Đẩy mạnh thị trường nội địa không phải đơn giản là việc có thể làm một sớm một chiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặp những trở ngại nào khi thâm nhập thị trường nội địa vào lúc này.

Điều quan trọng nhất vẫn là vấn đề giá. Người tiêu dùng trong nước dễ tính, nhưng khó chấp nhận giá. Giá phải rẻ, nhưng chất lượng phải tốt và bền. Trong tình hình khủng hoảng, sản phẩm khó có thể áp dụng mức giá thấp hơn so với giá xuất khẩu.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải hiểu được nhu cầu người tiêu dùng trong nước, phải tìm cách nhanh chóng đưa sản phẩm phù hợp và thích nghi với người tiêu dùng hoặc sáng tạo ra sản phẩm mới.

Tuy nhiên đừng nên quá tập trung kêu gọi doanh nghiệp xuất khẩu quay lại thị trường nội địa, mà phải tìm cách tấn công những thị trường mới, thị trường chưa đặt chân đến.

Thị trường Mỹ, châu Âu, Úc “gãy”, nhưng vẫn còn nhiều thị trường bị tác động nhẹ bởi khủng hoảng. Chẳng hạn như thị trường Trung Đông, mặc dù khó khăn.

Nông sản là một trong những ngành chịu tác động rất nặng nề bởi khủng hoảng tài chính. Năm 2008 là năm đầy kịch tính đối với doanh nghiệp Việt Nam. Kịch tính bắt đầu từ việc thắt chặt tín dụng. Tiếp theo là biến động giá cả xăng dầu. 

Khó khăn mới xuất hiện, nhưng những khó khăn cũ đối với doanh nghiệp nông sản thì vẫn tồn tại. Đó là chính sách thuế và khấu trừ thuế. Chính sách thuế đối với doanh nghiệp nông sản rất bất cập. Doanh nghiệp nông sản chính là đầu ra cho nông dân, khi mua sản phẩm nông nghiệp của nông dân thì làm sao có hóa đơn. Các nông trại hiện nay không muốn trở thành doanh nghiệp, vì doanh nghiệp phải đóng thuế.

Nguồn: Thời báo kinh tế Việt nam