Giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu

Liên Bộ Tài chính –Công thương vừa có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán: thuế suất thuế nhập khẩu, mức trích Quỹ bình ổn giá đối với các mặt hàng xăng, dầu như hiện hành. Thời điểm áp dụng 14 giờ ngày 5/12.

Bên cạnh đó, Liên Bộ cũng cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng, dầu điêzen để giữ ổn định, không tăng giá bán xăng, dầu điêzen trong nước.

Cụ thể: Mặt hàng xăng tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá thêm 200 đ/lít (từ 300 đ/lít lên 500 đ/lít); mặt hàng dầu điêzen: tăng mức sử dụng Quỹ Bình ổn giá thêm 200 đ/lít (từ 300 đ/lít lên 500 đ/lít). Đồng thời, Liên Bộ cũng đề nghị tiếp tục chưa tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở đối với mặt hàng dầu điezen, dầu hỏa (tạm tính 100 đ/lít).

Mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện Việt Nam có đàn bò sữa 166.000 con, sản lượng sữa khoảng 381.000 lít sữa tươi, chỉ đáp ứng được khoảng 25-35% nhu cầu tiêu dùng trong nước. Vì vậy, trung bình mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 1,2 triệu tấn sữa các loại.

Trong những năm tới, dự báo nhu cầu sữa của người dân Việt Nam tiếp tục tăng, do đó để chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, giảm nhập khẩu sữa từ nước ngoài, Nhà nước cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa, mở rộng quy mô chăn nuôi nhỏ, lẻ hiện nay sang chăn nuôi nông hộ với quy mô vừa (từ 40-60 con bò) và trang trại chăn nuôi; đồng thời, cần tăng năng suất, chất lượng sữa, chủ động nguồn giống và thức ăn cho bò sữa.

Giá thịt lợn tăng mạnh

Dẫn nguồn tin từ Người lao động, hiện nay giá lợn hơi tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ tăng thêm 2.000 đồng, lên 49.000 đ/kg so với cách đây khoảng một tuần. Trong khi gà tam hoàng cũng vọt lên 50.000 đ/kg và đang có hiện tượng khan hiếm.

Một số hộ chăn nuôi cho biết trong vòng khoảng 10 ngày trở lại đây, giá heo hơi tăng khoảng 8%, còn so với đầu năm tăng 25%.

Theo Giám đốc kinh doanh Công ty C.P, việc Trung Quốc đang thu gom heo mỡ để giết mổ, cấp đông dự trữ Tết cũng khiến nguồn heo các tỉnh miền Đông bị ảnh hưởng. Cách đây 3 tháng cũng có một đợt gom hàng ở cả phía Bắc và phía Nam nên hiện giá heo hai đầu vọt lên 49.000-50.000 đồng/kg.

Trên thị trường, hiện giá bán lẻ thịt heo tại các chợ đã tăng 2.000-5.000 đồng/kg, tùy loại và tùy chất lượng thịt.

Giám đốc Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết, nếu phía Trung Quốc tiếp tục mua heo, thương lái trong nước sẽ tăng thu gom chở qua biên giới bán, đẩy giá heo hơi trong nước tăng thêm.

Thái Bình: Ngao mất mùa, rớt giá

Theo Báo Thanh niên, mặc dù sản lượng ước tính đã giảm 2/3 so với năm trước, nhưng người nuôi ngao ở Thái Bình đang phải đối mặt với một mùa thất bát. Từ 17.000 - 18.000 đồng/kg, đến nay giá ngao thương phẩm bán tại bãi dao động từ 11.000 - 13.000 đồng/kg. Giá ngao giống cũng tụt từ 48 xu/con (tương đương 4,8 triệu đồng/kg) đầu vụ xuống còn 15 xu/con.

Một đầu mối tiêu thụ ngao lớn tại huyện Thái Thụy (Thái Bình) cho biết, mùa thu hoạch ngao mọi năm, xe tải chạy chật đường, suốt ngày đêm. Sản lượng bán mỗi ngày cho Trung Quốc lên tới hàng nghìn tấn. Thương lái Trung Quốc còn về tận nơi để đặt cọc trước. Bây giờ thì mỗi ngày cao nhất cũng chỉ xuất sang Trung Quốc được vài chục tấn.

Một thị trường khác được trông đợi là xuất sang châu Âu năm nay cũng hầu như đóng cửa.

Bế tắc, các chủ đầm ngao chỉ còn cách cố vớt vát “được đồng nào hay đồng ấy” bằng cách bán ngao ra thị trường nội địa. Nhưng tính tổng mỗi ngày cũng chỉ bán được vài tạ ngao thương phẩm, không thấm vào đâu so với số lượng vài chục nghìn tấn ngao thu hoạch thời điểm này.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của mưa bão, nên sản lượng ngao năm nay chỉ còn bằng 2/3 các năm trước, hiện còn khoảng 70.000 tấn, nhưng không thể bán được.

Phân bón: giá ổn định

Tại thị trường An Giang và Lâm Đồng giá phân bón ổn định. Giá phân Ure Phú Mỹ đạt ở mức 10.000 đ/kg và DAP TQ là 15.300 đ/kg.

Thống kê thị trường phân bón cả nước cho thấy, tính chung 11 tháng, phân NPK sản xuất trong nước ước đạt trên 2,2 triệu tấn, giảm 3%; phân DAP ước đạt 210 nghìn tấn, giảm 19,2%; riêng sản lượng phân urê ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 19,8%.

Theo nguồn tin CAND online, nhập khẩu phân bón tiểu ngạch giảm do không cạnh tranh được với hàng trong nước. Thống kê thị trường phân bón cả nước cho thấy, tính chung 11 tháng, phân NPK sản xuất trong nước ước đạt trên 2,2 triệu tấn, giảm 3%; phân DAP ước đạt 210 nghìn tấn, giảm 19,2%; riêng sản lượng phân urê ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 19,8%.

Tại thời điểm này, nguồn cung thế giới giảm do Trung Quốc và Ai cập đang khó khăn về cung khí đốt tự nhiên cho sản xuất phân bón, nhưng nguồn cung trong nước lại lớn hơn cầu. Tồn kho trong sản xuất mỗi lúc một cao: phân urê ước khoảng 245,3 nghìn tấn; phân DAP khoảng 53,5 nghìn tấn... Lượng phân urê nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu qua đường tiểu ngạch Trung Quốc cũng giảm đáng kể do các đầu nậu lo ngại không cạnh tranh được với hàng trong nước, ngay cả khi giá hạ.

Hiện giá phân urê Phú Mỹ từ đại lý cấp 1 phân phối đến đại lý cấp 2 hoặc bán cho nông dân có giá 8.400 - 8.600 đồng/kg, nhà máy bán cho đại lý 7.400 - 7.600 đồng/kg, tăng bình quân 200 đồng/kg so với cách đây 1 tháng.

Nguồn: Vinanet