● Trong tháng qua, mặc dù giá nguyên liệu thép trên thị trường Đông Nam Á tăng khoảng 10 USD/tấn, nhưng sản phẩm thép trong nước không những không tăng giá theo mà còn giảm từ 300.000 đến 900.000 đồng/tấn để kích cầu thị trường, giảm hàng tồn kho. Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho còn khoảng 320.000 tấn.

● Theo Công ty phân tích, dự báo thị trường nông sản Agromonitor, giá đường tinh luyện (RE) trong tuần qua giảm ở hầu hết các thị trường với mức giảm trung bình khoảng 5.000 đ/kg. Tại Hà Nội giá đường RE hiện đang ở mức 23.500 đ/kg, tương đương với thị trường Tp.HCM. Tại Cần Thơ là 22.500 đ/kg trong khi tại Đà Nẵng mức giá khá cao 24.500 đ/kg. Giá đường bán buôn tại các nhà máy mới đi vào sản xuất lẫn đường tồn kho của niên vụ cũ giảm từ 16.000 đồng xuống 15.000 đ/kg.

● Giá hạt điều thô trong nước tuần đầu tháng 9 đột ngột giảm mạnh 5.000 đồng/kg so với cuối tháng 8, do giá điều thế giới liên tục giảm. Giá điều thô tại các tỉnh Tây Nguyên hiện có giá 21.000-21.500 đồng/kg. Giá điều thô tại khu vực Đông Nam bộ cao hơn, ở mức 23.000-23.500 đồng/kg.

● Sau kỳ nghỉ lễ 2/9, giá cà phê có 3 phiên giảm liên tiếp tới 1,1 triệu đồng/tấn. Đến 7/9, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giao dịch tại mức 41,4-41,5 triệu đồng/tấn. Giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (HCM) cũng giảm mạnh xuống còn 1.990 USD/tấn.

● Đầu tháng 9, giá hạt tiêu trong nước có dấu hiệu phục hồi, giá tiêu đen xô trong nước tăng nhẹ. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu có giá 126-127 ngàn đồng/kg, Bình Phước 124-125 ngàn đồng/kg và các tỉnh Tây nguyên 122-123 ngàn đồng/kg. Giá hạt tiêu đen Việt Nam xuất khẩu loại 500g Gr/l-FAQ được chào giá 6.300-6.350 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ chào giá 6.600-6.550 USD/tấn, (FOB).

● Cuối tháng 8 đầu tháng 9, giá cao su sau nhiều ngày sụt giảm đã tăng trở lại. Giá cao su SRV3L giao dịch quanh 15.600 NDT/tấn. Dự báo trong tháng 9, tình hình tiêu thụ cao su sẽ trở nên sáng sủa hơn bởi nhu cầu của phía đối tác sẽ cải thiện. Như thường lệ, đây là thời điểm Trung Quốc tăng cường mua hàng tích trữ để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài ngày.

● Tính từ đầu năm đến 31/8, xuất khẩu gạo đã đạt 5,101 triệu tấn, trị giá FOB 2,264 tỷ USD, trị giá CIF 2,320 tỷ USD. Giá lúa gạo nội địa ở các tỉnh ĐBSCL cũng tăng đáng kể. Tuy nhiên Ngân hàng ADB đưa ra dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam có thể tụt xuống vị trí thứ ba thế giới do phải cạnh tranh vị trí thứ 2 với Ấn Độ.

● Tuần qua, giá tôm nguyên liệu tại Bạc Liêu, tăng trở lại, trung bình tăng 5.000 – 10.000 đ/kg tùy loại. Cụ thể, tôm sú loại 20 con có igas từ 195.000 – 200.000 đ/kg, loại 25 con giá từ 175.000 – 180.000 đ/kg, loại 30 con giá từ 120.000 – 125.000 đ/kg, tôm thẻ giá 105.000 – 110.000 đkg, tôm đất 70.000 đ/kg. Giải thích về việc giá tôm tăng trở lại, theo các đại lý kinh doanh thu mua tôm ở Bạc Liêu, nguồn tôm nguyên liệu đang hút hàng, nguồn cung thiếu trong khi cầu tăng, dẫn đến tăng giá. Hơn nữa, gần đây, các nhà máy xí nghiệp chế biến tôm ký kết được hợp đồng mua bán mới, lượng hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài tăng, trong khi đó Bạc Liêu đang vào cuối vụ nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp, diện tích nuôi tôm quảng canh thi đang vào mùa cải tạo ao đầm, nên nguồn tôm nguyên liệu giảm mạnh.

 

Nguồn: Vinanet