Giá xăng tăng 330 đồng/lít

Từ 23/6, giá xăng tăng 330 đồng/lít; với xăng Ron92 lên 25.230 đồng/lít; Giá dầu hỏa tăng 170 đồng lên 22.540 đồng/lít; Giá dầu mazut tăng 270 đồng/kg lên 18.860 đồng/kg. Giá dầu diesel giữ nguyên tại 22.530 đồng/lít.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp giảm mức trích quỹ bình ổn giá xăng từ 440 đồng/lít xuống 300 đồng/lít; giảm mức trích quỹ bình ổn giá dầu mazut từ 410 đồng/kg xuống 300 đồng/kg. Dầu diesel và dầu hỏa không sử dụng quỹ bình ổn.

Theo Dự thảo mới nhất thay thế Nghị định 84 về cơ chế kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công Thương trình Thủ tướng, nguyên tắc điều chỉnh giá xăng dầu lại thêm một lần nữa được thay đổi so với dự thảo vừa trình trong quý I vừa qua. Thay vì ở mốc phạm vi 2%, các doanh nghiệp xăng dầu sẽ được "nới" thêm quyền tăng giá trong phạm vi 3%, khi các yếu tố đầu vào cấu thành giá cơ sở biến đổi tăng 3% so với giá bán lẻ hiện hành. Đồng thời, cơ sở tính giá xăng dầu sẽ dựa trên dữ liệu 15 ngày cuối của chu kỳ 30 ngày dự trữ xăng dầu.

Giá cả một số ngành hàng bị tác động bởi việc kiểm soát tải trọng xe

Mặc dù việc kiểm soát tải trọng xe đã thực hiện cách đây hơn hai tháng nhưng đến nay một số ngành hàng (như nước giải khát, thực phẩm…) mới thực sự bị tác động.

Một số siêu thị cho biết đã nhận được thông báo tăng giá (mức tăng cao nhất là 10%) của một số nhà cung cấp.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, nếu cước vận tải đường bộ tăng thì sớm muộn sẽ phản ánh vào cơ cấu giá thành.

Hiện nay các nhà sản xuất, nhà cung cấp chưa tăng dồn dập mà cắt giảm chi phí, giảm lợi nhuận vì sức mua thấp. Họ không thể tăng giá đột ngột được. Sắp tới, giá cước vận tải sẽ tác động mạnh đến giá cả.

Thị trường sữa sau 1 tuần áp trần giá sữa bán lẻ

Qua gần một tuần triển khai đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ phía thị trường khi nhiều mặt hàng đã giảm giá bán đúng theo quy định của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, vẫn còn một số lo ngại trong quá trình thực hiện chủ trương đầy tính nhân văn này.

Theo Quyết định 1079 của Bộ Tài chính ngày 20/5, việc áp giá trần sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi sẽ chỉ thực hiện trong 1 năm. Để duy trì thị trường đã được lập lại trật tự trước hết các cơ quan chức năng phải tiếp tục thực hiện tốt các yêu cầu quản lý theo quy định pháp luật, doanh nghiệp phải tự giác tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, còn phải có sự phối hợp, tăng cường hoạt động giám sát của các tổ chức đoàn thể, của các cơ quan thông tin, báo chí và của cả người tiêu dùng.

Trên cơ sở kết quả kiểm tra, nắm tình hình thực tế tại một số địa phương, ngày 25/6/2014, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính tiếp tục gửi văn bản đề nghị Sở Tài chính cá địa phương tiếp tục rà soát, kiểm tra, giám sát việc xác định giá bán lẻ tối đa và đăng ký giá bán lẻ đến người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh các sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa phương.

Cơ quan quản lý giá cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên cập nhật thêm thông tin giá tối đa, giá đăng ký tại các tỉnh, thành phố lớn, như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh và các địa phương và các địa phương lân cận (nơi khởi nguồn sản xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm sữa) để làm cơ sở rà soát, kiểm tra giá bán lẻ sản phẩm sữa trên địa bàn địa phương, công khai trên cổng Thông tin điện tử của Sở.

Gừng tươi tăng giá

Hiện giá gừng tươi tại TP.HCM đã tăng lên 80.000 đ/kg, so với đầu vụ tháng 2/2014, bạn tại vườn là 40.000 đ/kg.

Về nguyên nhân giá gừng tăng đột biến, nhiều nông dân cho biết, do đây là mùa gừng trái vụ nên sản lượng không nhiều. Đồng thời năm ngoái mưa bão nhiều, lượng gừng bị thối lớn nên sản lượng sụt giảm. Gừng thu hoạch được bao nhiêu, thương lái về tận vườn thu mua hết bán lại cho các Cty để XK, cung không đủ cầu nên gừng càng khan hiếm và sốt giá.

Một thương lái gừng ở chợ đầu mối Thủ Đức cho biết, nguồn gừng tươi cung cấp cho TP.HCM chủ yếu của các tỉnh Tây Nguyên như Đăk Lăk, Đăk Nông, Buôn Mê Thuột, Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây, cộng thêm nguồn gừng của Trung Quốc. Riêng gừng của Trung Quốc hiện một số thương lái không mua nữa nên giá đẩy lên rất cao.

Hiện tại, sản phẩm gừng của Việt Nam đã XK sang thị trường các nước như Lào, Campuchia, Malaysia, Bangladesh, Ấn Độ…

Giá tôm thương phẩm tăng trở lại

Trong những ngày gần đây, giá tôm thương phẩm tại Sóc Trăng tăng trở lại sau 3 - 4 tháng ở mức thấp nhất trong vòng ba năm qua.

Các đại lý thu mua cho biết, tôm có cỡ từ 70 - 100 con/kg tăng mạnh nhất. Cụ thể, giá tôm loại 100 con/kg là trên dưới 105.000 đồng/kg, loại 70 con/kg, giá từ 115.000 - 118.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 15.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 5/2014.

Cỡ tôm từ 40 - 70 con/kg tuy có tăng nhưng không đáng kể, chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg so với trước đây (ở mức từ 135.000 - 170.000 đồng/kg).

Hiện toàn tỉnh đã thu hoạch trên 5.000ha tôm nước lợ (trong tổng diện tích đã thả giống trên 34.000ha), trong đó có 4.600ha tôm thẻ đã thu hoạch.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet/Nông nghiệp Việt Nam

Nguồn: Vinanet