Giá tiêu giống tăng bảy lần

Do giá tiêu tăng cao, nên từ đầu tháng 4.2012 trở lại đây, rất nhiều hộ gia đình ở tỉnh Đắk Nông đã đổ xô đi trồng tiêu, dẫn đến tình trạng “cháy tiêu giống”, dù giá cả đã tăng lên gấp 7 lần so với năm 2011.

Không mua được giống tiêu, nhiều đối tượng đã tổ chức đi cắt trộm dây tiêu của các hộ gia đình, gây thiệt hại rất lớn. Nhiều trụ tiêu đã bị cắt chỉ còn trơ lại gốc. Chỉ tính riêng tại huyện Chư Jút trong một thời gian ngắn trở lại đây, địa phương này đã xảy ra hơn 20 vụ cắt trộm dây tiêu giống, gây thiệt hại cho người dân trên 1 tỷ đồng.

Trước tình trạng này, lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông cũng đang tích cực vào cuộc điều tra để truy bắt các đối tượng trộm cắp dây tiêu giống.

Gạo thơm Việt Nam sẽ thay thế gạo Thái Lan ở Hongkong

Năm 2012, gạo thơm và gạo cao cấp Việt Nam có thể chiếm 50%, thậm chí 60% thị phần Hongkong (Trung Quốc), qua đó, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường này, thay thế Thái Lan.

Do chất lượng gạo thơm và gạo cao cấp của Việt Nam ngày càng được cải thiện dần so với gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan trong khi giá gạo của Việt Nam lại cạnh tranh hơn gạo Thái Lan (gạo thơm Thái Lan từ 1.020-1.030 USD/tấn, gạo thơm Việt Nam từ 615-625 USD/tấn; gạo chất lượng cao 100% B của Thái Lan từ 595-605 USD/tấn, gạo chất lượng cao 5% tấm của Việt Nam 400-410 USD/tấn). 5 tháng đầu năm 2012, thị phần gạo thơm và cấp cao Việt Nam chiếm 35%, đạt 40,4 triệu USD.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các doanh nghiệp cần phải kiên quyết từ chối việc trộn gạo 5% vào gạo thơm nếu có nhà nhập khẩu yêu cầu. Nếu không, gạo thơm Việt Nam sẽ bị mất uy tín với người tiêu dùng tại đây.

Giá heo, gà lao dốc

6 tháng đầu năm ngành chăn nuôi đối mặt nhiều khó khăn, nhưng gay gắt nhất là từ cuối tháng 3 đến nay khi giá giảm thấp nhất từ 2 năm gần đây. Giá heo hơi xuất chuồng tại miền Nam từ 50.000 đồng/kg chỉ còn 38.000 đồng/kg, giảm 24% trong khi giá thành khoảng 40.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp từ 35.000 đồng/kg (tháng 1 và 2) hiện chỉ còn khoảng 19.000 đồng/kg (giảm hơn 30%). Có thể nói, đây là mức lỗ quá lớn của ngành chăn nuôi gà công nghiệp. Trong tình cảnh đó, nạn nhập lậu động vật và thịt động vật qua biên giới phía Bắc, nhất là gà đẻ bị loại thải có phần gia tăng mạnh, không được kiểm soát càng khiến giá lao dốc nhanh hơn.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) cho biết, lượng heo xuất chuồng hàng tuần trước đây của SAGRI từ 12.000 đến 15.000 con, nay chỉ còn 7.000 - 8.000 con. Theo TS Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, đó là tín hiệu của việc suy giảm chăn nuôi.

Giá gà công nghiệp xuất bán tại chuồng chỉ còn 19.000 đồng/kg, sau khi giết mổ và sơ chế giá bán khoảng 38.000 - 40.000 đồng/kg, nhưng giá bán tại các siêu thị hiện nay 50.000 - 54.000 đồng/kg, ở chợ bán lẻ 45.000 đồng/kg. Đây là điều bất hợp lý khi người chăn nuôi khốn khổ với nguy cơ phá sản hàng loạt do phải bán thấp hơn giá thành gần 10.000 đồng/kg và người tiêu dùng phải mua với giá cao hơn rất nhiều. Khoảng lời cao hơn bình thường này vào tay khâu trung gian, trong đó, nhiều nhất thuộc về thương lái.

5 sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu độc quyền

Sở NNPTNT tỉnh Lào Cai cho biết, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 5 sản phẩm có thương hiệu độc quyền gồm: Tương ớt, gạo Séng Cù (Mường Khương), rượu San Lùng (Bát Xát), su su Sa Pa và thảo quả.

Qua khảo sát thực tế, hầu hết các cơ sở nuôi trồng, sản xuất và chế biến có uy tín mang thương hiệu đều bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. HTX Kinh doanh tổng hợp Mường Khương, hàng năm đưa ra thị trường hàng chục nghìn lít tương ớt, hiện đã có mặt tại các siêu thị lớn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Gạo Séng Cù hiện cung không đủ cầu do chất lượng cao, an toàn, được nhiều siêu thị và các cơ sở bán lẻ trong và ngoài tỉnh đặt hàng, tiêu thụ với số lượng lớn. HTX Hoa Đào (Sa Pa) sản xuất và tiêu thụ rau su su cho nông dân, doanh thu hàng năm trên 5 tỷ đồng, thu nhập bình quân của xã viên đạt trên 100 triệu đồng/năm. Sản phẩm "Rau su su Ô Quý Hồ" đã có mặt tại nhiều siêu thị lớn.

Giá điều tại Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 3.000 - 5.000 đồng/kg

Giá điều giảm là do lượng tồn kho còn nhiều, nên các doanh nghiệp không dám mạnh tay thu mua.

Vụ điều năm 2012 giá điều giảm mạnh, hiện nay giá điều chỉ ở mức 15.000 - 17.000 đồng/kg, giảm từ 3.000 - 5.000đồng/kg so với đầu năm 2012.

Vụ điều năm nay, toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hoạch khoảng 14 ngàn tấn hạt điều, đạt 95% so với kế hoạch đề ra, năng suất đạt khoảng 1-1,2 tấn/ha, giảm hơn 40% so với năm 2011.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, thời tiết không thuận lợi, mưa trái mùa và sâu bệnh nhiều là nguyên nhân làm cho năng suất điều năm 2012 giảm so mạnh so với những năm trước. Cũng theo phân tích, giá điều giảm là do lượng tồn kho còn nhiều, nên các doanh nghiệp không dám mạnh tay thu mua. Do năng suất và giá cả giảm nên bà con nông dân trồng điều hầu như không có lãi.

Cao su

Giá cao su SVR3L tại cửa khẩu Móng Cái-Đông Hưng ngày 16/7/2012 được chào quanh mức 18.500 – 18.600 NDT/tấn. Thị trường biên giới vẫn tiếp tục bị đóng cửa.

Các doanh nghiệp do Nhà nước quản lý trong khi đó chiếm 70% tổng lượng xuất khẩu ở cửa khẩu Móng Cái.

Lực lượng tham gia xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc đã có sự đảo ngược về vị thế giữa tư thương và công ty quốc doanh. Trong tháng 6/2012, sản lượng cao su do lực lượng tư thương xuất khẩu luôn chiếm khoảng 60%, nay giảm xuống còn 30%. Từ đầu tháng 7 đến nay, lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu của các công ty, đơn vị do Nhà nước quản lý đã chiếm khoảng 70% tổng lượng xuất khẩu tại cửa khẩu Móng Cái.

Nguyên nhân chính của hiện tượng trên là vấn đề chất lượng. Hiện nay, hàng xuất của tư thương là từ nguồn mủ cao su “tiểu điền” chế biến chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực, nên khách hàng Trung Quốc giảm nhập.

Nguồn: Vinanet