(Vinanet) Giá ca cao trên thị trường thế giới tăng trở lại trong tuần qua nhờ nhu cầu mua ca cao hạt và bơ ca cao tăng.

Tại Luân Đôn, giá ca cao kỳ hạn tăng ngoài nhu cầu còn nhờ các yếu tố kỹ thuật trong đó có hoạt động đáo hạn kỳ hạn tháng 3.

Giá ca cao giao tháng 5 tại Luân Đôn đóng cửa phiên cuối tuần qua ở 2.230 bảng Anh/tấn, tăng 39 bảng so với phiên trước đó.

Tại New York, giá ca cao cùng kỳ hạn chốt tuần ở 2.920 USD/tấn, tăng 66 USD. So với cách đây một năm, giá ca cao tại New York giảm 11,78% còn tại Luân Đôn giảm 1,81%.

Trên thị trường giao ngay châu Âu, giá ca cao hạt xuất xứ từ Bờ Biển Ngà, loại chất lượng tốt nhất, có giá cộng 50 – 60 bảng Anh/tấn so với giá giao kỳ hạn gần tại Luân Đôn trong tuần qua.

Ngày 03/3, giá ca cao tại Luân Đôn giảm xuống mức thấp nhất 3 năm rưỡi trở lại đây, trong khi giá mặt hàng này tại New York đứng ở mức thấp nhất của 6 tháng do hoạt động bán tháo của các quỹ đầu tư hàng hoá.

Giá ca cao tính đến thời điểm hiện tại đã giảm 20% kể từ mức cao nhất trong 32 năm qua đạt được hồi tháng 1.

Giá ca cao đã tăng liên tục trong vài tháng trước do nhu cầu mua dự trữ tăng và dự đoán nguồn cung sẽ giảm trong tương lai. Giá ca cao tăng cũng đã gây thiệt hại không nhỏ tới các nhà sản xuất sôcôla do họ không thể nâng giá bán sản phẩm ở siêu thị tới tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên trong 2 tuần trở lại đây, giá ca cao liên tục giảm do triển vọng nguồn cung dồi dào ở Bờ Biển Ngà, quốc gia sản xuất ca cao số 1 thế giới.

Mới đây, ngân hàngFortis của Hà Lan đã giảm dự báo thiếu hụt ca cao thế giới niên vụ 2010/11 từ 48.000 tấn xuống còn 14.000 tấn.

Tổ chức Cacao Quốc tế (ICCO) cũng vừa dự báo sản lượng cacao của Indonesia, quốc gia sản xuất ca cao lớn thứ 3 thế giới sau Bờ Biển Ngà và Ghana, sẽ tăng 2% lên 500.000 tấn trong niên vụ kết thúc vào tháng 9 năm nay nhờ chương trình cải tạo cây ca cao trị giá 350 triệu USD của chính phủ nước này.

Về ca cao nghiền, ICCO dự báo sản lượng ca cao nghiền của Malaysia vụ này sẽ lên tới 290.000 tấn, từ 270.000 tấn của vụ trước. Malaysia là quốc gia nghiền ca cao lớn nhất ở châu Á, chủ yếu mua nguyên liệu từ Indonesia.

Nguồn: Vinanet