Hiện dầu cọ thô Malaysia đạt khoảng 3000. Ringgit/tấn, trong khi đậu tương cũng đạt mức cao nhất kể từ 19 năm qua, tại Chicago (Mỹ) đạt 12,69 USD/bushel (1 bushel = 25,4 kg), tức là tăng 80% trong vòng một năm nay. Giá dầu cọ đã tăng gấp hơn 2 lần kể từ tháng 1/2006 tới nay. Dự báo xu hướng này sẽ còn tiếp diến bởi nhu cầu mạnh.
Các yếu tố cơ bản tiếp tục có lợi cho dầu thực vật và hạt có dầu. Sản lượng hạt có dầu thế giới niên vụ 2007/08 dự báo sẽ giảm xuống 392 triệu tấn so với 406,55 triệu tấn của niên vụ trước, trong khi tiêu thụ sẽ tăng từ 330,78 triệu tấn lên 340,43 triệu tấn, kết quả là dự trữ cuối vụ sẽ giảm xuống 58,14 triệu tấn, so với 72,04 triệu tấn cuối niên vụ trước, chủ yếu do nguồn cung đậu tương ở Trung Quốc và Braxin sụt giảm. Đối với dầu thực vật, sản lượng trên toàn cầu niên vụ 2007/08 dự báo sẽ tăng lên 126,05 triệu tấn, so với 121,50 triệu tấn do nhu cầu tăng mạnh, từ 121,08 triệu tấn lên 126,46 triệu tấn, kết quả là dự trữ cuối vụ cũng sẽ giảm xuống 7,76 triệu tấn so với 8,60 triệu tấn niên vụ trước. Sản lượng khô dầu niên vụ 2007/08 dự báo sẽ đạt 232,84 triệu tấn, tăng mạnh so với 224,40 triệu tấn niên vụ trước bởi sản xuất dầu ăn tăng mạnh, trong khi tiêu thụ khô dầu thế giới sẽ tăng từ 222,28 triệu tấn niên vụ 2006/07 lên 231,98 triệu tấn niên vụ 2007/08, và dự trữ cuối vụ sẽ giảm nhẹ từ 7,45 triệu tấn xuống 7,36 triệu tấn.
Nhà phân tích về hạt có dầu thế giới, Oil World, dự báo cung đậu tương toàn cầu sẽ khan hiếm trong niên vụ 2007/08. Đậu tương chiếm phần lớn sản lượng hạt có dầu thế giới. Sản lượng đậu tương thế giới niên vụ 2007/08 sẽ giảm khoảng 15 triệu tấn so với niên vụ này, xuống 223 triệu tấn, trong khi tiêu thụ sẽ tăng lên. Ép đậu tương thế giới tăng trung bình 10,3 triệu tấn/năm trong 3 niên vụ vừa qua, sẽ đẩy tiêu thụ đậu tương niên vụ này lên khoảng 239 triệu tấn, tức là thiếu hụt khoảng 16 triệu tấn. Do sản lượng hạt hướng dương dự kiến giảm, và ép các loại hạt có dầu khác tăng không đủ đáp ứng nhu cầu, ép đậu tương thế giới niên vụ tới dự báo sẽ tăng trên mức trung bình, thêm khoảng 13 triệu tấn trong niên vụ 2007/08 (tháng 10/tháng 9). Kết quả là dự trữ đậu tương toàn cầu cuối niên vụ (cuối tháng 8/08) sẽ giảm xuống khoảng 56 triệu tấn, giảm khoảng 16 triệu tấn so với một năm trước đó. Và như vậy, giá đậu tương chắc chắn sẽ tăng lên.
Nhu cầu dầu cọ thế giới cũng đang tăng mạnh, nên dù sản lượng tăng, giá vẫn tăng. Thị trường dầu cọ đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các thị trường khác, như dầu mỏ, ngoài những yếu tố về cung cầu chính mặt hàng đầu cọ. Bộ trưởng Bộ  Hàng hoá Malaysia, Peter Chin, sản lượng dầu cọ Malaysia năm 2008 sẽ tăng tới 16,8 triệu tấn, so với 16,5 triệu tấn năm 2007. Ông Chin cũng dự báo Indonexia sẽ vượt Malaysia trở thành nước sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới, với sản lượng năm nay dự kiến đạt 17 triệu tấn, sẽ tăng tới 18,9 triệu tấn năm 2008, và như vậy sản lượng dầu cọ thế giới sẽ tăng 3,7-3,8 triệu tấn vào năm tới. Giá cao có thể làm giảm nhu cầu dầu cọ, cả trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm cũng như sản xuất nhiên liệu.

Nguồn: Vinanet