* Giá gạo Việt Nam tăng bởi giá sàn XK tăng và nhu cầu mạnh
   * Nông dân Việt Nam giữ hàng lại chờ giá tăng thêm
   * Giá gạo Thái Lan tăng bởi Baht tăng giá và chương trình thu mua can thiệp
   * Một số khách hàng tìm tới gạo trắng Thái lan
   * Sản lượng gạo Ấn Độ sẽ cao
   * Dự báo xu hướng tăng sẽ vừa phải

Giá gạo Châu Á tăng khá trong 2 tuần vừa qua bởi hoạt động mua đầu cơ mạnh và hy vọng nhu cầu sẽ tăng sau khi khu vực Biển Đen bị hạn hán nghiêm trọng và lũ lụt ở Pakistan ảnh hưởng tới nguồn cung gạo toàn cầu.

Thị trường gạo cũng trong tình trạng lo âu như những thị trường ngũ cốc khác. Người ta lo sợ tình trạng khan hiếm gạo sẽ lại xảy ra như năm 2008.

Hạn hán trầm trọng nhất từ hàng thế kỷ nay ở Nga và lũ lụt trầm trọng ở Pakistan sẽ làm giảm khoảng nửa triệu tấn lúa mì trong kho dự trữ. Các thương gia ở Châu Á hy vọng giá gạo sẽ còn tăng hơn nữa, sau khi nhu cầu tăng mạnh ở những nước bị thiên tai.

Nhu cầu mới từ Châu Phi đã làm tăng giá gạo sấy Thái Lan. Các loại gạo khác cũng tăng giá, với gạo 100% B giá tăng lên 490 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với một tuần trước đây, và tăng 15 USD/tấn so với 2 tuần trước đây.

Tuy nhiên, các thương gia tin rằng xu hướng tăng giá gạo Thái sẽ không sẽ bị hạn chế bởi những yếu tố tác động xấu đến thị trường lương thực không trầm trọng như năm 2008, khi giá lập kỷ lục cao 1.080 USD/tấn.

Một thương gia Thái Lan cho biết khách hàng tin rằng hiện ở những nước sản xuất lớn như Thái Lan và Việt Nam, kể cả ở Ấn Độ, lượng dự trữ gạo còn khá dồi dào.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 5 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, giảm nhẹ so với 5,6 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan đặt mục tiêu bán khoảng 8,5 triệu tấn trong năm nay.

Đầu tuần này, báo chí Thái Lan đưa ra thông tin rằng Chính phủ Thái đã bán gần 1 triệu tấn gạo cho một số nhà xuất khẩu gạo lớn. Tuy nhiên, vẫn chưa có xác nhận chính thức của các cơ quan chức năng về thông tin này.

Tại Ấn Độ, nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới, các thương gia dự báo vụ thu hoạch lúa 2010/11 sẽ đạt 100 triệu tấn nhờ mưa gió thuận hoà, và các thương gia hy vọng rằng New Delhi sẽ nới lỏng một số quy chế về xuất khẩu gạo.

Ấn Độ sản xuất 89,13 triệu tấn gạo trong năm 2009/10, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước đó bởi hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 4 thập kỷ.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá gạo tăng một phần bởi việc Hiệp hội Lương thực gần đây nâng giá sàn gạo xuất khẩu.

Ngày 23/8/2010, Việt Nam đã tăng giá sàn gạo 5% tấm xuất khẩu lên 430 USD/tấn so với 400 USD/tấn trước đây.

Giá sàn đối với gạo 25% tấm cũng được điều chỉnh tăng từ 370 USD/tấn lên 390 USD/tấn. Tại Việt Nam, nhiều nông dân đang giữ lúa gạo lại với hy vọng giá sẽ tăng hơn nữa.

Bộ Công Thương cho biết tính đến thời điểm này, chúng ta đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo trên tổng số 6,2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng. Trong đó, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo đường chính ngạch 7 tháng đầu năm là 79.207 tấn, còn lượng gạo xuất khẩu qua đường tiểu ngạch không thể đánh giá chính xác. Thông báo trên trang web của Tổng cục Hải quan (ngày 18.8) cho thấy trong 7 tháng đầu năm gạo Việt Nam xuất sang TQ đạt khoảng 79.000 tấn.

Giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng khoảng 30 – 40 USD/tấn trong 2 tuần vừa qua, hiện đạt 430 – 440 USD/tấn. Gạo 25% tấm cũng tăng tương tự, hiện đạt khoảng 390 USD/tấn.

Với sự tăng nhanh, giá gạo Việt nam hiện gần sát với gạo Thái Lan. Vì vậy, lượng khách hàng hiện đang dàn đều sang cả 2 nguồn cung.

Nhiều thương gia Thái Lan nhận định giá gạo của họ sẽ vững trong vài tháng tới bởi Chính phủ quyết định tiếp tục kế hoạch hỗ trợ giá trước khi thu hoạch vụ mới, vào tháng 10 tới.

Ngày 13/8, trả lời phỏng vấn báo chí Trung quốc xung quanh vấn đề giá lương thực, quan chức Vụ giá cả thuộc Ủy ban cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc cho biết, do nhiều năm được mùa nên tỷ lệ dự trữ lương thực trong kho đạt trên 40%, cao hơn nhiều so với mức an toàn 17-18% mà quốc tế công nhận. Vì vậy hiện sản lượng và nhu cầu đối với thóc gạo của Trung Quốc cơ bản cân bằng. Trước đó, theo báo cáo cân đối cung cầu gạo của Trung Quốc mùa vụ 2010/2011 ngày 4/8/2010, Trung Quốc dư khoảng 7,4 triệu tấn gạo.

Trên thị trường Trung Quốc, giá lúa gạo vẫn ổn định dù một số nơi gặp thiên tai, bởi mức độ thiệt hại đối với sản lượng lúa ở những khu vực đó không đáng kể.

Trong thông báo mới nhất được công bố trên trang web China Daily ngày 26/8, Chủ tịch Viện Nông học Trung Quốc, Zhai Huqu, cho biết mặc dù biến động của thời tiết song sản lượng ngũ cốc nước này năm nay sẽ vẫn đạt mức như năm ngoái, khoảng 500 triệu tấn. Trước đó, ngày 4/8, Trung tâm Thông tin Dầu và Ngũ cốc quốc gia Trung Quốc đưa tin Trung quốc sẽ thu hoạch 196,6 triệu tấn gạo trong năm nay, tương đương mức dự báo một tháng trước đây. Sản lượng ngô, lúa mì, đậu tương và hạt cải có thể đạt lần lượt 168 triệu tấn, 115,1 triệu tấn, 14,5 triệu tấn và 12,6 triệu tấn.

Theo thống kê của Tổ chức Nông - Lương thế giới (FAO), năm 2010 TQ đã thuê thêm trên 2 triệu hécta đất từ nhiều quốc gia Châu Á, Châu Âu để trồng thêm lúa, cụ thể là thuê 1,24 triệu hécta ở Philippines, 700.000 ha ở Lào, 80.000ha ở Nga, 10.000 ha ở Cameroon, 7.000 ha ở Kazakhstan.

Theo Commodity Online, xuất khẩu gạo từ Pakistan dự kiến sẽ giảm mạnh do lũ lụt ở những khu vực chiếm tới 90% diện tích nông nghiệp. Trong báo cáo tháng 7, FAO  dự kiến Pakistan sẽ xuất khẩu 3,8 triệu tấn gạo trong năm nay, chiếm trên 10% lượng xuất khẩu gạo toàn cầu (30,4 triệu tấn).

Theo nguồn tin Commodity Online, Campuchia  cho biết họ sẽ cử một phái đoàn thương mại tới Philippine vào tháng tới để thương lượng về việc xuất khẩu gạo. Mới đây Campuchia đã ra dự thảo các chính sách mới nhằm đẩy tăng sản lượng và xuất khẩu gạo. Mục tiêu của Campuchia là xuất khẩu ít nhất 1 triệu tấn gạo ra thị trường quốc tế vào năm 2015.

Sau khi Philippine thông báo sản lượng giảm 10% trong nửa đầu năm nay, nhiều nhà xuất khẩu tiềm năng đã bắt đầu chiến dịch tiếp cận thị trường khổng lồ này.

Nguồn tin Commodity Online ngày 20/8 cho biết Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới,  cho biết thời tiết khô hạn do El Nino có thể ảnh hưởng tới vụ mùa của họ, buộc họ phải nhập khẩu thêm gạo do sản lượng giảm. Philippine đã nhập khẩu kỷ lục 2,47 triệu tấn gạo trong năm nay. Sản lượng gạo trong quý 3 năm nay được dự báo là sẽ giảm thêm 25,6%.

Từ đầu những năm 1990 đến nay, Philippines thường xuyên phải nhập khẩu khoảng 1/10 lượng lương thực mà người dân nước này tiêu thụ. Năm nay, lượng gạo nhập khẩu lên mức kỷ lục, 2,45 triệu tấn, nhằm bù đắp cho lượng lương thực sụt giảm do một mùa khô hạn bất thường và bão cuối năm ngoái.

Dù vậy, Bộ trưởng Bộ nông nghiệp mới được bổ nhiệm của Philippines, ông Proceso Alcala vẫn hết sức lạc quan. “Trong ba năm nữa chúng ta sẽ không còn nhập khẩu gạo”, ông Alcala nói.

Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Manila cho rằng, tự túc lương thực phụ thuộc vào hai yếu tố chính: gia tăng sản xuất gạo và giảm mức tiêu thụ. Theo nhà nghiên cứu cao cấp Piedad Moya của IRRI, để gia tăng sản lượng gạo, Philippines cần có hệ thống thủy lợi tốt hơn và giống lúa có năng suất cao nhưng giá rẻ hơn. Đây là hai yếu tố mà Philippines bị thiếu trầm trọng.

Theo IRRI, xây dựng và cải tạo hệ thống thủy lợi để gia tăng diện tích đất trồng lúa là yếu tố then chốt. Khoảng 1/4 diện tích trồng lúa của đảo quốc này phụ thuộc vào nước trời, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ, thay vì hai vụ như những cánh đồng có nước thủy lợi.

Giá gạo thế giới, USD/tấn

 

26/8

19/8

12/8

Thái Lan, 100% B

490

485

475

                 25% tấm

 

415

 

Việt Nam, 5% tấm

430 - 440

400 - 415

400

                 25% tấm

390

375 - 380

360

(Vinanet)