Cảm nhận được những tác động nhức nhối của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nhà lãnh đạo Đông Nam Á (ĐNA) đang quay sang các ngành nghề kinh tế phi chính thức, nhất là nông nghiệp, để khai thác tiềm năng tạo công ăn việc làm. Trong buổi gặp gỡ với nông dân mới đây, Thủ tướng Malaixia Abdullah Badawi đã thể hiện mối quan tâm như vậy và cho biết ngành nông nghiệp sẽ giúp đất nước ông "giảm thiểu được những tác động bất lợi của kinh tế phát triển chậm lại".
Một báo cáo nghiên cứu về Xu hướng lao động và xã hội ASEAN 2008 do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cho biết nông nghiệp chiếm khoảng 60% ngành nghề phi chính thức của ĐNA ước thu hút 161 triệu nhân công. Theo báo cáo này, "nông nghiệp vẫn chiếm tới 44,5% tổng lực lượng lao động của khu vực", với tỷ trọng lao động nông nghiệp ở mỗi nước dao động rất khác nhau, từ chiếm chưa đầy 1% tại Xingapo tới 80% ở Lào.
Gyorgy Sziraczki, nhà kinh tế kỳ cựu thuộc văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của ILO, nói số lao động trong ngành phi chính thức dự kiến sẽ tăng lên do khả năng tạo việc làm của ngành kinh tế chính thức -từ công nghiệp tới dịch vụ- đã và đang rất hạn chế. Giới chủ sẽ trì hoãn thuê nhân công hoặc tạm ngừng tuyển nhân viên mới, trong khi lương sẽ tăng chậm lại với mức tăng thấp hơn những năm trước. Dự kiến, số việc làm tạo ra năm nay trong khu vực sẽ ít hơn 850.000 so với năm 2007, với số người thất nghiệp có thể sẽ tăng lên 18,5 triệu năm 2009, so với con số 16,5 triệu năm ngoái.
ILO nói rằng những con số ước tính đáng thất vọng trên là tương phản rõ rệt với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ mà khu vực đã đạt được cho tới khi giá dầu mỏ và lương thực, thực phẩm tăng cao hồi đầu năm nay, trong lúc lạm phát tăng cao tại một số nước thuộc Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN). Kinh tế khu vực đã tăng trưởng 6,4% năm 2007, so với mức tăng 6% của năm trước và là mức tăng "cao nhất trong một thập niên qua". Mức tăng này đã tác động tích cực lên thị trường lao động, giúp nâng số lao động của các nước ASEAN tăng (3%) từ 260,6 triệu năm 2006 lên 268,5 triệu năm 2007.
Cơn bão tài chính sẽ tác động tới lĩnh vực xuất khẩu của các nước như Philíppin, hiện dựa nhiều vào thị trường Nhật Bản và Mỹ. Trong tuần, Bộ Lao động Thái Lan thông báo 120 công ty thuộc các ngành sản xuất và chế biến lương thực, đồ gỗ và dệt may đã phải tạm ngừng hoạt động trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 10/2008. Còn Hiệp hội các nhà sản xuất hàng dệt may Mianma cho hay ngành dệt may của nước này có thể cũng phải đóng cửa nhiều nhà máy và sa thải nhân công. Tại Philíppin, nước sẽ chịu tác động nhiều nhất bởi tình trạng kinh tế sa sút, phương án duy nhất đối với những người không thể kiếm được việc làm trong ngành kinh tế phi chính thức là tìm kiếm cơ hội lao động ở nước ngoài. Hiện lao động xuất khẩu nước ngoài chiếm 10% dân số của Philíppin trong bối cảnh nông nghiệp giữ vị trí rất thấp trong nền kinh tế vì chính phủ không ưu tiên đầu tư vào ngành này.
Raj Kumar, một viên chức của Ủy ban kinh tế và xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP, một cơ quan của Liên hợp quốc có trụ sở ở Băng Cốc), nhận xét: "Không giống như cách đây khoảng 10 năm, chính phủ các nước khu vực hình như có sự chuẩn bị kỹ hơn trong nỗ lực đối phó với vấn đề sa thải nhân công và tình trạng thiếu việc làm trong các ngành kinh tế chính thức. Đó là nhờ họ đã rút ra một số bài học từ cuộc khủng hoảng trước đây và hiện các nước đang đề cập đến vai trò của ngành nông nghiệp trong việc thu hút nhân lực từ ngành kinh tế chính thức".

Chính vì thế, sự kỳ vọng rằng ngành kinh tế phi chính thức, nhất là nông nghiệp, đóng vai trò như là một hệ thống an sinh và có khả năng hỗ trợ những người lao động nông thôn từ thành phố trở về là rất lớn. Trong 10 năm qua, khu vực nông thôn ở nhiều nước ĐNA đã không được chú trọng đúng mức, với đầu tư rót từ ngân sách nhà nước để cải thiện hạ tầng cơ cở và sản lượng nông nghiệp là rất hạn chế. Diderik de Vleeschauwer, người phát ngôn của văn phòng khu vực châu Á-Thái Bình Dương Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết diện tích đất nông nghiệp của khu vực đang giảm dần do cơ cấu sử dụng đất đai mới, trong đó nhiều mảnh đất bị bán hoặc sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp như xây sân golf và khách sạn. Ngoài ra, nó còn chịu tác động của sự biến đổi khí hậu Trái đất.

Nguồn: Internet