* Giá gạo Thái Lan vững, gạo Việt Nam giảm 4%
   * Indonesia không cần nhập khẩu thêm gạo lúc này

Theo nguồn tin Reuters, kế hoạch can thiệp của Chính phủ Thái Lan giữ giá gạo nước này vững trong tuần qua (3 – 10/3/3011), song nhu cầu yếu kéo giá gạo Việt nam giảm xuống, bất chấp chương trình thu mua dự trữ vẫn đang được tiến hành, bởi vụ thu hoạch bước vào giai đoạn cao điểm, nguồn cung ra thị trường tăng dần.

Theo nguồn tin từ các thương gia, giá gạo Việt Nam giảm khoảng 4% bởi vụ thu hoạch lúa đông – xuân đang lúc rộ nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long. Có nhiều khả năng giá sẽ còn giảm hơn nữa.

An ninh lương thực lại trở thành nỗi lo của nhiều quốc gia Châu Á. Myanmar tuần qua đã tạm ngừng xuất khẩu gạo để ưu tiên cho thị trường nội địa. Tuy nhiên, lúa gạo dường như không tăng theo giá các hàng hoá khác bởi nguồn cung dồi dào.

Gạo trắng 100% B của Thái Lan giá vững ở mức 515 USD/tấn, FOB Bangkok, và gạo 5% tấm giá cũng không thay đổi ở mức 495 USD/tấn.

Một thương gia ở Bangkok cho hay: “thị trường vẫn rất trầm lắng và giá của chúgn tôi vẫn không thể cạnh tranh so với giá của Việt Nam”. Việc tiền đồng giảm giá trong tháng qua khiến cho lợi thế cạnh tranh của gạo Việt Nam càng tăng lên.

Gạo 5% tấm của Việt Nam giá giảm xuống 450 – 460 USD/tấn, FOB Cảng Sài gòn, giảm khoảng 4% so với 475 USD/tấn một tuần trước đây, trong khi gạo 25% tấm giá cũng giảm xuống 410 – 430 USD/tấn so với 440 USD/tấn một tuần trước đây.

Một thương gia ở TP Hồ Chí Minh cho biết: “Không thấy ai hỏi mua, vậy nên cũng không có khách hàng nào trả giá”.

Các nhà xuất khẩu đang mua lúa theo kế hoạch dự trữ của Chính phủ, với mục tiêu 2 triệu tấn. Nhưng dường như điều này ít có ảnh hưởng tới thị trường.

Lúa đông xuân hiện giá giảm xuống 5.000 – 6.200 đồng (24 – 30 US cent)/kg tại đồng bằng sông Cửu Long, so với mức 5.400 – 6.400 đồng một tuần trước đây.

Đồng bằng sông Cửu long sẽ thu hoạch xong khoảng 90% diện tích lúa vụ này (hay khoảng 1,35 triệu hécta) trước khi kết thúc tháng 3, phần còn lại sẽ hoàn tất vào đầu tháng 4, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam.

Nhu cầu trì trệ

Ngày 9/3/2011, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippine, Proceso Alcala, cho biết Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) sẽ mua 200.000 tấn gạo từ Việt Nam theo một hợp đồng liên Chính phủ. Song điều đó cũng không đủ để đẩy giá gạo tăng lên, bởi vụ thu hoạch này sẽ cho khoảng 3 triệu tấn gạo xuất khẩu.

Trước đó, Chính phủ Bănglađét cũng hỏi mua 200.000 tấn gạo Việt Nam, nhưng tin ấy cũng không tác động nhiều tới thị trường.

Indonesia, một khách hàng lớn khác của Việt nam, sẽ không nhập khẩu thêm gạo trong những tháng tới, bởi lượng dự trữ hiện đủ dùng và dự kiến sản lượng nội địa sẽ tăng lên, Bộ trưởng Thương mại nước này cho biết.

Trái lại, tại Thái Lan, mặc dù nhu cầu cũng thấp, giá vẫn được hỗ trợ vững nhờ chương trình can thiệp của Chính phủ.

Chính phủ Thái Lan đang tăng giá đảm bảo tối thiểu khi các doanh nghiệp mua thóc từ nông dân thêm 10% lên 11.000 Baht (363 USD)/tấn.

Song người trồng lúa Thái Lan còn muốn được Chính phủ hỗ trợ hơn nữa. Họ muốn Chính phủ mua trực tiếp của nông dân với giá cao hơn giá thị trường và dự trữ ngũ cốc đó lại, như đã làm trước kia.

Dự trữ gạo của Chính phủ Thái Lan đạt 1 triệu tấn, theo Bộ Thương mại, thấp hơn mức kỷ lục 7 triệu tấn của năm 2010. Chi phí lưu kho dự trữ là một trong những lý do khiến Chính phủ thay đổi kế hoạch hỗ trợ giá.

Các thương gia cho biết việc tăng giá can thiệp nhằm mục đích đẩy tăng giá xuất khẩu, buộc các nhà xuất khẩu phải tăng giá bán. Song các nhà xuất khẩu cho biết việc giá cao khiến gạo của họ không thể cạnh tranh được với gạo Việt Nam, và xuất khẩu sẽ giảm xuống.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 9 triệu tấn gạo trong năm 2011, tương tự như năm ngoái, trong khi Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 6 đến 6,5 triệu tấn, sau khi xuất kỷ lục 6,83 triệu tấn năm ngoái.

(1 USD=20.860 đồng) (1 USD=30,3 baht) 

(Thu Hải –Theo Reuters)