FAO nhấn mạnh, chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học tại châu Âu và Mỹ có thể vẫn là sức ép đè nặng lên giá lương thực trên thế giới, không giúp làm giảm lượng khí gây hiệu ứng nhà nhà kính như dự kiến và tác động rất ít tới nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong giao thông vận tải. Báo cáo nói rằng nhiên liệu sinh học sẽ chỉ làm giảm vừa phải tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong thập niên tới ,song lại ảnh hưởng rất nhiều đến nông nghiệp và an ninh lương thực, với nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sinh học gia tăng sẽ đẩy giá lương thực lên cao trong thập kỷ tới.
Theo tính toán của FAO, nếu nhu cầu đối với nguồn nguyên liệu dùng sản xuất nhiêu liệu sinh học vào năm 2010 tăng 30% so với năm 2007, nó sẽ đẩy giá đường tăng 26%, giá ngô tăng 11% và dầu thực vật tăng 6%.
FAO nhận định với lượng lương thực dự trữ thấp trên toàn cầu và mùa màng còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết khí hậu, giá lương thực sẽ vẫn có nguy cơ biến động trong thời gian tới. Ngoài ra, việc duy trì các hàng rào thương mại có thể làm cho cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài và ngày càng trầm trọng thêm.
Giá trị nhập khẩu lương thực trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng 26% lên 1.035 tỷ USD năm nay, chủ yếu do giá gạo, lúa mỳ và dầu thực vật tăng cao. Dự đoán, sản lượng của các cây lương thực chính thế giới như gạo, lúa mỳ, đậu tương, hạt hướng dương, dầu cọ và mía đường năm 2010 sẽ tăng 7% so với năm 2007.
Theo Tổng giám đốc FAO Jacques Diouf, sản lượng nhiên liệu sinh học đã tăng gấp ba lần trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2007 và chiếm khoảng 2% tổng lượng nhiên liệu mà ngành vận tải toàn cầu tiêu thụ.
 

Nguồn: Vinanet