Giá bông trên thị trường thế giới tiếp tục xu hướng tăng, ngày 21/9 đã vượt 1 USD/lb, lập kỷ lục cao chưa từng có kể từ 15 năm nay do hoạt động mua mạnh từ các nhà máy và các quỹ đầu cơ trong bối cảnh nguồn cung trên toàn cầu khan hiếm và điều kiện thời tiết xấu ở một số nước sản xuất chính.

Từ đầu năm tới nay, nguồn cung tại các kho ở New York đã giảm 96%. Giá bông kỳ hạn đã tăng 33% trong năm 2010.

Giá bông năm ngoái cũng tăng 62% do sản lượng bông giảm bởi mưa kéo dài tại Trung Quốc và lũ lụt ở Pakistan.
Các nhà phân tích cho biết một số quỹ đầu cơ đang tích cực mua bông bởi họ tin rằng giá sẽ còn tiếp tục tăng do nhu cầu mạnh và thời tiết xấu ở một số nước sản xuất và tiêu thụ lớn, trong đó có Trung Quốc và Pakistan.

Nhưng một số nhà phân tích khác lại cho rằng tốc độ tăng sẽ chậm lại vì vụ thu hoạch ở Mỹ sẽ rộ lên sau vài tuần tới.

Ngày 21/9, bông kỳ hạn tháng 12 giá tăng 1,42 US cent kết thúc ở mức 1,0079 USD/lb, mức cao chưa từng có kể từ 1995.

Trong tuần qua tại Sở giao dịch New York, giá bông đã tăng 7,43%.

Giá bông tại Trung Quốc tăng mạnh, thể hiện ở loại 328 tăng 1.214NDT tương đương 6,5% lên mức 19.445NDT/tấn. Việc chính phủ bán lượng bông dự trữ cũng không khiến giá bông tại đây ngừng tăng.

Xu hướng tăng cũng diễn ra tại Pakistan, giá bông đang ở mức cao kỷ lục 7.100Rs/maund

Lũ lụt ở Pakistan đã ảnh hưởng nặng nề tới các loại cây nông nghiệp, trong khi mưa ở những vùng trồng bông của Trung Quốc có thể gây ra sâu bệnh nặng.

Ấn Độ, nước trồng và xuất khẩu bông lớn thứ hai thế giới sẽ giảm xuất khẩu khoảng 5,5 triệu kiện (Ấn Độ 1 kiện = 170kg) vào vụ tới bắt đầu vào ngày 1/10/2010. Ngoài ra, Ấn Độ cũng sẽ áp thuế nếu xuất khẩu vượt hạn mức cho phép.

Dự trữ bông thế giới dự báo sẽ giảm 3,3% xuống 45,4 triệu kiện vào cuối năm marketing kết thúc vào 31/7, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Con số đó tương đương 38% nhu cầu, tỷ lệ thấp nhất kể từ 1994 (1 kiện = 480 lb hay 218 kg).

Do nguồn cung hạn hẹp nên các nhà máy không có đủ nguyên liệu thô phục vụ sản xuất.Dự báo trong 15 đến 30 ngày tới, giá bông có thể tăng thêm từ 10-15cent ( 0,1-0,15 USD).

Giá bông tăng lên là thông tin tốt với Mỹ và các nước sản xuất bông tại châu Á, châu Phi nhưng sẽ làm cho ngành công nghiệp dệt may tại các nước khó khăn hơn. Tuần vừa qua, Mỹ đã xuất được 570.200 kiện (mỗi kiện 500lbs), tăng hơn 80% so với tuần trước.

Về các thông tin liên quan, Hiệp hội các nhà máy dệt may Pakistan (APTMA) cho các thương nhân Ấn Độ đã hủy bỏ các đơn đặt hàng 200.000 kiện bông của các thương nhân Pakistan.

Ông Shahzad Ahmad, thành viên APTMA, cho biết tính tới nay Pakistan đã xác nhận các đơn đặt hàng 522.000 kiện, trong đó 200.000 kiện đã bị các nhà xuất khẩu Ấn Độ từ chối giao dịch. Ông cho biết, hiện nay các nhà xuất khẩu Pakistan phải trả 59 cents/lb cho bông nhập khẩu từ Ấn Độ, con số này cao hơn nhiều so với các đơn đặt hàng bị hủy bỏ trước đó. “Các nhà xuất khẩu Ấn Độ đã hủy bỏ các đơn đặt hàng từ các nhà nhập khẩu Pakistan mà không đưa ra nguyên nhân chính đáng nào, gây thiệt hại nặng cho họ,” ông cho biết thêm.

Các nhà nhập khẩu xơ vải lanh Pakistan đang xem xét nhờ Hiệp hội bông quốc tế (ICA) phân xử về việc hủy bỏ đơn đặt hàng 200.000 kiện bông của các nhà xuất khẩu Ấn Độ.

Việc từ chối xuất khẩu 200.00 kiện bông của Ấn Độ đã vi phạm điều lệ và quy tắc của ICA, Liverpool  vì đây là tranh chấp hợp đồng trên cấp độ quốc tế, ông cho biết.

Thương nhân Ấn Độ hiện đang yêu cầu với mức giá 1,05 USD/lb, trong khi các đơn đặt hàng nhập khẩu của Pakistan đã đưa ra với mức 54 cents/lb. Ông cho biết ngành dệt may Pakistan đã phải chi khoảng 970 triệu USD cho nhập khẩu bông.

Về một thông tin khác, Brazil gần đây tuyên bố sẽ tạm thời xoá bỏ 10% thuế nhập khẩu mặt hàng xơ bông nhằm đáp ứng tích cực hơn nữa nhu cầu nội địa về nguyên liệu này.  Theo đó, luật thuế này sẽ có hiệu lực từ đầu tháng 10/2010, và kéo dài tới tháng 5/2011 cho 250 ngàn tấn xơ bông.

Được biết mùa vụ năm nay sản lượng bông tại Brazil bị sụt giảm nghiêm trọng, sẽ không đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp dệt may nội địa, do đó nước này quyết định cắt giảm thuế nhập khẩu mặt hàng này cho tới khi nguồn cung ổn địng trở lại.

(Vinanet)