* Giá gạo Thái Lan tăng bởi đồng Baht tăng giá
   * Giá gạo Việt Nam tăng do nhu cầu bốc xếp cao
   * Khả năng Indonexia sẽ ký hợp đồng mua gạo

Theo nguồn tin Reuters, giá gạo Việt Nam tăng trong tuần qua do nhu cầu bốc xếp mạnh, trong khi giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tăng mặc dù thiếu đơn đặt hàng, bởi đồng Baht tăng.

Giá gạo Châu Á chắc chắn sẽ vững nhờ triển vọng nhu cầu mạnh từ Indonexia.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonexia Suswono cho biết Jakarta có thể nhập khẩu gạo trong năm nay hoặc năm tới để dự trữ do lũ lụt ảnh hưởng tới sản lượng.

Các đại diện của Bulog – cơ quan thu mua quốc gia Indonexia – đã đến Thái Lan và Việt Nam để xem xét việc mua gạo.

Các thương gia cho biết Indonexia – với tham vọng tự cung tự cấp gạo – chỉ muốn xem xét xem hai nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới có thể cung cấp cho họ khoảng 300.000 tấn gạo, nếu cần.

Bulog cần đảm bảo dự trữ gạo duy trì ở mức 1,5 triệu tấn, nhưng hiện đang chỉ có trong kho 1,3 triệu tấn.

Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Một số thành viên của Vinafood 2 đã được yêu cầu bắt đầu mua gạo 15% tấm để dự trữ”.

Vinafood 2, đơn vị xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã được chỉ định là đơn vị duy nhất bán gạo cho Indonexia.

Việc Indonexia muốn mua gạo, cộng với nhu cầu bốc xếp nhiều gạo để chở cho Cuba, đã giữ giá gạo Việt Nam vững ở mức cao.

Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết “Sau khi có tin bán gạo cho Cuba, giá bắt đầu tăng lên”.

Vinafood 1, đơn vị xuất khẩu gạo lớn thứ 2 của Việt Nam, đã đảm bảo một hợp đồng xuất khẩu 250.000 tấn gạo cho Cuba, hàng giao trước tháng 3/2011.

Gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 475 USD/tấn, FOB, so với 450 USD/tấn tuần trước, trong khi gạo 25% tấm giá tăng lên 430 USD/tấn, so với khoảng 420 – 435 USD/tấn tuần trước.

Trên thị trường Thái lan, gạo 100% B của Thái Lan giá tăng lên 495 USD/tấn, so với 490 USD/tấn tuần trước.

Một thương gia ở Băngkốc cho biết: “Nhu cầu vẫn thấp, song các nhà xuất khẩu vẫn cần chào bán với giá tăng để bù lại cho việc thiệt hại do đồng Baht tăng giá”.

Ngày 29/9, đồng Baht giao dịch ở mức cao nhất của 13 năm, khoảng 30,48/51 Baht/USD, và các nhà kinh tế dự báo giá sẽ còn tăng hơn nữa.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã bán 5,9 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái, khi họ xuất 6,3 triệu tấn.

Chính phủ Thái Lan cho biết họ có thể thương lượng với một số chính phủ các nước về việc bán gạo dự trữ.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái từ chối bình luận về các chi tiết cụ thể. Họ cũng không tiết lộ thông tin đã bán bao nhiêu gạo dự trữ, song các thương gia và các quan chức của ngành tin rằng đã bán khoảng 2 triệu tấn, và còn khoảng 3 triệu tấn.

Bộ trưởng Thương mại Porntiva Nakasai cho biết Chính phủ có thể bán thêm gạo dự trữ trong tháng 10. Song họ vẫn phải để lại khoảng 1 triệu tấn để đảm bảo an ninh.

Philippines, quốc gia nhập khẩu gạo nhiều nhất thế giới, dự tính năm 2011 sẽ giảm 50% lượng gạo nhập khẩu. Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines Proceso Alcala cho biết, lý do giảm nhập khẩu gạo là chính phủ đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nông dân tăng năng suất các vụ mùa, trong khi lượng tiêu thụ gạo của người dân Philippies đang có xu hướng giảm. Tính trung bình hiện nay mỗi người Philippines tiêu thụ 119kg gạo/năm, so với mức 128kg năm 2009.

Mục tiêu của Philippine là sẽ tự cung tự cấp gạo sau 3 năm nữa. Từ đầu những năm 1990 đến nay, Philippines thường xuyên phải nhập khẩu khoảng 1/10 lượng lương thực mà người dân nước này tiêu thụ. Năm nay, lượng gạo nhập khẩu lên mức kỷ lục, 2,45 triệu tấn, nhằm bù đắp cho lượng lương thực sụt giảm do một mùa khô hạn bất thường và bão cuối năm ngoái.

Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) có trụ sở tại Manila cho rằng, tự túc lương thực phụ thuộc vào hai yếu tố chính: gia tăng sản xuất gạo và giảm mức tiêu thụ. Theo nhà nghiên cứu cao cấp Piedad Moya của IRRI, để gia tăng sản lượng gạo, Philippines cần có hệ thống thủy lợi tốt hơn và giống lúa có năng suất cao nhưng giá rẻ hơn. Đây là hai yếu tố mà Philippines bị thiếu trầm trọng.

Theo IRRI, xây dựng và cải tạo hệ thống thủy lợi để gia tăng diện tích đất trồng lúa là yếu tố then chốt. Khoảng 1/4 diện tích trồng lúa của đảo quốc này phụ thuộc vào nước trời, mỗi năm chỉ canh tác được một vụ, thay vì hai vụ như những cánh đồng có nước thủy lợi.

Đơn vị nhập khẩu ngũ cốc quốc gia của Bănglađét sẽ tiến hành 2 cuộc đấu thầu để nhập khẩu 50.000 tấn lúa mì và 30.000 tấn gạo sấy nhằm tăng dự trữ. Do không thu mua đủ đã đẩy giá lương thực ở Bănglađét tăng mạnh, buộc Chính phủ phải tiến hành nhập khẩu đúng lúc giá gạo trên thế giới tăng cao do nhu cầu tăng.

Dự trữ gạo của Chính phủ CHDCND Triều Tiên có thể đạt tổng cộng 1,1 triệu tấn, đủ dùng trong 110 ngày.

Trong một báo cáo chung vừa công bố, Hội châu Á (AS) và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) cho rằng các nước châu Á cần nâng mức dự trữ gạo của mình nhằm giúp ổn định giá trên thị trường và cải thiện an ninh lương thực ở châu Á, khu vực chiếm 65% số người nghèo đói của thế giới.

Theo báo cáo trên, với dân số ngày càng gia tăng nhanh, châu Á cần đầu tư thêm hàng trăm triệu USD để tăng sản lượng gạo trong khu vực. Giá gạo đang có nguy cơ tăng cao, ảnh hưởng xấu đến thị trường. Báo cáo cho rằng biện pháp để giảm nguy cơ này là tăng mức dự trữ gạo, nhất là ở các nước châu Á lớn, vốn đang rất cần sự ổn định hơn của giá gạo trên thị trường.

Báo cáo của AS và IRRI lưu ý rằng việc xây dựng các kho dự trữ lớn hơn sẽ rất tốn kém nhưng sẽ giúp ngăn ngừa các cú sốc về giá. Để đạt được mục tiêu đó, các chính phủ ở châu Á có thể tạo ra một thị trường giao sau đối với mặt hàng gạo tại Xingapo, trung tâm giao dịch gạo của khu vực.

Gạo hiện vẫn là loại lương thực chủ chốt của châu Á, nơi ngũ cốc chiếm gần một nửa chi phí sinh hoạt của những người nghèo. Báo cáo nêu rõ: "Đối với những người có thu nhập dưới 1,25 USD/ngày, việc tiếp cận nguồn lương thực đầy đủ trên thị trường thường rất đắt đỏ. Những người nghèo ở châu Á, mà hầu hết trong số họ đều không có đất để sản xuất lượng gạo dôi dư, là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương".

Báo cáo của AS và IRRI được đưa ra ngay sau khi Tổ chức Nông-Lương của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo rằng việc dành ít ưu tiên cho ngành nông nghiệp trong ba thập kỷ qua đã dẫn đến tình trạng biến động về giá hàng hoá, nhất là lương thực. Theo ước tính của IRRI, khoản đầu tư hàng năm 120 triệu USD ở châu Á giai đoạn 2010-2030 có thể giúp tăng 8,5% năng suất trong 25 năm tới. Và điều này có thể giảm 15% số người nghèo ở châu Á.

(Vinanet)