Theo báo cáo mới của FAO, số tiền để nhập khẩu lương thực trên toàn cầu trong năm 2008 đạt khoảng 1000 tỷ USD. Tuy nhiên, tổ chức này cho biết, đã có những dấu hiệu cho thấy giá một số lương thực đã bắt đầu giảm. Song mặt bằng giá lương thực sẽ không trở lại mức thấp như những năm trước, mà phần lớn là do giá phụ trợ sản xuất lương thực đã tăng cao hơn, đặc biệt là giá dầu.
FAO cho biết khu vực trồng lúa mỳ đã có mức tăng lớn, do những người nông dân bị hấp dẫn bởi giá lên cao nên đã trở lại với đồng ruộng. Và điều này đã góp phần làm giảm giá lương thực trong những tuần gần đây. FAO cũng dự báo giá gạo sẽ giảm, đặc biệt khi chính phủ các nước dỡ bỏ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo khi mùa màng bội thu.
Thủ tướng Hun Sen hôm qua (26-5) cho biết Campuchia sẽ cho phép xuất khẩu gạo trở lại. Tuy nhiên, nước này có thể chỉ xuất khẩu tổng cộng khoảng 1,6 triệu tấn gạo trong năm nay, vì chính phủ phải bảo đảm an ninh lương thực trong nước.
Theo quy định mới của nước này, từ nay xuất khẩu gạo vượt quá 100 tấn phải đăng ký với Bộ thương mại, dưới 100 tấn sẽ phải đăng ký với hải quan tại các cửa khẩu quốc tế. Thủ tướng Hun Sen nói, “chúng ta phải nắm được số liệu gạo xuất khẩu để bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước”.
Hồi tháng 3, chính phủ Campuchia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trong hai tháng và bán gạo dự trữ ra thị trường để kiềm chế giá gạo tăng cao. Năm nay, Campuchia đã thu hoạch được 6,7 triệu tấn gạo.
Trong một diễn biến khác, Nhận Bản là một nước nhập khẩu gạo, nhưng lại đang có kế hoạch lấy gạo từ kho dự trữ của mình để tái xuất khẩu. Việc tái xuất khẩu gạo của Nhật sẽ đi ngược lại những mục tiêu của WTO nhưng sẽ làm giảm giá gạo toàn cầu. Kể từ năm 1995, Nhật Bản đã nhập từ 600 nghìn đến 700 nghìn tấn mỗi năm, phần lớn từ Thailand và Mỹ đáp ứng nhu cầu trong nước.
Tổng giám đốc Cơ quan ngoại thương Thailand Apiradi Tantraporn cho biết, Nhật Bản hiện có 1,5 triệu tấn gạo dự trữ. Số gạo này được nhập khẩu theo quy định của WTO để đáp ứng tiêu dùng nội địa và không được phép tái xuất. Tuy nhiên, gần đây nước này đã đàm phán với Philippines để bán 200 nghìn tấn gạo dự trữ.
Ông Apiradi thêm, những dấu hiệu từ đầu tháng 5 cho thấy giá gạo thế giới đã bắt đầu ổn định, không như bốn tháng đầu năm 2008. Nếu kế hoạch tái xuất khẩu của Nhật trở thành hiện thực, giá gạo toàn cầu sẽ lại giảm mạnh, nhưng những nông dân ở các quốc gia sản xuất gạo, gồm cả Thailand, sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Apiradi cho rằng, nếu Nhật Bản muốn giúp đỡ các quốc gia bị thảm họa thiên tai hay bị thiếu hụt lương thực thì nên thông qua các tổ chức quốc tế như Chương trình lương thực thế giới của Liên hợp quốc, hoặc nên viện trợ bằng tiền.
Vietstock

Nguồn: Internet