Mặc dù thấp hơn khoảng 5,5% so với mức cao lịch sử 3.420 Ringgit/tấn, giá dầu cọ hiện vẫn đang ở mức cao ngất ngưởng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 4/08 tại sở giao dịch Bursa của Malaysia tăng 8 ringgit trong ngày 31/1 lên 3.232 ringgit (999 USD)/tấn.
Còn trên thị trường Indonexia, giá dầu cọ biến động do thiếu xu hướng giá rõ rệt trong  nhu cầu từ Trung Quốc và các nhà máy tinh luyện dầu trong nước đều chậm lại trước Tết Nguyên đán. Dầu cọ thô tại Indonexia có giá 9.193 rupiah (0,994 USD)/kg, giảm so với 9.210 rupiah ngày hôm trước.
Indonexia và Malaysia là 2 nước sản xuất và xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới, và giá ở 2 thị trường này luôn ảnh hưởng tới nhau.
Theo hãng dịch vụ vận tải Intertek Testing Services, xuất khẩu dầu cọ Malaysia tháng 1/08 giảm 1/3 so với tháng trước, xuống 998.344 tấn,  so với 1.428.772 tấn của tháng 12/2007. Còn theo hãng điều tra Societe Generale de Surveillance, xuất khẩu trong tháng 1 giảm 28,2% xuống 1.036.926 tấn.
Kết quả là dự trữ dầu cọ của Malaysia tính đến cuối tháng 1 tăng 8,2% lên 1,82 triệu tấn, mức cao nhất của khoảng 25 năm  nay.
Có thể giá dầu cọ quá cao đã làm giảm thị phần của dầu cọ trong lĩnh vực thực phẩm. Và điều này sẽ ngăn chặn xu hướng giá dầu cọ tăng  hơn nữa.
Nếu tình hình nhu cầu xuất khẩu trong tháng 2 tiếp tục trì trệ  như vậy, có thể các nước xuất khẩu sẽ có những điều chỉnh về chính sách xuất khẩu, như thuế chẳng hạn.
Indonesia đang cân nhắc cắt giảm thuế xuất khẩu dầu ăn làm từ dầu cọ để khuyến khích xuất khẩu các chế phẩm làm từ dầu cọ có giá trị cao hơn. Xuất khẩu dầu nhân cọ đã tinh chế, tẩy trắng và khử mùi (RBD) của Indonexia - thường được dùng làm dầu ăn và đắt hơn dầu cọ thô – cũng đã chậm lại trong thời gian qua do thuế xuất khẩu ở mức cao.
Bộ Công nghiệp Indonesia đang đề xuất mức thuế xuất khẩu 1-3% tùy thuộc vào biến động của giá cả quốc tế và trọng lượng đóng gói. Indonesia đang đánh thuế xuất khẩu 10% đối với dầu cọ thô và dầu nhân cọ RBD. Nhưng các nhà xuất khẩu nộp thuế xuất khẩu dầu cọ thô thấp hơn do giá xuất khẩu cơ bản ở mức 944 USD/tấn so với 966 USD/tấn đối với giá dầu dùng làm dầu ăn. Hàng tháng Indonesia có sự điều chỉnh thuế xuất khẩu dầu cọ dựa trên giá cả trên thị trường quốc tế để kiềm chế sự tăng giá và đảm bảo nguồn cung cho thị trường.
Mức thúê xuất khẩu 10% sẽ được áp dụng, nếu giá quốc tế trên 850 USD/tấn, thuế giảm còn 7,5% nếu giá quốc tế là 750-850USD/tấn và thuế sẽ còn 5% nếu giá quốc tế là 650-749USD/tấn.
 Loại
   Kỳ hạn
  Giá 31/1
+/-
 Dầu cọ thô Malaysia
2/08
3230 ringgit/tấn
 + 19,00   
  Dầu cọ  thô Malaysia
3/08
  3221  ringgit/tấn
+ 0,00   
 Dầu cọ thô Malaysia
4/08
3232 ringgit/tấn
 + 8,00   
 Dầu cọ thô Malaysia
5/08 
3222  ringgit/tấn
+ 2,00   
 Dầu đậu tương tại Chicago
 
 53,19 US cent/lb
  -0,27  

Nguồn: Vinanet