Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành năng lượng và công nghiệp nặng tháng 7 và 7 tháng đầu năm được đánh giá như sau:

- Sản xuất và cung ứng điện: Tháng 7, lượng nước về hồ Hòa Bình và hồ Tuyên Quang tăng cao, nhất là trong những ngày đầu tháng (ngày 5-6 lên tới 10.500m3/s - cao nhất trong 3 năm gần đây). Sản lượng trung bình của hồ Hòa Bình gần 40 triệu kWh/ngày. Vì vậy, sản lượng điện tháng 7 tăng cao, ước đạt 7,25 tỷ kWh, tăng 15,0% so với tháng 7/2008, tính chung 7 tháng ước đạt 44,85 tỷ kWh, tăng 9,6% so với cùng kỳ. Điện thương phẩm 7 tháng ước đạt 41,14 tỷ kWh, tăng 8,3% so với cùng kỳ, trong đó: điện dùng cho công nghiệp và xây dựng tăng 8,78% và chiếm tỷ trọng 49,2%; điện dùng cho quản lý và tiêu dùng dân cư tăng 6,95% và chiếm tỷ trọng 41,1%; điện dùng cho khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản giảm 4,2% so với cùng kỳ. Như vậy, kể từ tháng 5, điện dùng cho sản xuất liên tục tăng sau nhiều tháng giảm cho thấy dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế nói chung và sản xuất công nghiệp nói riêng.

Trong tháng 7 đã khởi công xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Mạo Khê có công suất 440 MW gồm hai tổ máy (2x 220 MW) với tổng mức đầu tư hơn 9,3 nghìn tỷ đồng (do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản làm chủ đầu tư), dự kiến sẽ được hoàn thành vào năm 2012 và sẽ tăng 2,6 tỷ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia, góp phần khắc phục phần nào sự thiếu hụt điện năng.

- Khai thác dầu khí: Công tác khảo sát, điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí tiếp tục được triển khai tích cực cả trong nước và ngoài nước. Gia tăng trữ lượng dầu khí 7 tháng đạt 64 triệu tấn quy dầu (trong nước 17 triệu tấn, nước ngoài - từ công ty liên doanh Rusvietpetro 47 triệu tấn), bằng 200% kế hoạch năm. Các mỏ dầu khí tiếp tục được khai thác an toàn và hiệu quả nên sản lượng khai thác dầu thô tháng 7 ước đạt 1,44 triệu tấn; tính chung 7 tháng ước đạt 10,12 triệu tấn, bằng 63,8% kế hoạch, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch năm, trong những tháng còn lại ngành dầu khí cần tiếp tục đôn đốc các đơn vị phấn đấu đạt sản lượng khai thác dầu thô và Condensate là 16,0 triệu tấn; khai thác khí là 8,0 tỷ m³; ngoài ra, cung cấp 2,96 triệu tấn dầu thô làm nguyên liệu cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; đồng thời, tích cực đẩy nhanh tiến độ phát triển mỏ, đảm bảo đưa 04 mỏ mới vào khai thác gồm: trong nước 02 mỏ Nam Rồng - Đồi Mồi (dự kiến vào quý IV) và Peal (dự kiến vào tháng 9); nước ngoài 02 mỏ (dự kiến vào quý IV).

- Khai thác Than - Khoáng sản: Tháng 7/2009, thời tiết khu vực Bắc bộ mưa nhiều nên đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác than; sản lượng than sạch tháng 7 ước đạt 3,6 triệu tấn, giảm 6,5% so với thực hiện tháng 6. Do sản lượng tháng 7 tiếp tục suy giảm và sản lượng than nguyên khai ở nhiều đơn vị khai thác chiếm tỷ trọng lớn của ngành đều giảm với cùng kỳ như: Công ty Cổ phần Than Đèo Nai giảm 10%; Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu, giảm 8,0%; Tổng công ty Đông Bắc giảm 8,0%; Công ty Cổ phần Than Cao Sơn giảm 7,0%; Công ty Cổ phần Than Núi Béo giảm 3,0%... nên tính chung 7 tháng sản lượng than sạch toàn ngành ước đạt 24,91 triệu tấn, bằng 60,8% kế hoạch năm, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong 7 tháng đầu năm, ngành than đã cung cấp cho các hộ tiêu trong nước đạt 11,2 triệu tấn, tăng 1,8% so với cùng kỳ, chủ yếu do cung cấp cho hộ xi măng tăng cao, đạt 2,13 triệu tấn, tăng 7,7%; hộ đạm đạt 0,31 triệu tấn, tăng 10,6%; cung cấp cho các hộ còn lại đều giảm so với cùng kỳ (hộ điện đạt 3,64 triệu tấn, giảm 7%; hộ giấy giảm 7,7%). Tồn kho than sạch tính đến ngày 20/7 khoảng 3,9 triệu tấn, trong đó: than cục 0,5 triệu tấn; than cám 3,4 triệu tấn.

Về khoáng sản, do giá xuất khẩu các loại khoáng sản trên thị trường thế giới trong tháng 7 chưa có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ năm trước nên đã ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và tiêu thụ khoáng sản giảm so với cùng kỳ. Một số loại khoáng sản khai thác 7 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ như: thiếc thỏi giảm 55%; Fero các loại giảm 24%; kẽm thỏi giảm 10%...

- Sản xuất thép: Giá thép xây dựng ở thị trường Mỹ và EU tiếp tục giảm do nền kinh tế ở những nước này vẫn chưa phục hồi rõ rệt. Tuy nhiên, giá phôi thép trên thị trường thế giới trong tháng 7 biến động tăng, giá nhập khẩu phôi thép hiện nay khoảng 435 - 440 USD/tấn, tăng thêm 10 USD/tấn so với mức giá cuối quý I; giá thép phế cũng tăng từ 280 USD lên mức từ 290 - 300 USD/tấn. Do giá nguyên liệu đầu vào tăng nên tháng 7 giá bán thép của các doanh nghiệp điều chỉnh tăng tương ứng, hiện giá thép cuộn 10,57 - 10,72 triệu đồng/tấn, giá thép cây 11,09 - 11,19 triệu đồng/tấn, tăng 30 - 180 nghìn đồng/tấn so với tháng 6.

Giá thép xây dựng tăng và thời tiết miền Bắc trong tháng 7 mưa nhiều không thuận lợi cho triển khai xây dựng nên tiêu thụ thép chậm hơn so với các tháng trước. Sản lượng thép tròn các loại sản xuất tháng 7 ước đạt 424 nghìn tấn, giảm 1,2% so với tháng 6 nhưng so với cùng kỳ năm trước tăng 43,1% nên tính chung 7 tháng ước đạt 2.682 nghìn tấn, tăng 19,6% so với cùng kỳ.

Dự báo trong thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng sẽ tăng do  chính sách kích cầu đầu tư của Chính phủ phát huy tác dụng và các dự án đầu tư thường đẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng thực hiện theo kế hoạch vào thời điểm cuối năm.

- Sản xuất phân bón: Mặc dù đang là thời điểm xuống giống vụ hè thu 2009 nhưng giá bán lẻ phân bón trong nước ổn định, giá phân lân ở mức 2.500 đồng/kg, phân NPK 12.200 đồng/kg. Tuy nhiên, do giá nông sản thời gian qua xuống thấp nên tiêu thụ phân bón trong nước trầm lắng, tồn kho tăng, sản xuất phân lân và phân NPK tháng 7 tiếp tục giảm so với tháng 6 và so với cùng kỳ (phân lân giảm 6,5% so với tháng 6 và giảm 6,3% so với cùng kỳ; phân NPK giảm 13,7% so với tháng 6 và giảm 10,2% so với cùng kỳ). Tuy vậy, để đảm bảo đủ phân bón cho vụ Hè Thu và có sản phẩm gối đầu cho vụ Mùa ở miền Bắc sắp tới, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần tiếp tục bố trí sản xuất hợp lý, duy trì và đẩy mạnh sản xuất, đặc biệt là sản xuất phân đạm urê; đồng thời tiếp tục tham gia cùng với Chính phủ thực hiện tốt chính sách kích cầu đầu tư, tiêu dùng, duy trì mức tăng trưởng kinh tế; tổ chức phân phối và bán phân bón trước - thu tiền vào cuối vụ cho nông dân; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hướng tới xuất khẩu phân bón sang các thị trường tiềm năng trong khu vực ASEAN và Châu Á như Lào, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Nhật Bản...

 

 

 

 

Nguồn: Vinanet