Giá các kim loại cơ bản vẫn yếu do chịu áp lực bởi tâm lý thiếu chắc chắn của các nhà đầu tư, nỗi lo dai dẳng về tình hình kinh tế toàn cầu, đồng USD mạnh lên và thời kỳ nhu cầu kim lại tăng chậm lại.
Sau khi tăng 28% giá trị trong nửa đầu năm nay, đồng tiếp tục tăng giá và đạt đỉnh điểm 8.940 USD/tấn vào đầu tháng 7. Các cuộc đình công của công nhân đòi được hưởng lợi nhuận nhiều hơn sau khi giá đồng tăng cao lịch sử cùng với những khó khăn không báo trước như động đất, bão tuyết, lở đất đã giúp hầu hết các kim loại cơ bản tăng giá trong những năm gần đây. Nhưng rồi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã làm giá đồng liên tục tuột dốc trong những tháng sau đó.
Giá đồng giảm kỷ lục trong quý III/2008, giảm xuống mức thấp nhất của 18 tháng, do lo ngại khủng hoảng tài chính ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại trên toàn cầu. Đồng đã mất 26% giá trị trong quý III, là quý đầu tiên giảm giá trong năm và có mức giảm mạnh nhất trong quý kể từ năm 1989, với hợp đồng kỳ hạn tháng 12/08 kết thúc quý ở mức 2,879 USD/lb tại New York, 6.170 USD/tấn tại London. Hợp đồng này đã có lúc giảm xuống chỉ 2,765 USD/lb, mức thấp nhất kể từ ngày 12/3/2007. Riêng trong tháng 9, đồng đã giảm 15% giá trị, là mức giảm trong tháng mạnh nhất kể từ tháng 6/1996.
Các kim loại khác cũng kết thúc quý III với mức giá thấp thảm hại, trong đó giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 tháng là 2.405 USD/tấn, giá niken là 15.588 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 4/06; giá chì rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tuần khi được giao dịch ở mức 1.729,75 USD/tấn. Giá các kim loại sử dụng trong ngành công nghiệp đã giảm mạnh kể từ khi leo lên các mức cao kỷ lục hồi giữa năm 2008, trong đó giá đồng đã giảm 30% kể từ khi leo lên 8.940 USD/tấn tại Luân Đôn và 4,27 USD/lb tại Niu Yoóc, do nỗi lo các hoạt động kinh tế cũng chưa thể sớm được cải thiện trong ngắn hạn, kéo theo nhu cầu kim loại cơ bản sẽ vẫn yếu. Theo các nhà phân tích Barclays Capital, do tiêu thụ kim loại, nhất là đồng, nhôm và kẽm, có liên quan mật thiết tới chu kỳ kinh tế, nên sự sa sút nhanh của các điều kiện kinh tế vĩ mô đã gây tác động bất lợi tới triển vọng nhu cầu.
Theo các nhà phân tích, tác động bất lợi của ngành tài chính sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế đang diễn ra hết tốc độ, khi mà khả năng suy thoái của kinh tế toàn cầu ngày một tăng, các kim loại cơ bản sử dụng trong công nghiệp sẽ đối mặt với sức ép giảm giá. Một khi hoạt động trong ngành xây dựng và công nghiệp toàn cầu chậm lại hơn nữa, nhu cầu đồng, nhôm sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Giá các kim loại dùng trong công nghiệp sẽ còn giảm nữa vào năm tới do kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu.
Tập đoàn nghiên cứu đồng quốc tế dự đoán năm tới thế giới sẽ dư thừa 277.000 tấn đồng, tăng 100.000 tấn so với năm nay. Còn Stephen Briggs, nhà chiến lược hàng hoá tại RBS Global Banking & Markets, cho rằng các cuộc đình công hiện nay hầu như không tác động tới giá kim loại do những mối lo kinh tế chế ngự thị trường, làm giảm nhu cầu kim loại.
 

Nguồn: Vinanet