Tốc độ tăng trưởng của ngành nhựa luôn duy trì ở mức cao ngay cả trong suy thoái kinh tế, có thể đạt 15% trong năm 2010. Tuy nhiên, rủi ro cao do nhập khẩu nguyên liệu.
Mức độ cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành không cao do phân bổ đia lý; các doanh nghiệp có phân khúc thị trường riêng; nhu cầu tiêu thụ lớn.Khoảng 76% các doanh nghiệp trong ngành tập trung ở khu vực phía Nam, nên khu vực này có mức cạnh tranh hơn hẳn so với miền Bắc và miền Trung.
Đối với thị trường nội địa, chỉ số chất dẻo trên đầu người Việt Nam khá thấp, nên cơ hội tăng trưởng của ngành còn rất lớn. Ngoài ra, sản phẩm nhựa hàng tiêu dùng có mức tăng trưởng cao do thay thế sản phẩm truyền thống gỗ, da….và khả năng sản xuất hàng loạt, giá thành thấp.
Đối với thị trường xuất khẩu: hiện tại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân đạt 30%/năm. Sản phẩm xuất khẩu chủ lực là bao bì nhựa, chiếm 70% tổng sản lượng xuất khẩu. Sản phẩm nhựa Việt Nam có lợi thế trong hoạt động xuất khẩu so với các nước trong khu vực đặc biệt là Trung Quốc (lợi thế về thuế quan).
Ngành nhựa Việt Nam phải nhập khẩu 80 -90% nguyên liệu đầu vào, trong khi đó gia công là chủ yếu, chi phí nguyên liệu chiếm 70-75% giá thành sản phẩm nên biến động tỷ giá hối đoái sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, biến động giá dầu cũng là một rủi ro.
Năm 2009, dự kiến tốc độ tăng trưởng của ngành khoảng 15% so với năm 2008 và có thể duy trì được mức tăng trưởng này trong năm 2010.
Nhóm ngành bao bì nhựa sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất so với mức tăng của các dòng sản phẩm khác do nhu cầu tăng cao với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 20% vào năm 2010. Cơ cấu sản phẩm ngành nhựa cũng đang chuyển dịch theo xu hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm nhựa bao bì.