Kim ngạch xuất khẩu  của Đức trong tháng 11/08 đã giảm với tốc độ mạnh nhất kể từ năm 1990, do suy thoái kinh tế toàn cầu làm sụt giảm nhu cầu hàng hoá của nước xuất khẩu hàng hoá lớn nhất thế giới này.
Cục thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, trong tháng 11/08, kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro (Eurozone), đã giảm 10,6% so với tháng 10, đây là mức giảm mạnh nhất kể từ khi hai miền Đông Đức và Tây Đức thống nhất vào năm 1990. Nhưng nhà kinh tế Joerg Kraemer thuộc Ngân hàng Commerzbank cho rằng sự sụt giảm đó là tình trạng chung trên toàn cầu trong bối cảnh kinh tế suy thoái.
So với tháng 11/07 các số liệu xuất nhập khẩu trong tháng 11/08 hết sức đáng thất vọng. Kim ngạch xuất khẩu giảm 11,8% còn 77,1 tỷ euro và kim ngạch nhập khẩu cũng giảm 0,9% còn 67,4 tỷ euro. Do đó thặng dư thương mại trong tháng đã bị đẩy xuống 9,7 tỷ euro, giảm mạnh so với mức 16,4 tỷ euro của tháng 10.
Số liệu của Destatis còn cho thấy tài khoản vãng lai, thước đo rộng nhất của buôn bán hàng hoá và dịch vụ với các nước khác, đã giảm từ 14,3 tỷ euro trong tháng 10 xuống 8,6 tỷ euro vào tháng 11.
Tất cả các số liệu đó đều thấp hơn dự báo mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò do hãng tin Dow Jones tiến hành trong tháng 11 khi phần lớn các ý kiến đều nhận định thặng dư thương mại sẽ ở mức 16,2 tỷ euro so với thặng dư tài khoản vãng lai 17 tỷ euro.
Là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, nên Đức đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy giảm của hoạt động kinh tế ở các thị trường chủ chốt như Mỹ, châu Âu và châu Á. Theo ông Kraemer, sự sụt giảm của xuất khẩu đã làm Commerzbank dự báo trong quý IV/08 tăng trưởng kinh tế Đức sẽ giảm 2% so với quý trước và năm 2009 kinh tế sẽ giảm 2-3%.
 

Nguồn: Internet