Trong bối cảnh cơn sốt giá lương thực kéo dài nhiều tháng qua đe dọa gây mất ổn định tình hình chính trị - xã hội cho nhiều quốc gia trên thế giới, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cho biết, các cơ quan của LHQ và Ngân hàng thế giới (WB) sẽ thành lập một lực lượng đặc nhiệm về lương thực để giải quyết tình trạng giá lương thực toàn cầu đang tăng nhanh chưa từng thấy.

Ưu tiên trong thời gian trước mắt của LHQ là "cung cấp lương thực cho những người đang đói", đồng thời thúc giục các nước cung cấp tiền "khẩn cấp và đầy đủ" cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP).

Theo báo El Pais (Tây Ban Nha), nạn đói đang đe dọa làm bùng nổ "cuộc chiến tranh thế giới thứ ba". Chủ tịch WB Robert Zoellick khẳng định nghèo đói đang tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn tại 37 quốc gia trên thế giới. WB cũng đang xem xét việc thành lập một cơ chế tài chính nhanh nhằm giúp các nước nghèo, đặc biệt là các nước dễ bị tác động của cuộc khủng hoảng lương thực và bảo đảm việc tài trợ nhanh hơn và dễ dàng hơn cho các nước khác. WB cam kết sẽ tăng gấp đôi khoản tiền cho vay dành cho nông nghiệp ở châu Phi trong năm tới lên 800 triệu USD. Ông Zoellick cho biết, mặc dù giá lúa mì đã giảm trong mấy ngày qua, song giá gạo, ngô và lúa mì hiện vẫn ở mức cao.

Ngày 3-5, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại ASEAN nhất trí hợp tác trong việc đối phó với tình trạng giá gạo tăng cao. Các đại biểu dự Hội nghị đã thảo luận phương thức đối phó với tình trạng tăng giá gạo theo tinh thần hợp tác ASEAN. Việc hợp tác kiểm soát giá gạo là vấn đề quan trọng nhất vì sự biến động giá mặt hàng này tác động đến tất cả các quốc gia thành viên ASEAN. Thủ tướng Thái-lan Xạ-mặc Xun-đa-ra-vệt đã nhắc lại đề nghị thành lập Nhóm các nước xuất khẩu gạo (OREC) bao gồm các nước xuất khẩu gạo Việt Nam, Thái-lan, Myanmar, Lào và Cam-pu-chia. Thái-lan hy vọng nếu OREC được thành lập sẽ quyết định được giá gạo trên thị trường thế giới giống như OPEC kiểm soát giá dầu. Liên minh này không những tăng cường quyền mặc cả đối với giá gạo xuất khẩu mà còn giúp ổn định giá gạo trong tiêu dùng nội địa vì các quốc gia đã có sự hợp tác và thống nhất về giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới.

Còn theo các nhà phân tích, khi gạo trở thành một mặt hàng giá trị, các nước sản xuất gạo nên nắm lấy cơ hội này để tìm ra các cách thức giúp người nông dân trong việc dự báo, quản lý, bảo vệ môi trường và ủng hộ kỹ thuật nhằm tăng sản lượng gạo. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng ý tưởng này không khả thi vì việc kiểm soát nguồn cung gạo không giống như đối với dầu mỏ.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tuyên bố sẽ hỗ trợ khẩn cấp giúp các nước nghèo đối phó với tình trạng giá lương thực "leo thang". Theo một  báo cáo của ADB, giá lương thực tăng đồng nghĩa với lạm phát tăng, dẫn đến giảm tiêu dùng, tiết kiệm và đầu tư. Nếu các chính phủ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát thì điều này có thể dẫn đến giảm cầu, khiến kinh tế phát triển chậm lại. Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát giá lương thực, như hạn chế hoặc cấm xuất khẩu gạo, chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung và làm gia tăng cuộc khủng hoảng giá.

ADB dự đoán tỷ lệ lạm phát ở châu Á sẽ lên tới 5,1% trong năm 2008, mức cao nhất trong mười năm qua chủ yếu do giá lương thực và nhiên liệu tăng cao. Theo Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda, khoản hỗ trợ trên sẽ được thực hiện dưới hình thức cho vay lãi suất thấp, mục tiêu là những nước chịu tác động nghiêm trọng nhất từ cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay.

Theo các chuyên gia, giá nhiên liệu tăng, đồng USD mất giá, nhiều nước sử dụng lương thực làm nhiên liệu sinh học, thiên tai tại một số nước xuất khẩu gạo khiến sản lượng lương thực giảm, nhu cầu tiêu thụ lương thực tăng mạnh ở những nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Ðộ là những nguyên nhân chính khiến giá lương thực tăng vọt trong thời gian vừa qua. Một cố vấn cấp cao về lương thực của LHQ nhận định rằng giá lương thực cao một phần do các nước lớn trên thế giới đã áp dụng các chính sách sai lầm suốt hai thập niên vừa qua.

Ðể đối phó với tình trạng giá lương thực tăng cao trên toàn thế giới, Chính phủ Thái-lan đã thông qua kế hoạch bán gạo từ kho dự trữ quốc gia để góp phần giữ giá bán trong nước ở mức thấp. Thủ tướng Xạ-mặc cũng cho biết Chính phủ sẽ mua gạo của nông dân để bổ sung vào kho dự trữ quốc gia. Trong khi đó, Tổng thống Philippines Arroyo cho biết, nước này sẽ cần duy trì việc nhập khẩu gạo cho đến ít nhất là năm 2013 nhằm bù đắp sự thiếu hụt trong nước, mặc dù đã có kế hoạch tiến tới đảm bảo tự cung tự cấp gạo.

Chính phủ Philippines đã kêu gọi thành lập kho dự trữ gạo quốc tế để bảo đảm an ninh lương thực toàn cầu. Kho dự trữ này sẽ do LHQ hoặc WB đứng ra thành lập với mục đích chính là cất giữ gạo và mang ra phân phối khi thiếu hàng nhằm ổn định giá cả. Kho dự trữ quốc tế này sẽ hoạt động trên cơ sở một hệ thống phân phối đặc biệt, cho phép mọi quốc gia trên thế giới đều được mua gạo từ đây. Chính phủ Philippines đã cam kết đầu tư 1 tỷ USD để tăng sản lượng lương thực. Ngày 3-5, Chính phủ Malaysia đã thông qua khoản chi 2,4 tỷ ringid nhằm bảo đảm việc cung cấp lương thực cho nhân dân trong năm nay. Theo kế hoạch, số tiền trên sẽ được chi cho các hoạt động tăng cường sản xuất và tăng dự trữ gạo, hỗ trợ sản xuất lương thực, chăn nuôi gia súc và phát triển nghề cá, nâng cao hiệu quả công tác phân phối nông sản và khai khẩn đất hoang hóa để sản xuất lương thực.

Trong bối cảnh tình hình giá lương thực vẫn biến động, Chủ tịch WB Zoellick và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi các nước không nên cấm xuất khẩu lương thực vì điều này sẽ làm cho cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng trở nên tồi tệ hơn và trong khi phải đáp ứng nhu cầu khẩn cấp trong thời gian trước mắt, cộng đồng quốc tế cũng cần tập trung vào những giải pháp dài hạn nhằm hỗ trợ hệ thống buôn bán thế giới.

Nguồn: Nhân Dân