng liên tiếp kể từ tháng 11/08, mức giảm trong tháng 2/09 đã "chạm đỉnh" trong lịch sử Nhật Bản. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp ôtô giảm tới 70,9%, trong đó xuất khẩu sang Mỹ giảm 76,6%; sang Liên minh Châu Âu giảm 74,7%; và sang Nga giảm 92,4%. Lĩnh vực linh kiện điện tử như bán dẫn cũng giảm 51,1%.
Về nhập khẩu, nhờ ảnh hưởng của giá dầu tụt dốc nên kim ngạch nhập khẩu linh kiện ôtô giảm 67,5% và linh kiện thiết bị điện tử giảm 53%. Hàng loạt các ngành sản xuất trong nước của Nhật Bản giảm thời gian sản xuất và công suất nên ảnh hưởng đáng kể tới kim ngạch nhập khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước suy yếu cũng khiến các sản phẩm trong lĩnh vực may mặc nhập khẩu giảm 30,5%.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam