Thị trường xuất khẩu cao su nguyên liệu của Việt Nam đã mở rộng sang 61 nước. Phương thức xuất khẩu chiếm tỷ lệ nhiều nhất là DAF (56,4%) chủ yếu là cho thị trường Trung Quốc. Xuất khẩu FOB chỉ chiếm tỷ lệ 22,5% về lượng nhưng có đến 53 nước nhập khẩu áp dụng; kế đến là CIF chiếm 7,2% về lượng với 31 nước áp dụng; và FCA chiếm 5,8% về lượng và 30 nước áp dụng. Riêng xuất sang Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm đạt 161 ngàn tấn, trị giá 233,9 ngàn USD. Lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 6,95% nhưng giá trị lại giảm 59,14% so với cùng kỳ năm trước và đây vẫn là nước nhập khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam với thị phần 69,99%, tiếp theo là Hàn Quốc, Malaysia, Đức, Đài Loan với thị phần mỗi nơi chiếm 3-4%. Hiện cả nước có khoảng 208 đơn vị, trong đó có 165 doanh nghiệp xuất khẩu cao su sang Trung Quốc. Trung Quốc vẫn được đánh giá là thị trường tiêu thụ cao su hàng đầu trên thế giới, tuy xuất khẩu săm lốp và sản phẩm cao su giảm sút nhưng sản lượng trong nước lại tăng (khoảng 25%) do chính sách kích cầu mở rộng thị trường nội địa.

Hiện tại, mỗi ngày Việt nam xuất khẩu 200 tấn cao su qua cửa khẩu Móng Cái, đây là một tín hiệu tốt, đảm bảo cho công việc xuất nhập khẩu mặt hàng cao su đi vào thế phát triển ổn định, vững chắc, lâu dài. Giá cao su xuất khẩu cũng đang tăng , hiện đạt 11.200-12.000 NDT/tấn (tương đương 1.560-1.600 USD/tấn). Do Trung Quốc đang khuyến khích các doanh nghiệp và thương gia quan tâm nhiều đến việc nhập khẩu cao su ở dạng nguyên liệu như cao su hỗn hợp, mủ nguyên khai, nên một số xưởng chế biến cao su hỗn hợp ở Móng Cái đã được khôi phục sản xuất.

Trên thế giới, sản lượng cao su thiên nhiên sẽ giảm 2,2% còn khoảng 8,9 triệu tấn trong năm 2009, đây là mức giảm mạnh nhất trong vòng 16 năm qua. Theo báo cáo của ANRPC (Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên): sản lượng cao su tự nhiên của Thái Lan (chiếm tới 33% nguồn cung cao su tự nhiên thế giới) giảm tới 21,6% trong năm nay; sản lượng của Indonesia giảm 6,5%; Malaysia giảm tới 27,6%; ấn Độ giảm 8,7%. Ở Việt Nam từ đầu năm đến nay, sản lượng cao su tự nhiên giảm khoảng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái, phần lớn là do việc trồng lại và diện tích cho mủ trong năm nay bị thu hẹp khoảng 16.700 ha.

Thị trường cao su đang hồi phục mạnh mẽ theo đà hồi phục của ngành công nghiệp ôtô, với giá khởi sắc trở lại từ quý II/09, và đang tiếp tục tăng. Mặc dù tăng giá nhưng nếu so với nửa đầu năm 2008, giá cao su thế giới vẫn còn ở mức thấp. Giá cao su tự nhiên thường chịu tác động bởi các yếu tố như cung, cầu, giá cao su tổng hợp và sự biến động của thị trường tiền tệ.

Có nhiều yếu tố tích cực đang nâng đỡ đà tăng giá cao su hiện tại và thời gian tới:

+Nguồn cung giảm do thời tiết mưa lớn xảy ra nhiều, làm gián đoạn công tác lấy mủ cũngnhư vận chuyển cao su ở 3 nước sản xuất chính.

+Các nước sản xuất và xuất khẩu cao su đã thống nhất cắt giảm sản lượng khai thác để ngăn không cho giá giảm mạnh và hỗ trợ cho ngành cao su. Năm 2009, Việt Nam cũng có kế hoạch cắt giảm 31% sản lượng cao su khai thác xuống còn 450 ngàn tấn so với 650 ngàn tấn của năm 2008.

+Bên cạnh những tín hiệu tích cực của các hoạt động kinh tế, giá cáo u tự nhiên cũng nhận được sự hậu thuẫn lớn từ đà tăng mạnh của giá dầu thô. Theo dự báo của Cục Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thô sẽ dao động quanh mức 67 USD/thùng trong nửa cuối năm nay.

+Những thông tin dự báo kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào cuối năm nay cùng với nhu cầu gia tăng đã giúp cho các thị trường hàng hoá trong đó có cao su tăng cao.

Các báo cáo gần đây đều cho rằng Trung Quốc và các thị trường đang nổi đang phục hồi tốt hơn các nước phát triển trước cuộc khủng hoảng tài chính. Những khách hàng Trung Quốc vẫn tiếp tục phản hồi tốt với những giải pháp của chính phủ từ đầu năm, đẩy mạnh doanh số bán ôtô nhỏ - đối tượng được trợ cấp và cắt giảm thuế. Các chuyên gia dự boá nhu cầu cao su của Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới sẽ vẫn tăng 7% trong năm nay. Theo Cục Thương mại Mỹ, nhập khẩu cao su định chuẩn kỹ thuật TSR20 của Mỹ tăng 42,5% sẽ tăng 18,4% so với năm trước.

Trước nhu cầu thế giới còn tăng và ích lợi nhiều mặt của cây cao su (kinh tế, xã hội, môi trường), Chính phủ Việt Nam đã đưa ra mục tiêu 1 triệu ha cao su vào năm 2020. Triển vọng ViệtNam sẽ đạt sản lượng 1,2 triệu tấn cao su vào năm 2020, nâng vị trí lên thành nước xuất khẩu cao su lớn thứ ba trên thế giới. Tuy nhiên, theo VRA, tình hình nhu cầu tiêu thụ và giá giảm mạnh kể từ cuối năm 2008 có thể kéo dài sang năm 2010 nếu nền kinh tế thế giới phục hồi chậm. Do đó, cần quản lý chặt chẽ kế hoạch sản lượng, xuất khẩu năm 2009-2010 để tránh nguồn cung cấp cao hơn nhu cầu, gây áp lực đẩy giá xuống sâu hơn.

Đối với kế hoạch phát triển diện tích trồng cao su, trước những dự đoán của các tổ chức quốc tế về nhu cầu cao su sẽ tăng dần từ sau năm 2010, cần tiếp tục chương trình mở rộng diện tích cây cao su, nhất là vào thời điểm chi phí đầu vào thấp, để tạo việc làm cho vùng nông thôn và gia tăng sản lượng đáp ứng thị trường cho thời gian sắp đến (6-7 năm sau trồng). Mặc dù vậy, tốc độ phát triển diện tích cần rà soát để phù hợp với tình hình.

 

Nguồn: Vinanet