* Giá lúa mì tăng đẩy giá gạo tăng theo
    * Trung Quốc, Bănglađét tìm mua gạo Việt Nam
    * Ấn Độ chắc chắn sẽ tiếp tục cấm xuất khẩu gạo

Theo nguồn tin Reuters, nhu cầu mạnh từ Trung Quốc sau trận lũ lụt khủng khiếp, và từ những khách hàng truyền thống khác ở Châu Phi đã đẩy giá gạo tăng mạnh trong tuần qua.

Giá lúa mì tăng và việc Ấn Độ gần như chắc chắn sẽ duy trì lệnh cấm xuất khẩu đã đẩy giá tăng lên, và có thể mức giá hiện nay sẽ duy trì trong một vài tuần tới.

Gạo trắng 100% B của Thái Lan giá tăng 4% đạt 475 USD/tấn vào ngày 12/8/2010, tăng so với 455 USD/tấn một tuần trước đó.

Một thương gia ở Bangkok nhận định: “Giá lúa mì tăng đã làm tăng nỗi lo về giá lương thực tăng, khích lệ khách hàng khôi phục hoạt động mua bán gạo”.

Bị ảnh hưởng bởi hạn hán, Nga, nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, đã cấm xuất khẩu ngũ cốc, buộc khách hàng phải quay sang tìm mua của những nước khác, và đẩy giá lúa mì kỳ hạn tại Mỹ tăng lên mức kỷ lục cao của 23 tháng.

Các nhà xuất khẩu cho biết một số tàu hiện đang bốc xếp gạo tại cảng Bangkok để chuyển giao cho khách hàng Châu Phi.

Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, nhằm mục tiêu xuất khẩu 8,5 – 9,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Họ đã bán 4,5 triệu tấn từ đầu năm tới nay, theo thống kê của Bộ Thương mại.

Trung Quốc quay sang mua gạo Việt Nam    

Tại Việt Nam, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới, giá đã tăng lên không chỉ bởi chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ mà còn bởi nhu cầu từ Trung Quốc, Bănglađét và nhiều nước khác.

Gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt nam giá tăng lên 400 USD/tấn, so với 375 – 380 USD/tấn tuần trước, trong khi gạo 25% tấm giá tăng lên 360 USD/tấn, so với 330 – 335 USD/tấn tuần trước.

Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh cho hay khách hàng nước ngoài đã đưa tàu đến để bốc xếp hàng theo những hợp đồng đã ký từ tháng 6, khi giá gạo vẫn thấp. Ông cho biết thêm rằng hiện không có đủ chỗ cho tàu neo đậu.

Theo nguồn tin trong ngành, Tung Quốc đang mua 600.000 tấn gạo Việt Nam để bù vào chỗ thiếu cung trên thị trường nội địa do lũ lụt, và họ có thể sẽ mua tới 1 triệu tấn.

Các nước khác trong đó có một số nước Châu Phi, Iraq, Cuba, Philippines và Bangladesh, đã mua khoảng 300.000 tấn gạo 25% tấm theo các hợp đồng liên công ty.

Bangladesh dự kiến sẽ mua 200.000 tấn gạo theo hợp đồng liên Chính phủ. Ngày hôm nay, 13/8, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất Việt Nam Vinafood 2 tiến hành thương lượng về việc bán 220.000 tấn gạo cho Bangladesh.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Trương Thanh Phong khẳng định Việt Nam có đủ gạo dự trữ để đáp ứng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, kể cả trong trường hợp Trung Quốc tăng cường mua vào.

Nhu cầu tăng và chương trình thu mua tạm trữ đã khiến một số nông dân có xu hướng găm hàng lại với hy vọng giá sẽ tăng hơn nữa.

Một thương gia ở Thành phố Hồ Chí Minh nói: “Giá gạo đã tăng 5% - 10% trong mấy ngày gần đây”.

ASEAN hiện là nhà xuất khẩu lúa gạo nhiều nhất thế giới, với Việt Nam và Thái Lan cung cấp tới 50% tổng lượng gạo buôn bán ước vào khoảng 30 triệu tấn trên toàn cầu hàng năm.

Theo một vài nguồn tin tại Bangkok, lượng gạo dự trữ của các nước khu vực hiện vượt 9 triệu tấn.

Tại cuộc họp của Hiệp hội các nhà xay xát ASEAN vừa diễn ra ở Bangkok, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Porntiva Nakasai và một số quan chức ASEAN nói rằng Hiệp hội ASEAN cần tập trung vào ba lĩnh vực hợp tác nhằm củng cố vị thế mặc cả trên thị trường. Đó là hợp tác giữa mạng lưới càc nhà xay xát, hệ thống thương mại khu vực và việc dỡ bỏ những hàng rào buôn bán, qua đó giúp ASEAN sẽ có quy chuẩn thương mại tốt hơn và có được một hệ thống sẽ loại trừ được vấn đề bán tháo thóc gạo.

Điều này, nếu thực hiện thành công, sẽ làm dịu bớt vấn đề giá cả dao động và đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xay xát Thái Lan Charnchai Rakthananon cho rằng ASEAN cần hợp tác trong việc định ra giá bán công bằng dựa vào chi phí sản xuất. Theo ông Charnchai, trong tương lai “Thái Lan có thể chú trọng xuất khẩu nhiều sản phẩm (lương thực) chất lượng cao," còn các nước khác bán những loại thóc gạo có chất lượng thấp hơn.

Dù mức thuế đối với 23 nông sản - trong đó có thóc gạo, ngô, đậu tương, đường, tỏi, đã được hạ xuống 0% theo Hiệp định thương mại tự do ASEAN (AFTA) bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm nay, nhưng thóc gạo vẫn đang là mặt hàng được buôn lậu khá nhiều qua biên giới, nhất là từ Myanmar và Campuchia sang Thái Lan.

Trong cuộc họp, các nước thành viên ASEAN nhất trí thành lập Liên hiệp các nhà xay xát thóc gạo ASEAN, nhằm tăng cường hợp tác để hưởng lợi từ Hiệp định thương mại tự do và kiềm chế sự cạnh tranh về giá cả trên thị trường.

Các nước thành viên - trừ Singapore và Brunei là hai nước không tự sản xuất thóc gạo, đều mong muốn nâng cấp chất luợng của quy trình xay xát thóc gạo, thúc đẩy công tác quản lý và kiến lập một mạng lưới sản xuất theo hướng hội nhập trong khu vực Đông Nam Á.

(Vinanet)