* Bắt đầu vào vụ thu hoạch có thể đẩy giá giảm xuống từ tháng 11 tới
   * Lũ lụt không gây ảnh hưởng nhiều tới vụ mùa lúa hiện nay.

Giá gạo trên thị trường Châu Á vững ở mức tương đối cao trong tuần 14 -22/10/2010, được hỗ trợ bởi nhu cầu mới trước các dịp lễ hội Giáng sinh và Năm mới.

Nhu cầu tăng ở Trung Đông và châu Phi đã đẩy giá gạo Việt nam và Thái Lan – hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới – tăng 30% trong tháng qua.

Tuy nhiên, giá chắc chắn sẽ giảm trong những tuần sau đó do nguồn cung tăng, bởi hai nước xuất khẩu lớn nhất thế giới bước vào vụ thu hoạch.

Gạo 100% B của Thái Lan hiện được chào giá 505 USD/tấn, không thay đổi so với tuần trước. Tuy nhiên so với tháng 7/2010, giá gạo hiện nay cao hơn 11%.

Giá gạo tại thị trường Chicago, Mỹ cũng liên tục tăng trong những ngày gần đây.

Một thương gia cho biết: “Nhu cầu nhìn chung rất mạnh, nhưng giá gạo Thái vẫn được hỗ trợ bởi nhu cầu mới đối với gạo sấy từ Châu Phi”.

Khoảng 300.000 tấn gạo sấy Thái Lan đã được giao cho khách hàng Châu Phi trong tuần qua (hàng giao ngay). Các nhà nhập khẩu đang tái xây dựng kho dự trữ trước mùa lễ hội cuối năm.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, hiện là nhà cung cấp gạo sấy duy nhất bởi Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trong tháng 10/2007.

Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã hạ dự báo về sản lượng gạo năm nay xuống còn 467 triệu tấn từ mức 474 triệu tấn theo dự báo hồi tháng 4/2010 và 472 triệu tấn của dự báo công bố tháng 6/2010.

Tại Việt Nam, giá cũng vững, được hỗ trợ bởi nhu cầu bốc xếp cao cho những khách hàng lớn như Indonexia, Cuba, Malaysia và Bănglađét.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá 475 USD/tấn, FOB, so với 465 – 475 USD/tấn một tuần trước đây, trong khi gạo 25% tấm giá 445 USD/tấn, so với 435 – 445 USD/tấn một tuần trước đây.

Giá cả 2 loại gạo này đang bằng mức giá tối thiếu mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam quy định.

Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Giá gạo vẫn cao, song ngay cả khi nhu cầu lúc này thấp, giá cũng không thể giảm bởi Việt Nam đang bốc xếp 300.000 tấn gạo cho Indonexia.

Indonexia đã mua 300.000 tấn gạo vào đầu tháng này. Một quan chức Indonexia cho biết giấy phép nhập khẩu đã được cấp.

Tuy nhiên, một hợp đồng nữa với 200.000 tấn gạo Thái Lan có thể sẽ bị đình lại bởi đồng Baht tăng giá, mà Indonexia thì chưa sẵn sàng tăng giá mua gạo.

Các thương gia dự báo giá gạo Việt Nam sẽ giảm vào tháng 11 vì Thái Lan và Việt Nam bước vào vụ thu hoạch mới.

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi lũ lục và mưa lớn, vụ mùa lúa ở 2 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới chỉ bị thiệt hại ở mức vừa phải.

Thái Lan dự kiến sẽ chỉ bị mất 100.000 – 200.000 tấn lúa trong tổng sản lượng 22,9 triệu tấn dự kiến sẽ thu được ở vụ mùa chính niên vụ 2010/11.

Còn tại Việt Nam có khoảng 8.000 hécta lúa bị thiệt hại, và gần 40.000 tấn lương thực, bao gồm cả hạt giống, đã bị nước cuốn trôi.

Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, có đủ cung gạo và sẽ chưa cần mua thêm trong năm nay mặc dù bị ảnh hưởng bởi cơn bão Megi. Thiệt hại của Philippines từ cơn bão Megi có thể khiến nhu cầu gạo của nước này tăng thêm 500.000 tấn.

Philippines có thể thiệt hại khoảng 600 nghìn tấn gạo do ảnh hưởng tiêu cực từ siêu bão Megi. Khoảng 157 nghìn ha đất trồng lúa gạo tại tỉnh Cagayan và Isabela có thể nằm trong khu vực bão đi qua. Hiện, 1/2 diện tích trồng lúa tại 2 tỉnh trên đang chờ thu hoạch, số còn lại đang trong giai đoạn lớn.

Chính phủ Philippine hàng năm mua khoảng 2 triệu tấn gạo trên thị trường quốc tế, trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Sản lượng giảm và nạn tham nhũng trong dây chuyền cung cấp gạo đã gây ra tình trạng thiếu tới khoảng 10% lượng cung hiện nay.

Người dân Philippine lo ngại rằng nước này đang khủng hoảng cung gạo nghiêm trọng mặc dù chính phủ đã ký một hợp đồng nhập khẩu gạo với Việt Nam để đẩy tăng dự trữ quốc gia khi mà giá gạo đang tăng từng ngày và dự trữ gạo thế giới giảm. Uỷ ban những Người Trồng Lúa quốc gia dự báo thiếu cung có thể đẩy giá gạo tăng lên 40 Peso (1 USD)/kg so với trung bình khoảng 25 Peso hiện nay.

Chính phủ Indonesia đã cấp giấy phép cho (Cơ quan Hậu Cần Quốc gia) Bulog nhập khẩu 300,000 tấn gạo trong tháng 10. Ông Mahendra Siregar, Thứ trưởng Thương mại Indonesia cho Bulog sẽ nhập khẩu thêm gạo nhưng không tiết lộ thông tin cụ thể về số lượng cũng như thời gian tiến hành. Đầu tháng này, ông Soetarte, người đứng đầu Cơ quan Bulog cho biết nước này có khả năng nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam.

Ông này cho biết lượng nhập khẩu này nhằm bảo đảm việc dự trữ gạo của chính phủ và giải thích lý do chính phủ nước này cần 1,5 triệu tấn gạo để ổn định giá gạo trong nước.

Thái Lan đề nghị thành lập công ty buôn bán gạo ASEAN

Trong cuộc họp Bộ trưởng Kinh tế ASEAN năm 2009 tại Bangkok, Thái Lan đã đưa ra ý tưởng thành lập 1 công ty buôn bán gạo gồm các nhà sản xuất gạo trong ASEAN, nhằm tăng và ổn định giá gạo thế giới.

Và mới đây, ngày 19/10, Nội các Thái Lan đã nhất trên nguyên tắc trí lập kho dự trữ gạo Asean + 3 (APTERR).

Phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, ông Watchara Kannika, cho biết thêm Nội các Thái Lan cũng thông qua dự thảo thỏa thuận về APTERR và ủy quyền cho Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã nước này ký hiệp định tại cuộc họp cấp bộ trưởng nông - lâm nghiệp ASEAN+3 dự kiến diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia) cuối tháng này.

Ngoài việc lập Ủy ban chính sách về APTERR, Thái Lan cũng nhất trí với đề nghị dành 15.000 tấn gạo cho kho dự trữ an ninh lương thực ASEAN và thông qua ngân sách 970.000 bạt/năm (tương đương 32.000 USD) trong 5 năm cho quỹ trên.

Trên thị trường Thái Lan, hạn chế về nguồn cung có thể khiến giá gạo tăng thêm khoảng từ 20 đến 30USD/tấn. Giá gạo toàn cầu vì thế sẽ tăng.

Ông Banjong Tungjitwattanakun, phó chủ tịch Hiệp hội lúa gạo Thái Lan, cho biết sản lượng gạo có thể giảm từ 15 đến 20% so với năm trước xuống chưa đầy 20 triệu tấn do lũ lụt tồi tệ. Sản lượng của vụ mùa năm trước đạt 23,3 triệu tấn.

Ông Banjong dự báo hạn chế về nguồn cung có thể khiến giá gạo Thái tăng thêm khoảng từ 20 đến 30USD/tấn. Giá gạo toàn cầu vì thế sẽ tăng. Theo ông, giá gạo sẽ lập đỉnh cao vào đầu tháng 11/2010 khi những người mua trở lại thị trường ở thời điểm vụ thu hoạch bắt đầu.

Các khu vực sản xuất gạo chính tại tỉnh thuộc trung tâm Thái Lan, Bắc và Đông Bắc chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt. Nhiều nhà máy chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, nguồn cung hạn chế.

Thái Lan có 2 vụ mùa gạo trong 1 năm. Vụ mùa chính từ cuối tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau đóng góp 75% tổng lượng gạo cả năm. Năm nay, Thái Lan nhiều khả năng sẽ xuất khẩu 8,5 triệu tán gạo.

Về Campuchia, nước xuất khẩu gạo mới nổi,Thủ tướng Campuchia Hun Sen cho biết nước này sẽ xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc trong năm 2011, theo một hiệp định thương mại có thể được ký trong tuần này.

Theo Thủ tướng Hun Sen, hiệp định này nằm trong chiến lược của chính phủ nhằm mở rộng hoạt động xuất khẩu ra ngoài các thị trường truyền thống hiện nay là Mỹ và Liên minh châu Âu, hướng vào các thị trường ở châu Á - những nơi đã chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tốt hơn so với các nơi khác.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Campuchia cho biết một phái đoàn Chính phủ Trung Quốc sẽ sang thăm Phnom Penh trong tuần này để thảo luận về tiêu chuẩn chất lượng gạo xuất khẩu, và ký kết với phía Campuchia một hiệp định ưu đãi đặc biệt đối với gạo Campuchia xuất sang Trung Quốc.

Thị trường Trung Quốc tới nay vẫn đóng cửa đối với gạo của Campuchia và hiệp định thương mại này sẽ mở ra triển vọng cho các mặt hàng nông sản khác của Campuchia có thể thâm nhập thị trường Trung Quốc trong tương lai.

Campuchia là nước giàu tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất gạo, với khoảng 80% dân số (14 triệu người) là nông dân.

Tháng Tám vừa qua, chính phủ nước này đã đặt mục tiêu trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo chủ chốt trên thế giới vào năm 2015.

Theo đó, Campuchia sẽ mở rộng xuất khẩu sang thị trường châu Á, bên cạnh việc duy trì các thị trường truyền thống hiện nay là Mỹ và EU.

(Vinanet)