Chịu tác động bởi tình trạng thời tiết khắc nghiệt tại những nước sản xuất và nhu cầu bùng nổ từ các nước đang phát triển nhanh chóng, kho dự trữ lúa mì của thế giới đang ở mức thấp nhất kể từ 30 năm nay trong khi giá gạo không ngừng gia tăng trong 5 năm qua.
Tình trạng hạn hán, sự sụt giảm giá trị của đồng USD, sự chuyển hướng của dòng tiền đầu tư sang hàng hóa và việc sử dụng đất lương thực để tạo nhiên liệu sinh học được xem là những yếu tố góp phần gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số và việc các nước đang nổi ngày càng giàu hơn có thể chính là những yếu tố tác động lâu dài hơn đến tình hình lương thực thế giới. Dân số thế giới ước tính sẽ đạt 9 tỉ người vào năm 2050. Phần lớn trong số 2,5 tỉ người tăng thêm sẽ sống tại những nước đang phát triển vào thời điểm đó, làm căng thẳng hơn nhu cầu thịt và sữa ở những nước này.
Theo ghi nhận của Liên Hiệp Quốc (LHQ), giá lương thực toàn cầu vào tháng 1-2008 đã tăng 35% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Chỉ tính trong năm 2007, giá gạo đã tăng 42%, trong khi giá sữa tăng gần 80%. Theo một dự báo được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và LHQ đưa ra vào tháng 2 qua, giá ngũ cốc có thể tăng 27% trong khi giá gạo có thể tăng thêm 9% trong 10 năm tới. Chủ tịch OECD Angel Gurria nhận định: “Đây lại là một bước lùi nữa của nền kinh tế thế giới, nhất là vào thời điểm chúng ta đang trải qua không ít biến động. Tuy nhiên, điều đáng lo nhất chính là tác động của tình trạng giá lương thực cao hơn đến người nghèo”. Trong khi đó, đại sứ của Liên hiệp châu Âu (EU) tại Mỹ John Bruton dự báo thế giới sẽ đối mặt với tình trạng giá lương thực tăng trong vòng từ 10 đến 15 năm nữa.
Đối mặt với cuộc khủng hoảng này, nhiều nước đã buộc phải dùng những biện pháp thường bị xem là phản tác dụng. Sau thời gian phản đối, Chính phủ Mexico đang xem xét dỡ bỏ việc cấm trồng lương thực biến đổi gien, cho phép nông dân của họ cạnh tranh với Mỹ. EU và một số nước ở châu Phi cũng có thể có động thái tương tự. Trong khi đó, một số nước như Ai Cập, Argentina, Kazakhstan, Trung Quốc, Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu gạo, một biện pháp được xem là có thể khiến nông dân sản xuất ít lương thực hơn và đe dọa làm tổn hại đến nỗ lực mở cửa thương mại quốc tế trong những năm qua.
 

Nguồn: Internet