Giá bông kỳ hạn trên thị trường thế giới tăng mạnh trong tháng 10, là tháng tăng giá mạnh nhất kể từ tháng 6/2007, do lo ngại về thời tiết bất lợi có thể ảnh hưởng tới sản lượng ở Trung Quốc – nước tiêu thụ bông lớn nhất thế giới.

Thị trường giao dịch bông biến động khá mạnh do giới kinh doanh lo ngại thời tiết xấu có thể ảnh hưởng tới vụ bông ở bang Texas, Mỹ khiến nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt trong khi nhu cầu vẫn cao.

Giá bông đã tăng 23% trong tháng 10 và tăng 66% trong 10 tháng đầu năm do nguồn cung toàn cầu không bắt kịp nhu cầu.

Kết thúc tháng 10, giá bông thiết lập mức 1,2526 USD/lb. Ngày 26/10, giá bông đạt mức cao kỷ lục 1,305 USD/lb, kỷ lục cao của hơn 140 năm nay và cũng là kỷ lục cao nhất từ khi giao dịch mặt hàng này.

Tại Trung Quốc, giá bông và các loại xơ sợi tháng 10 liên tục tăng mạnh. Trên thị trường xơ và sợi Qianqing,giá sợi bông 20s đã tăng từ 30500 Tệ/tấn đến 31500 Tệ/tấn trong 3 tuần cuối tháng, tương tự giá sợi 32s tăng từ 31500 Tệ/tấn lên 32800 Tệ/tấn. Giá sợi xơ ngắn Rayon (1,67dtex/38mm) cũng liên tục tăng, tăng khoảng 600 Tệ vào 18/10/2010 lên 22500 Tệ/tấn. Tương tự, giá Spandex (44dtex) tăng thêm 500 Tệ, lên 56000 Tệ/tấn. Giá sợi xơ ngắn (1,56dtex/38mm) tăng thêm 50 Tệ, lên 12950 Tệ/tấn. Giá Polyeste DTY (167dtex/48filaments) giữ ở mức 13900 Tệ/tấn.

Dự trữ bông tại Mỹ, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, sẽ giảm 8,5% trong năm bắt đầu từ ngày 1/8, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp.

Theo ông Spencer Patton, sáng lập viên kiêm nhà đầu tư trưởng của Quỹ đầu tư Steel Vine Investment LLC, thời tiết tiếp tục gây bất lợi cho các cánh đồng trồng bông ở Mỹ, dẫn tới đồn đoán nguồn cung bông vụ này có thể bị hạn chế.

Nhìn chung suốt ba tháng qua, giá bông liên tục tăng, do sự kết hợp của các yếu tố khác nhau, trong đó có diễn biến thời tiết xấu tại một số khu vực trồng bông chủ chốt trên thế giới và đồng USD yếu.

Theo khảo sát của các nhà phân tích Trung Quốc, sản lượng bông quốc gia trong niên vụ 2010-11 sẽ đạt khoảng 6,45 triệu tấn, giảm 5,5% so với mức dự báo trung bình 6,825 triệu tấn của niên vụ 2009-10.

Giá bông trên thị trường thế giới sẽ tiếp tục đà tăng giá mạnh từ nay đến hết năm và sang cả 2011 do nguồn cung tại các quốc gia sản xuất bông lớn trên thế giới như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan, Brazil…không theo kịp nhu cầu.

Chuyên gia kinh tế hàng đầu về bông, ông Jon Devine thuộc Tập đoàn Cotton Incoporated (Mỹ) cho rằng biến động đã và đang là đặc trưng chính của thị trường bông thế giới trong thời gian qua và thời gian tới. Những lo ngại về nguồn cung là nguyên nhân chính làm cho giá bông biến động theo chiều hướng tăng gần đây. Nguồn cung bông trên thị trường thế giới đang ở trong tình trạng thấp hơn cầu do ảnh hưởng của thiên tai, dự trữ bông của một số nước tăng cao, diện tích bông giảm do người nông dân chuyển sang trồng các loại cây nông nghiệp khác...đang tác động trực tiếp đến giá bông.

Điểm qua tình hình sản xuất tại các quốc gia sản xuất, tiêu thụ và cung cấp bông lớn nhất hiện nay, từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Pakistan, Brazil…đều trong cảnh cung không đủ cầu.

Tại Trung Quốc, dự kiến diện tích gieo trồng bông niên vụ 2010-2011 giảm khoảng 16% so với niên vụ 2007-2008. Cộng thêm tác động của thời tiết không thuận lợi, làm cho sản lượng ước tính giảm 1 triệu kiện. Với nhu cầu tiêu thụ của các nhà máy Trung Quốc tăng kỷ lục, nước này đối mặt với tình trạng thiếu hụt bông lên tới 18,5 triệu kiện trong niên vụ 2010-2010 và giải pháp cho thiếu hụt là nhập khẩu. Thực tế này càng góp phần đẩy giá bông thế giới tăng mạnh.

Ngoài Trung Quốc, tác nhân làm cho nguồn cung bông vốn đã khó khăn càng thêm phức tạp là việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu bông. Theo đó, từ 1/11/2010, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu bông phải đăng ký nên các quốc gia muốn nhập khẩu số lượng bông lớn tại Ấn Độ sẽ gặp không ít trở ngại.

Nếu Ấn Độ đưa ra những giải pháp để hạn chế thương mại thì Mỹ, quốc gia sản xuất bông lớn cũng đang đối mặt với nhu cầu tiêu thụ bông tăng mạnh cùng những hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn. Mặc dù niên vụ bông 2010-2011 mới bắt đầu, nhưng Mỹ đã cam kết xuất khẩu khoảng 52% sản lượng thu hoạch dự kiến, còn lại đáp ứng cho nhu cầu sử dụng nội địa.

Những quốc gia xuất khẩu khác như Nam Phi, dù đang chuẩn bị gieo trồng bông nhưng trước thực tế giá bông tăng cao ngất ngưởng cũng kỳ vọng chào bán bông ở giá mong muốn…

Ông Jon Devine cho rằng, giá bông sẽ còn diễn biến theo chiều hướng phức tạp trong ngắn hạn và cả dài hạn. Vì vậy, các quốc gia phụ thuộc vào nguồn bông nhập khẩu lớn như Việt Nam cần cân nhắc thời điểm nhập khẩu bông thích hợp để giảm thiểu rủi ro. Hiệu quả nhất là tăng dự trữ bông vì sẽ chủ động được trong sản xuất và ký kết các đơn hàng xuất khẩu.

 (Vinanet)