Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2013 ước đạt 20,4 tỷ USD, giảm 9,8% so với tháng 3/2013; trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 12,1% và tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 7,6%.

Tính chung cả 4 tháng đầu năm 2013, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt gần 79,65 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó tổng trị giá xuất khẩu ước đạt 39,46 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2012; tổng trị giá nhập khẩu ước đạt 40,19 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012.

Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 4/2013 ước tính thâm hụt 1 tỷ USD, tỷ lệ nhập khẩu cao hơn tỷ lệ xuất khẩu là 10,3%. Tính chung 4 tháng đầu năm 2013, Việt Nam dự kiến nhập siêu 722 triệu USD, tỷ lệ nhập cao hơn tỷ lệ xuất khẩu 1,8%.

Xuất khẩu cao su giảm mạnh

Trong tháng 4/2013, xuất khẩu cao su ước đạt 44.000 tấn, trị giá 101 triệu USD. Lũy kế 4 tháng đầu năm, xuất khẩu đạt 234 ngàn tấn với trị giá đạt 610 triệu USD; giảm 12,9% về khối lượng và giảm 24,2% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012. 

Lượng xuất khẩu trong quý 1/2013 là 190 nghìn tấn, chỉ đạt 509 triệu USD, giảm 118 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2013, nguồn cung thế giới tăng cao, nhu cầu từ thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới là Trung Quốc giảm, khiến giá cả cao su giảm mạnh, Việt Nam cũng đứng trong số nước có lượng xuất khẩu thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối năm 2012, tổng diện tích cây cao su lên đến 910.500 ha, tăng 13,6% và sản lượng đạt 863.600 tấn, tăng 9,4%. Trong năm 2012, Việt Nam là nước đứng thứ năm về sản lượng cao su thiên nhiên.

Xuất khẩu cao su thiên nhiên năm 2012 đạt 1,01 triệu tấn, thu về hơn 2,85 tỷ USD, tăng 23,8 % về lượng và trở thành nước thứ tư thế giới về xuất khẩu cao su thiên nhiên chỉ sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia.

Khối lượng xuất khẩu tăng một phần nhờ nguồn tạm nhập tái xuất, nhưng giảm 12,6 % về giá trị do giá giảm mạnh.

Giá gạo xuất khẩu thấp nhất 2 năm

Giá gạo Việt Nam tuần cuối tháng xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm bởi dự báo nguồn cung tăng và nhu cầu giảm, và các thương gia dự báo các nhà xuất khẩu sẽ giảm giá chào bán hơn nữa để hấp dẫn khách hàng. Gạo 5% tấm của Việt nam giá giảm xuống 380-385 USD/tấn, FOB, so với 385 USD/tấn một tuần trước đó, và chạm mức thấp nhất kể từ 4-8/2010.

Gạo Việt Nam cũng đang ở mức giá thấp nhất trong khu vực. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), quý I-2013, giá gạo Việt Nam hiện được bán với giá thấp hơn so với gạo cùng phẩm cấp của các nước xuất khẩu gạo chủ lực trong khu vực khoảng 40–50 USD/tấn.  Cụ thể gạo 5% tấm của chúng ta chỉ có 395 USD/tấn trong khi giá gạo cùng loại của Ấn Độ bán với giá 430 USD/tấn, Pakistan 445 USD/tấn, riêng Thái Lan 530 USD/tấn. Với mức giá này, có ý kiến nhận định rằng giá gạo xuất khẩu quý I-2013 của Việt Nam thấp nhất thế giới.

Chăn nuôi gặp khó khăn vì dịch bệnh, giá cả thức ăn chăn nuôi cao và hàng lậu

Một loạt dịch cúm gia cầm như H1N1, H5N7, H5N1 gây thiệt hại hàng trăm ngàn con chim yến, gà, vịt, ngan vậy mà gia cầm lậu vẫn theo nhiều con đường tràn vào nước ta.

Trong khi cuộc chiến chống gia cầm nhập lậu ở các tỉnh biên giới phía Bắc chưa thể yên ắng thì ở trong nước, người nuôi lợn đang phải méo mặt bởi ròng rã suốt gần 4 tháng qua, giá thịt lợn tuột dốc không phanh. Giá lợn hơi ở nước ta chỉ ở mức 38 - 39 triệu đồng/tấn, thấp hơn các nước quanh khu vực từ 4 -8 triệu đồng/tấn.

Thêm vào đó, dịch tai xanh bùng phát ở một số tỉnh phía Bắc gây thiệt hại nặng nề cho các trang trại chăn nuôi lợn. Chi phí thức ăn chăn nuôi đắt đỏ, lại chiếm tới 70% cơ cấu giá thành trong sản xuất thịt lợn. Việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao như hiện nay đã khiến ngành chăn nuôi hầu như không còn cách nào để tiết giảm chi phí. Bán được lợn hòa vốn lúc này đang là mơ ước của rất nhiều trang trại bởi nếu cứ tiếp tục thế này, phá sản là một tương lai không tránh khỏi.

Tôm giống chết hàng loạt

Bên cạnh việc tăng giá tôm nguyên liệu, thì dịch bệnh và hạn hán khiến người nuôi tôm vấp phải rất nhiều khó khăn.

Tính đến thời điểm này có khoảng 6.500ha diện tích tôm nuôi trên cả nước bị dịch bệnh và chết hàng loạt. Theo Tổng cục Thủy sản thì nguyên nhân ban đầu được xác định tôm chết do bệnh tồn lưu trong môi trường, cộng với việc thời tiết biến đổi thất thường, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ ban ngày và ban đêm chênh lệch, chất lượng nước không bảo đảm là điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh bộc phát và lan rộng. 

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, XK tôm Việt Nam sang 9 trong nhóm 10 thị trường NK lớn nhất đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Nhật Bản giảm trên 40%, EU giảm 33,5%, Hàn Quốc giảm 50,2%.

Sau những rắc rối đến từ Mỹ, giá cả và thị trường cá tra có nhiều chuyển biến tích cực

Bất chấp việc bị áp thuế chống bán phá giá cao một cách vô lý từ Bộ Thương mại Mỹ, việc XK cá tra đang phục hồi trở lại và có phần khởi sắc hơn về giá cả và lượng.

Sau khi có kết quả của POR8, dù cũng khá “choáng” với mức thuế chống bán phá giá quá cao ngoài dự kiến, các nhà nhập khẩu Mỹ cũng đang phải tăng mua cá tra trở lại đế đáp ứng nhu cầu ở nước này.  Lượng cá tra đặt hàng trong nửa đầu tháng 4 đã tăng khoảng 2% so với tháng trước.

Các thị trường khác như Ai Cập, Ấn Độ, Nhật Bản, Brazil, đều có xu hướng tăng mạnh.

Kim loại biến động mạnh

Điển hình là giá vàng trượt dốc, chạm mức thấp nhất vào phiên giao dịch ngày  16/4 với giá chốt 1.321 USD/ounce. Mặc dù đã tăng lại vào phiên ngày 23/4 là 1.440 USD/ounce nhưng những hậu quả do giá vàng chao đảo vẫn không ngừng xuất hiện.

Đi kèm theo đó là sự lao dốc của một loạt các loại hàng hóa trong đó có bạc, đồng, nikken, dầu thô, khí ga, nông sản…

Trong nước vàng cũng rơi đáy vào buổi sáng ngày 16/4 với giá bán ra là 36,9 triệu đồng/lượng và trở lại mốc 41 triệu đồng/lượng vào ngay buổi chiều cùng ngày.

Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường

Trong ngày 28/3, xăng bất ngờ tăng thêm 1.430 đồng/lít, ở mức 24.550 đồng/lít khiến người dân bức xúc. Sau đó, vào ngày 9/4 nhà nước điều chỉnh giá xăng dầu xuống 24.050 đồng/lít, giảm 500 đồng/lít. Lần điều chỉnh thứ 2 vào ngày 18/4, giảm giá bán lẻ xăng dầu từ 87 – 408 đồng/lít.

Theo thông tin từ Liên Bộ Tài chính - Công Thương thì nhà nước không thể bao cấp giá xăng dầu mãi được  nên giá cả xăng dầu trong nước sẽ được điều hành theo cơ chế thị trường.

Vật liệu xây dựng: nguồn cung dư thừa

Tiêu thụ xi măng trong nước quá thấp khiến doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng với tình hình cạnh tranh mua - bán như hiện nay đẩy giá xi măng xuất khẩu xuống dưới mức giá sàn.

 Nguồn cung xi măng trên thị trường khá lớn, ở mức 70-75 triệu tấn/năm trong khi nhu cầu chỉ khoảng 50 triệu tấn/năm.

Ngành thép cũng không lạc quan khi mà thị trường bất động sản đóng băng, tiêu thụ thép trì trệ lại thêm sức ép từ thép giá rẻ của Trung Quốc được nhập lan tràn vào Việt Nam.

Dù sức mua có tăng nhẹ trong tháng 4 do gói kích cầu giảm từ 300.000 đồng tới 900.000 đồng/tấn thép nhưng lượng tồn kho vẫn ở mức cao.

Hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng,  hàng nhập lậu tìm đủ cách qua mặt hải quan

Các mặt hàng nhái, hàng giả, hàng thải loại được tuồn từ Trung Quốc qua cửa khẩu về Việt Nam đa dạng đủ chủng loại, từ gia cầm, quần áo, giày dép, bánh kẹo, trái cây đến nội tạng động vật ôi thiu…

Những mặt hàng đó được bán với giả rẻ, số lượng lớn khiến doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng trong nước lao đạo, người tiêu dùng  cũng khốn khổ không kém khi mua nhầm hàng giả, hàng nhái mà đắt ngang hàng thật lại không đảm bảo an toàn khi sử dụng.

Bên cạnh đó, việc giá xăng dầu tăng khiến các mặt hàng hóa cũng tăng theo. Nhưng đến khi xăng giảm, hàng hóa vẫn giữ nguyên mốc, điển hình là giá trứng và một số dịch vụ vận tải.

Sữa tăng giá chóng mặt

Các hãng sữa đua nhau tăng giá với bài ca muôn thuở: bao bì mới, giá đầu vào nguyên liệu tăng, lại lách luật với “chiêu” biến sữa thành thực phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung!. 

Theo số liệu thống kê, chỉ tính trong quý I năm 2013 các công ty sữa đã ba lần tăng giá, với mức tăng từ 5-15%. 

Theo thông tin từ một số cơ quan quản lý thị trường thì giá bán sữa ở Việt Nam đang gấp đôi giá vốn, phần chệnh lệch hưởng lợi rơi vào khâu chiết khấu, tiếp thị, quảng cáo, tiền lương và một số chi phí khác... Ngoài ra, không loại trừ có sự chuyển giá trong giá sữa

(tổng hợp Vinanet, mof, tbck, cafeF)