• Giá gạo tăng, song có thể sẽ không kéo dài
  • Giá gạo Việt nam vững mặc dù đang mùa thu hoạch
  • Có tin Ấn Độ có thể khôi phục xuất khẩu

Giá gạo trên thị trường Châu Á tăng trong tuần qua bởi nhu cầu bốc xếp tăng nhẹ tại Thái lan và được sự hậu thuẫn từ chương trình thu mua tạm trữ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, các thương gia nghi ngờ xu hướng giá tăng sẽ kéo dài, bởi khách hàng sẽ không trả giá cao hơn nữa, nhất là khi có tin Ấn Độ có thể bắt đầu khôi phục hoạt động xuất khẩu lần đầu tiên kể từ cuối năm 2007.

Trước đây, Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới. Hiện nay vị trí này thuộc về Việt Nam.

Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Giá gạo 100% B của Thái Lan hiện ở mức 455 USD/tấn, so với 445 USD/tấn tuần trước. Tuy nhiên, so với đầu năm nay, giá đã mất khoảng ¼.

Tuần này có một số tàu bốc xếp gạo Thái lan để chở sang Châu Phi.

Tuy nhiên, hiện có khoảng 6 triệu tấn trong kho của Chính phủ, và chính khối lượng gạo này ngăn chặn giá tăng mạnh.

Một số gạo dự trữ có thể được bán trước khi bắt đầu vụ 2010/11 (tháng 11).

Gạo Việt nam giá cũng tăng trong tuần qua mặc dù đang thu hoachj vụ hè thu, bởi nhu cầu mạnh và chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ.

Tính tới 15/7/2010, nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch 724.700 tấn gạo, khoảng một nửa sản lượng dự kiến.

Giá gạo 5% tấm của Việt nam tăng lên khoảng 375 – 380 USD/tấn, so với 360 – 365 USD/tấn một tuần trước đây. Giá gạo 25% tấm vào khoảng 330 – 335 USD/tấn, tăng so với 315 – 320 USD/tấn.

Các thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết các công ty đang tăng cường mua gạo theo chương trình thu mua tạm trữ, và xuất khẩu gạo cũng đã đẩy giá tăng trong vài ngày qua.

Xuất khẩu gạo trong tháng 8 có thể đạt 600.000 tấn.

Dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,1 triệu tấn trong năm nay, không thay đổi nhiều so với khoảng 6 triệu tấn năm ngoái.

Khoảng 33% lượng gạo xuất khẩu trong năm 2010 được xuất sang Philippine, nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới và là khách hàng truyền thống của Việt Nam.

Tuy nhiên, Chính phủ mới của Philippine cho biết họ sẽ không mua gạo nữa trong năm nay, và cho rằng Chính quyền trước đã nhập khẩu quá nhiều gạo trong những năm vừa qua.

Việt Nam đã ký các hợp đồng bán 5,2 triệu tấn gạo từ đầu năm tới nay, một nửa trong số đó sang Philippine và Cuba.

Dự trữ gạo của Ấn Độ tăng mạnh và các thương gia dự kiến Chính phủ sẽ cho phép các nhà xuất khẩu tư nhân được trở lại xuất khẩu gạo phi – basmati.

Một thương gia ở Băngkốc dự báo Chính phủ Ấn Độ sẽ nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đối với gạo phi – basmati vào quý cuối năm nay. Tính tới 1/7/2010, dự trữ gạo của Ấn Độ đã tăng lên 24,3 triệu tấn, so với 9,8 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái.

Về các thông tin liên quan, Campuchia đang tìm kiếm đầu tư nước ngoài vào ngành lúa gạo để tăng năng suất và sản lượng.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Campuchia đã tăng xuất khẩu gạo gấp 23 lần so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 107.291 tấn (so với 4.369 tấn).

Bănglađét sẽ nhập khẩu 100.000 tấn gạo từ Việt nam với giá 389 USD/tấn, một quan chức nông nghiệp nước này cho biết. Bănglađét là nước sản xuất gạo lớn thứ 4 thế giới. Nước này có kế hoạch nhập khẩu 300.000 tấn gạo trong năm kết thúc vào tháng 6/2011, sau khi chương trình thu mua lúa gạo của Chính phủ thất bại, mặc dù sản lượng đạt kỷ lục cao.

Công ty Amira Food của Ấn Độ thắng thầu cung cấp 30.000 tấn gạo sấy phi – basmati cho Bănglađét với giá 464,62 USD/tấn, C&F.

Ngày 2/8, Iraqđã đấu thầu mua 30.000 tấn gạo từ tất cả các xuất xứ. Thời hạn hết hạn bỏ thầu là 15/8.

Châu Phi sẽ không nhập khẩu gạo nữa nếu giá gạo tiếp tục tăng cao. Người dân châu Phi không có nhiều tiền và họ sẽ tìm loại lương thực khác như kê hoặc sắn để thay thế nếu gạo trở nên quá đắt. Nếu họ đã chọn loại lương thực khác, rất ít khả năng họ sẽ quay trở lại dùng gạo.

Vì không thể để tái diễn tình hình giá gạo trong những năm đã qua, các nước châu Phi nhập khẩu gạo đã có các chương trình thúc đẩy sản xuất gạo, cũng như các loại cây lương thực thay thế ở trong nước để giảm phụ thuộc vào gạo nhập khẩu. Nigeria là nước tiêu thụ gạo lớn nhất châu Phi và cũng là nước trồng lúa chủ yếu của châu lục này.

Theo Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), giá gạo trung bình trên thế giới đã tăng 217% trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2008. Giá gạo năm 2008 đã đắt hơn năm 2007 tới 80%. Giá gạo tháng 5/2008 lên tới 1.038 USD/tấn, sau đó giảm song vẫn không ổn định.

(Vinanet)