(VINANET) - Nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Philippines, đang hy vọng có thể sản xuất đủ lúa gạo tiêu dùng sau khi tăng mạnh sản lượng trong quý 1 năm nay, theo tin từ Bộ Nông nghiệp nước này.

Sản lượng lúa Philippines quý 1 đã tăng 15,63% lên 4,03 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng của quý 1 năm 2010 chỉ là 3,49 triệu tấn, do hạn hán.

Đây là tín hiệu khả quan cho thấy mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo vào năm 2013 có thể đạt được.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nông nghiệp Philippines cho rằng sẽ không thể có những kết quả khả quan nếu không lựa chọn các giống lúa lai, đầu tiên do Trung Quốc sản xuất, và những công nghệ cùng thiết bị sản xuất mới, hiện đại. Nếu thiếu những yếu tố đó, mục tiêu tự cung tự cấp gạo vào năm 2013 sẽ không đạt được.

Viện Nghiên cứu Lúa gạo Philippines cho biết các giống lúa lai do Viện phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) sản xuất, như giống indica và japonica nhiệt đới, có thể cho năng suất tới 10-12 tấn mỗi hécta, gấp gần 3 lần mức 3,8 tấn ở những giống vẫn thường sử dụng.

Chương trình Lúa gạo Quốc gia cho biết lúa lai đang cho năng suất cao hơn 15% so với mức 4-5 tấn mỗi héc ta ở những giống lúa thường.

Chính phủ Philippine đặt mục tiêu tăng diện tích lúa lai lên 500.000 – 700.000 ha vào 2013, so với 375.000 ha hiện nay.

Ngoài ra, Philippines cũng có thể học hỏi kinh nghiệp trồng lúa lai từ Trung Quốc.

Hiện Trung Quốc có 29 triệu ha lúa lai mỗi năm, cho năng suất trung bình 6,3 tấn/ha.

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cho biết Trung Quốc sẽ duy trì sản lượng lùa hàng năm ở 500 triệu tấn, để đáp ứng nhu cầu của 1,3 tỷ dân.

Ngoài Philippines, hiện nhiều nước khác cũng đã sản xuất các giống lúa lai thương phẩm như Ấn Độ, Việt Nam, Bangladesh và Mỹ.

Philippine hiện là nước đứng thứ 3, sau Trung Quốc và Ấn Độ về xuất khẩu hạt giống lúa lai.

Với việc tăng sản lượng gạo nhờ lúa lai, nhập khẩu gạo vào Philippines dự kiến sẽ giảm xuống chỉ 500.000 tấn vào năm 2012, thấp hơn 48,1% so với mức 860.000 tấn của năm 2011, và chỉ bằng 20% lượng nhập năm 2010.

(T.H – Commodity Online)