Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, trên cơ sở những thành tựu đạt được năm 2008, sang năm 2009, tỉnh tiếp tục thực hiện các nhóm giải pháp về kiềm chế lạm phát, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Từng ngành, từng địa phương chủ động thực hiện những dự án, những chỉ tiêu kế hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, tỉnh thực hiện các chính sách thông thoáng, nhằm thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên trong lĩnh vực nuôi trồng, sản xuất, chế biến các sản phẩm lợi thế của địa phương về nông-lâm-thủy sản, khoáng sản. Đặc biệt là các đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn sẽ giữ vai trò nòng cốt trong tăng trưởng kinh tế của địa phương. Ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, các đơn vị này cần sáng tạo mở mang ngành nghề phụ trợ, khai thác mọi nguồn lực, thế mạnh để đạt lợi nhuận cao nhất.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương và các ngành chức năng tiếp tục thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đồng thời khai thác có hiệu quả hệ thống thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho gần 30.000 ha lúa sản xuất từ 2 đến 3 vụ ở các huyện Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình… nhằm đạt và vượt mức chỉ tiêu lương thực đã đề ra. Một lợi thế nữa là, trên địa bàn tỉnh đã có 20.000 ha cây cao su và trên 10.000 ha cây thanh long. Tỉnh đã có chủ trương, đẩy mạnh công nghệ chế biến mủ cao su, tạo nguồn xuất khẩu chủ lực của địa phương. Riêng thanh long đã trở thành thương hiệu tại các thị trường châu Á, châu Âu và đặc biệt, sản phẩm thanh long đã thâm nhập vào thị trường Mỹ, một thị trường khó tính nhất, mở ra cơ hội mới cho người trồng thanh long an tâm sản xuất. Tỉnh sẽ chú trọng đầu tư về mặt khoa học kỹ thuật, giúp người trồng thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Cục trưởng Cục Thuế Bình Thuận cho rằng, năm 2008, toàn tỉnh thu ngân sách được 4.350 tỷ đồng, đạt 111% so với dự toán, trong đó, thu từ nội địa đạt 2.020 tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với năm ngoái. Được vậy, ngoài yếu tố tích cực của ngành thuế còn có yếu tố khách quan là kinh tế của tỉnh phát triển. Đến cuối năm 2008 và đầu năm 2009 tình hình giá các loại nông sản đều giảm. Các doanh nghiệp cũng đứng trước những khó khăn về giá cả đầu vào còn tăng cao, trong khi đó thị trường tiêu thụ chựng lại. Tuy nhiên, địa phương cũng có những lợi thế, đó là các dự án đầu tư, các công trình hạ tầng đã được xây dựng, nay phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; các khu công nghiệp đang thu hút mạnh các dự án đầu tư. Ngành thuế sẽ tranh thủ lợi thế này để tạo nguồn thu và có khả năng hoàn thành chỉ tiêu thu theo dự toán.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận cho rằng: Tỉnh còn nhiều tiềm năng thế mạnh về địa bàn, đất đai, khoáng sản, lực lượng lao động, các dự án lớn về điện, cảng biển.v.v… nhưng phải suy nghĩ sẽ khai thác như thế nào để mang lại hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài. Về lĩnh vực đất đai, hiện nay, TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu… những tỉnh lân cận đã gần cạn quỹ đất cho các nhà đầu tư thuê, thì đây chính là cơ hội để Bình Thuận lôi kéo họ về với mình. Một tin vui đến với Bình Thuận là năm 2009, cảng nước sâu Khe Gà cho tàu 80.000 tấn sẽ được khởi động. Đây là dự án tỉnh đã ấp ủ từ lâu đến nay mới trở thành hiện thực. Sau cảng nước sâu Khe Gà sẽ là Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân, điện gió ở Tuy Phong… sẽ được khởi động, tạo thế đi lên cho tỉnh và cho khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên.

(Binhthuan Online)

 

Nguồn: Vinanet