* Nhu cầu từ Iran hỗ trợ giá gạo Thái lan
   * Dự trữ gạo gạo Việt Nam giảm sút
   * Giá sẽ giảm khi nguồn cung tăng

Giá gạo Châu Á tăng khoảng 2% trong tuần qua, với gạo Thái Lan được hỗ trợ bởi nhu cầu mới từ Iran, còn gạo Việt Nam được hậu thuẫn bởi nhu cầu bốc xếp mạnh trong khi nguồn cung hạn hẹp.

Tuy nhiên, các thương gia dự báo giá sẽ không duy trì ở mức cao như hiện nay trong thời gian dài bởi nông dân ở Thái Lan và Việt Nam – hai nước xuất khẩu hàng đầu thế giới – sẽ thu hoạch lúa vụ mới trong vài tuần tới.

Giá gạo 100% của Thái Lan tăng từ mức 520 USD/tấn lên 530 USD/tấn trong vòng một tuần. Một thương gia ở Băngkốc cho biết: “Iran bắt đầu khôi phục việc mua gạo sau một thời gian không tham gia vào thị trường”.

Iran đã gửi chào mua tới các nhà xuất khẩu gạo Thái, theo đó họ muốn mua tổng cộng 100.000 tấn gạo 100% B. Iran đã mua 30.000 tấn gạo thông qua một công ty thương mại quốc tế (hàng giao ngay) và khối lượng nói trên là mua thêm.

Iran là một trong những khách hàng truyền thống của Thái lan, mua khoảng 1 triệu tấn mỗi năm, nhưng cách đây vài năm đã dừng mua vì nguồn cung trong nước còn dồi dào.

Các thương gia cho biết nhu cầu từ Iran chắc chắn sẽ hỗ trợ giá gạo Thái từ nay tới cuối năm, khi giá có nhiều khả năng giảm bởi có thêm nguồn cung từ vụ thu hoạch mới.

Thái lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã xuất khẩu 7,4 triệu tấn gạo trong năm nay, giảm nhẹ so với 7,5 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, ông Watchara Kannika cho biết Nội các nước này đã nhất trí trên nguyên tắc đề xuất lập kho dự trữ gạo ASEAN+3 (APTERR).

Theo ông Watchara, Nội các Thái Lan cũng thông qua dự thảo thoả thuận về APTERR và uỷ quyền cho Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã nước này ký hiệp định tại cuộc họp cấp bộ trưởng nông-lâm nghiệp ASEAN+3 dự kiến diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) cuối tháng này.

Ngoài việc lập Uỷ ban chính sách về APTERR, Thái Lan cũng nhất trí với đề nghị dành 15.000 tấn gạo cho kho dự trữ an ninh lương thực ASEAN và thông qua ngân sách 970.000 bạt/năm (tương đương 32.000 USD) trong 5 năm cho quỹ trên.

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá gạo cũng tăng bởi dự trữ giảm trong khi nhu cầu bốc xếp tiếp tục mạnh.

Gạo 5% tấn của Việt Nam giá tăng lên 500 – 505 USD/tấn, so với 490 – 495 USD/tấn một tuần trước đây.

Giá chào bán gạo 25% tấm cũng tăng lên 445 – 460 USD/tấn, so với 445 – 450 USD/tấn một tuần trước đây.

Một thương gia cho biết Việt Nam hiện không còn nhiều gạo dự trữ, vậy nên một số khách hàng đang chờ nguồn cung từ những xuất xứ khác bởi vụ thu hoạch ở Pakistan và Thái lan cũng sắp bắt đầu. Trong khi đó Việt Nam còn đang thực hiện các hợp đồng ký với Indonexia, Malaysia, Cuba và Iraq.

Indonexia đã mua tổng cộng 550.000 tấn gạo Việt nam trong tháng qua.

Xuất khẩu gạo Việt Nam trong năm nay đã tăng 9,8% so với năm ngoái, lên 6,04 triệu tấn.

Trung tâm Thương mại Thái Lan vừa cho biết, vị trí xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới của Thái Lan sẽ bị đe dọa từ Việt Nam trong 10 năm tới, vì xuất khẩu gạo trung bình hàng năm của Việt Nam dự kiến đạt 7,5 triệu tấn, trong khi của Thái Lan vẫn ở mức khoảng 8,6 triệu tấn trong thời gian này. Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng nhanh chủ yếu nhờ giá tương đối rẻ và chất lượng được cải thiện.

Trong báo cáo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu thương mại quốc tế (CITS) thuộc trường Đại học Thai Chamber of Commerce (Thái Lan), Trung tâm Thương mại Thái Lan dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng 25% và đạt trung bình 7,5 triệu tấn/năm trong thời gian tới. Trong khi đó, xuất khẩu gạo của Thái Lan sẽ giảm khoảng 14% so với năm 2010, xuống còn khoảng 8,6 triệu tấn/năm trong những vụ tới.

Ông Ast Pisanwanich, Giám đốc Trung tâm Thương mại Thái Lan cho biết, Thái Lan cần phải cải thiện khả năng cạnh tranh, đặc biệt ở thị trường ASEAN, nơi gạo Việt Nam chiếm 39,6%.

Nghiên cứu mới đây cho thấy, Thái Lan dần không thể cạnh tranh với Việt Nam về xuất khẩu gạo bởi năng suất thấp hơn, chi phí sản xuất cao hơn, giá cao hơn và tiếp thị rời rạc.

Trong vụ mùa mới đây, năng suất lúa của Việt Nam trung bình đạt cao nhất trong các nước ASEAN, trong khi của Thái Lan thấp hơn, thấp hơn cả Campuchia, Lào, Myanmar. Quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích nông dân cắt giảm sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, đồng thời mở rộng hợp tác với các nước láng giềng như lập Công ty Lương thực Campuchia - Việt Nam (Cavifoods) tại Campuchia để hoạt động kinh doanh lúa gạo và có kế hoạch mở rộng liên doanh với Myanmar.

Với chính sách tăng sản lượng và tiếp thị rõ ràng, Xuất khẩu gạo của Việt Nam đang tăng khả năng cạnh tranh và thị phần tại thị trường ASEAN và các nơi khác.

Xuất khẩu thóc gạo của Việt Nam tăng chủ yếu là nhờ giá rẻ và chất lượng được cải thiện, yếu tố giúp Việt Nam xếp thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo sau Thái Lan.

Xuất khẩu thóc gạo của Việt Nam sang thị trường ASEAN đã vượt qua Thái Lan. Hiện Việt Nam chiếm tới 59,9% thị phần ở Đông Nam Á, so với 39,6% thị phần khu vực của Thái Lan.

Giám đốc Aat Pisanwanich của CITS nói xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên đáng kể trong lúc thị phần của Thái Lan, nước lâu nay luôn tự hào là nhà cung cấp gạo hàng đầu thế giới, sẽ sụt giảm dần trên các thị trường, kể cả ở Hongkong và Australia. Đó là do Thái Lan thiếu kế hoạch phát triển dài hạn về tăng sản lượng thóc gạo và chương trình tiếp thị.

Về những thôn tin gạo khác, ngày 15/11 cơ quan ngũ cốc quốc gia Bănglađét đã đấu thầu mua 30.000 tấn gạo sấy để lấp đầy kho dự trữ.

Bộ trưởng Nông nghiệp Philippine Proceso Alcala cho biết Philippine vẫn phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn gạo vào năm 2011 sau khi ước tính sản lượng gạo trong năm nay giảm còn 16,02 triệu tấn do thời tiết bất lợi.

Ông Alcala cho biết khu vực tư nhân sẽ nhập khẩu phần lớn lượng hàng này, trong khi chính phủ thông qua Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA), se chỉ nhập phần còn lại hoặc đủ gạo dự trữ trong 30 ngày. Cũng theo ông, không giống như chính phủ trước khia, Bộ Nông nghiệp sẽ không ngăn cản bất kỳ việc nhập khẩu gạo trong năm tới. Thay vào đó, NFA có thể sẽ nhập khẩu nhiều đợt và sau khi đàm phán được mức giá hợp lý.

Sản lượng gạo Philippine dự kién sẽ đạt 17,4 triệu tấn vào năm tới, tăng gần 9% so với 16 triệu tấn của năm 2010. Sản lượng năm 2012 được dự kiến đạt 19,2 triệu tấn, và tăng lên 21,12 triệu tấn vào năm 2013 – đáp ứng đủ nhu cầu kể từ năm đó.

Campuchia đang nỗ lực tăng cường xuất khẩu gạo sang Indonexia. Phou Puy, chủ tịch Hiệp hội các nhà chế biến gạo Campuchia cho hay: “Chúng tôi đang đàm phán về giá cả và lịch trình xuất khẩu. Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường xuất khẩu gạo”.

Một phái đoàn gồm các thương nhân ngành gạo Campuchia sẽ đến thăm Indonesia sau khi đại sứ nước này tại Campuchia cho biết nước này đang xem xét nhập khẩu 300.000 tấn ngũ cốc từ Campuchia. Ông Phou Puy đã xác nhận rằng Indonesia cần nhập tới 300.000 tấn gạo. Ông cũng cho biết thêm: “Chúng tôi đang đàm phán về giá cả và lịch trình xuất khẩu. Chúng tôi sẽ cố gắng tăng cường xuất khẩu gạo”. Thực tế là các doanh nghiệp Indonesia cũng đang tìm kiếm những nguồn cung mới. Công ty Golden Rice đang hướng tới mục tiêu nhập 50.000 tấn gạo từ Châu Âu, Hoa Kỳ và Châu Á vào năm tới. Ông Soehardjono Sastromihardjo, đại sứ Indonesia tại Campuchia phát biểu trước hãng thông tấn The Post của Campuchia rằng, Indonesia cần khoảng 20 triệu tấn gạo mỗi năm để đáp ứng nhu cầu trong nước.

Bộ nông nghiệp và lương thực Ấn Độ đã từ chối những yêu cầu từ các bang Punjab, Andhra Pradesh và bang Chhattisgarh về việc tiếp tục xuất khẩu gạo non-basmati. Mới đây, ông K.V. Thomas, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề người tiêu dùng, lương thực và công cộng đã thông báo với Hạ viện rằng “Những yêu cầu về vấn đề xuất khẩu gạo non-basmati đã được gửi đến từ chính quyền các bang Punjab, Andhra Pradesh và Chhattisgarh. Tuy nhiên, những yêu cầu này vẫn đang được xem xét mà chưa được thông qua”. Ông cho biết thêm Ấn Độ vẫn cho phép xuất khẩu một khối lượng nhất định lúa mỳ và gạo với mục đích viện trợ nhân đạo. Xuất khẩu các mặt hàng đậu (ngoại trừ đậu kabuli channa) sẽ bị cấm cho đến 31/3/2011. Tuy nhiên, lệnh cấm xuất khẩu đường không được ban hành mặc dù chính phủ cũng đang điều tiết việc xuất khẩu mặt hàng này.

Sản lượng gạo ở Haiti đã trì trệ trong nhiều thập kỷ nay. Trong năm 2010, nguồn cung nước và phân bón dồi dào làm tăng sản lượng lên khoảng 90.000 tấn. Sản lượng năm 2011 ước tính khoảng 80.000 – 90.000 tấn. Tại nước này, nhu cầu tăng nhanh và dân số tăng trong khi thuế nhập khẩu giảm. Tiêu thụ năm 2010 ước đạt 380.000 tấn, trong đó khoảng 300.000 tấn đến từ nhập khẩu.

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng lúa gạo thế giới niên vụ 2010/11 đạt khoảng 452,5 triệu tấn, giảm 2,1 triệu tấn so với dự báo tháng 9. Tuy nhiên, so với niên vụ 2009/10 sản lượng lúa gạo thế giới vẫn tăng gần 2%.

Nguyên nhân của sự sụt giảm trên là do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt tại một số nước sản xuất chính. Tại Ấn Độ, do ảnh hưởng của thời tiết khô hạn kéo dài ở phía đông của bang Bihar và phía tây của bang Bengal, mưa lớn và lũ lụt tại Punjab đã làm cho sản lượng lúa gạo giảm 2,0 triệu tấn, ước đạt 97 triệu tấn. Tương tự như Ấn Độ, Mỹ phải đối mặt với một nền nhiệt cao trong mùa hè làm sản lượng lúa gạo giảm mạnh. Dự báo sản lượng lúa gạo của Mỹ giảm 400 nghìn tấn, đạt 7,6 triệu tấn. Tại Myanmar, vụ mùa chậm do điều kiện khô hạn làm sản lượng giảm 200 nghìn tấn, ước niên vụ 2010/11 đạt 10,8 triệu tấn. Sản lượng giảm còn diễn ra tại một số nước khác như Angola, Benin, Cote D’ivoire, Mozambique và Rwanda. Trong khi đó sản lượng lại được cải thiện tại các nước như Guinea, Mali, Burkina Faso, Cameroon, Chad, Công hòa Dân chủ Congo, Gambia.

Thương mại lúa gạo toàn cầu 2010/11 đạt 30,54 triệu tấn, giảm 1% so với dự báo quý III/2010, tuy nhiên vẫn tăng 2% so với 2009/10. Sự sụt giảm này là do sự thay đổi trong khối lượng gạo xuất, nhập khẩu của một số nước. Đối với các nước xuất khẩu gạo, dự báo xuất khẩu của Myanmar giảm 100 nghìn tấn xuống còn 600 nghìn tấn. Xuất khẩu của Nga giảm 20 nghìn tấn xuống còn 100 nghìn tấn. Với các nhà nhập khẩu, nhập khẩu của Indonesia năm 2011 đã được nâng lên 150 nghìn tấn trong tháng này đạt 400.000 tấn. Nhập khẩu của các Tiểu vương quốc Ả Rập đã được nâng lên 50.000 tấn trong tháng này đạt 400.000 tấn. Nhập khẩu tăng còn diễn ra tại một số quốc gia khác như Mozambique, Rwanda, và Togo. Tuy nhiên, một số nước do sản xuất trong nước thuận lợi nên giảm khối lượng gạo nhập khẩu như Guinea, Burkina, Guinea-Bissau và Zambia.Do nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới tăng, dự trữ toàn cầu cho niên vụ 2010/11 dự báo giảm 300 nghìn tấn so với tháng trước, đạt 94,3 triệu tấn, giảm nhẹ so với niên vụ 2009/10. Theo USDA dự trữ dự báo giảm mạnh đối với Miến Điện và Mỹ, nhưng được bù đắp một phần do dự trữ tăng ở Indonesia và Mali.

Tình trạng cung cầu này đã khiến cho giá gạo xuất khẩu có xu hướng tăng trong những tháng cuối năm.

(Vinanet)