Hà tĩnh: Lạc được mùa nhưng không có thị trường tiêu thụ

Với lợi thế là vùng đất cát pha trải dài qua nhiều xã của huyện Lộc Hà nên rất thuận lợi cho việc sản xuất tập trung chuyên canh cây lạc như Thạch Châu, Thạch Bằng, Mai Phụ, Thạch Mỹ, Thạch Bắc. Mỗi năm, huyện Lộc Hà cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng ngàn tấn lạc phục vụ cho việc chế biến và xuất khẩu.

Vụ thu hoạch lạc năm nay ở huyện Lộc Hà đạt năng suất cao, thế nhưng lạc mất giá phải xếp kho vì không có thị trường tiêu thụ. Giá giảm mạnh từ 27.000 đồng xuống còn 15.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá giảm các đại lý cho biết, không dám thu mua vì lạc chủ yếu dựa vào thị trường xuất khẩu Trung Quốc, nhưng hiện nay đầu mối bên kia chỉ mua “nhỏ giọt”.

Giá cam sành Sài Gòn cuối vụ tăng mạnh tới 30%

Giá cam sành Sài Gòn tăng mạnh do đã vào thời điểm cuối vụ cộng với giá cước vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc tăng khiến các chủ hàng tự động cộng thêm vào giá thành.

Giá cam sành Sài Gòn loại 1 tăng giá từ 20-30% tùy theo kích cỡ quả. Giá cam loại 1 kích cỡ 3 quả/kg, mọng nước, vỏ rám có giá bán lên tới 65.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với tuần đầu tháng Bảy. Giá cam nhỏ hơn kích cỡ 5 quả/kg có giá 50.000/kg, tăng 10.000/kg

Giá cam sành đắt lên là do nhu cầu tiêu dùng loại quả mát bổ bậc nhất này tăng mạnh trong cao điểm nắng nóng mùa Hè trong khi đây lại là thời điểm cuối vụ, các vườn cam đã vãn quả.

Bên cạnh đó, giá cước vận chuyển hàng hóa từ Nam ra Bắc cũng tăng từ tháng Sáu đến nay nên các chủ hàng cứ tự động cộng vào giá thành hoa quả.

Giá than Việt Nam cao hơn nhiều so với quốc tế

Theo nguồn Baocongthuong, giá than Việt Nam hiện cao hơn nhiều so với quốc tế.

Xu thế giá than thế giới tiếp tục giảm trong khi giá than trong nước tăng khiến xuất khẩu gặp khó khăn, dự báo tồn kho 15 triệu tấn than năm sau.

Cập nhật thị trường than quốc tế đến ngày 8/7, than nhiệt năng của Australia loại 9a có giá 76,6 - 79 USD/tấn, loại than này Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đang chào giá 105 - 115 USD/tấn. Than Quảng Châu (Trung Quốc) loại 11a giá bán khoảng 55 - 56 USD/tấn, trong khi Việt Nam là 69 USD/tấn.

Tổng giám đốc Vinacomin, cho biết từ ngày 20/6 đến nay, tập đoàn vẫn chưa ký thêm được hợp đồng xuất khẩu nào. Bởi vì, nếu bán theo giá thị trường thế giới thì Vinacomin sẽ bị lỗ nặng. Nếu không áp dụng mức thuế xuất khẩu thêm 3% và giá than giữ như mức trung bình của quý II, triển vọng mỗi quý Vinacomin sẽ xuất khẩu 3,5 - 4 triệu tấn than từ nay đến cuối năm. Điều này giúp tập đoàn duy trì được sản lượng tiêu thụ gần 43 triệu tấn than (xuất khẩu và tiêu thụ nội địa). Nhưng với việc thuế xuất khẩu tăng từ ngày 7/7, khả năng tiêu thụ cả năm của tập đoàn chỉ dừng ở mức 38 -39 triệu tấn.

Thị trường thép tiếp tục ế ẩm

Theo Bộ Công thương, thị trường thép tiếp tục ế ẩm trong mùa tiêu thụ thấp điểm của tháng 6. Nguyên nhân do thị trường bất động sản ảm đạm, sức mua giảm sút, cung ngày càng vượt xa cầu sau khi 2 doanh nghiệp mới là Công ty cổ phần Thép Thái Trung (Thái Nguyên) với công suất lắp đặt 500.000 tấn/năm và Công ty cổ phần Thép Miền Trung (Đà Nẵng), công suất lắp đặt 250.000 tấn/năm, bắt đầu tung hàng ra thị trường.

Trên thế giới, thị trường thép quý 3-2013 được dự báo tiếp tục trầm lắng do nguồn cung dư thừa, nên giá giảm trên khắp các thị trường châu Âu, châu Á, châu Mỹ

Dự báo, thị trường thép trong nước quý 3-2013 dự báo sẽ tiếp tục suy yếu do nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng giảm trong mùa mưa bão.

Giá lúa tăng nhờ xuất khẩu gạo phẩm cấp cao

Theo SGTT, tuần thứ hai trong tháng 7, giá lúa hè thu tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại khi xuất hiện nhu cầu mua vào ngày càng tăng từ phía các doanh nghiệp xuất khẩu.

Lúa hè thu loại tốt trong ngày nghỉ cuối tuần (14.7) được thương lái mua tại ruộng ở mức 4.500 – 4.800 đồng/kg, lúa khô từ 5.400 – 5.600 đồng, tăng khoảng 300 – 400 đồng so với những ngày đầu tháng 7.

Thị trường lúa gạo, theo xác nhận của các doanh nghiệp, bắt đầu có dấu hiệu ấm lên do có nhu cầu mua gạo từ các nhà nhập khẩu. Chủ tịch hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết các khách hàng Trung Quốc và châu Phi đã quay trở lại nhập khẩu gạo phẩm cấp cao của Việt Nam, vì không thể tìm được nguồn cung cấp tốt hơn từ Thái Lan – nơi đang có giá khá cao. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu gạo thơm đi các nước châu Á, đặc biệt là Hong Kong cũng đang tăng trưởng tốt. Sáu tháng đầu năm nay, lượng gạo thơm xuất vào Hong Kong chiếm 13% trong tổng số hơn 3,48 triệu tấn gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Đến ngày 14.7, doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu trên 5,5 triệu tấn gạo, tăng hơn 7%, trong đó đã xuất 4,2 triệu tấn, trị giá 1,9 tỉ USD. Theo kế hoạch, sáu tháng cuối năm, lượng gạo hàng hoá cần tiêu thụ khoảng 5,3 triệu tấn, trong đó có 1,6 triệu tấn từ vụ đông xuân chuyển qua, theo kế hoạch sẽ xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn, còn 1,3 triệu tấn tồn kho sang năm 2014.

 
 

Nguồn: Vinanet