Dự báo nhu cầu kim loại phế liệu của Trung Quốc sẽ tiếp tục yếu trong vòng một năm nữa do giá kim loại thế giới tăng cao, lạm phát cao, luật hợp đồng lao động mới và những khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới thị trường phế liệu kim loại màu toàn cầu bởi Trung Quốc là một trong những nước tiêu thụ kim loại thứ cấp lớn nhất thế giới.
Theo ông David C Chiao, đại diện của Phòng Tái chế Quốc tế (BIR) ở Trung Quốc, đồng thời cũng là một lãnh đạo của công ty Uni-All Group Ltd., tình hình sẽ chưa thể cải thiện trong thời gian ngắn, khoảng một năm tới. Tại thị trường tiêu thụ kim loại màu hàng đầu thế giới này, nhu cầu phế liệu này đã trì trệ từ mấy tháng nay, buộc nhiều công ty tái chế kim loại phải chuyển sang những thị trường khác. Các thương gia kinh doanh phế liệu cho biết khách hàng Trung Quốc có thể sẽ trở laị thị trường nếu giá đồng tại Sở giao dịch Kim loại London (LME) giảm xuống 7.000 USD/tấn. Hiện giá đồng tại đây vào khoảng 7.900 USD/tấn. Ngày 6/3/2008, giá đồng quốc tế đã lập kỷ lục cao 8.820 USD/tấn, tức là đã tăng gần 30% trong năm nay.
Uni-All Group Ltd. là một công ty tái chế kim loại ở Mỹ, hàng năm thu gom khoảng 50.000 tấn kim loại màu phế liệu ở Mỹ và châu Âu, và chuyển sang các xưởng ở Trung Quốc để phân loại.
Ông Kim Lemye thuộc Phòng Thu mua của công ty Sinomet Recycling cho biết, do giá cao, giao dịch đồng rất trì trệ. Sinomet Recycling mua kim loại màu phế liệu ở châu Âu, châu Phi và Nam Mỹ rồi bán khoảng 95% lượng thu mua khoảng 6.000 tấn mỗi tháng sang Trung Quốc. Song tất cả lượng đồng mà họ thu mua gần đây đều bán ở châu Âu, nơi nhu cầu dự kiến sẽ tăng lên vào tháng 8 và tháng 9.
Giá kim loại cơ bản taị LME tăng mạnh đã gây khó khăn cho việc mua và bán kim loại phế liệu, bởi giá có thể thay đổi ngay khi hàng vừa đến, thậm chí còn sớm hơn. Do vậy, lúc này rất ít hợp đồng được giao dịch. Rất ít người mua dù với khối lượng nhỏ.
Trong khoảng một năm tới, các nhà kinh doanh kim loại phế liệu không hy vọng nhiều ở thị trường Trung Quốc bởi nước này đang gặp rất nhiều vấn đề. Ngoài trận động đất trầm trọng mới đây và bão tuyết mùa đông vừa qua, vấn đề lạm phát cao cũng gây trở ngại rất lớn. Do lạm phát quá nóng, chính phủ Trung Quốc đã hạn chế lượng tiền cho vay từ các ngân hàng, đồng thời cũng đưa ra chính sách hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng. Điều này ngay lập tức tác động tới thị trường thế giới. Ngoài ra, luật lao động mới của Trung Quốc, đưa ra từ tháng 1/2008, cũng ảnh hưởng lớn tới giao dịch hàng hoá của nước này. Theo luật này, trách nhiệm đối với quyền lợi xã hội của người lao động được chuyển từ chính phủ sang người thuê lao động (nếu người thuê lao động là tư nhân), kể cả trách nhiệm đối với chế độ hưu trí của người thuê lao động. Do chi phí tăng như vậy, nhiều công ty đã quyết định rời Trung Quốc để chuyển sang hoạt động ở Việt Nam hoặc Campuchia. Lý do thứ 3 khiến nhu cầu kim loại màu của Trung Quốc suy yếu là tỷ giá hối đoái của đồng Nhân dân tệ đang tăng lên so với USD. Điều này bất lợi cho xuất khẩu hàng hoá của Trung Quốc. Trong khi đó, dự trữ kim loại phế liệu của Trung Quốc cũng đang rất dồi dào và họ không cần phải vội vã mua vào. 
Thị trường thép phế liệu thế giới cũng bắt đầu bước vào giai đoạn trì trệ. Dự báo nhu cầu thép phế liệu sẽ chậm trong quý 3, khi các nhà máy ở bán cầu Bắc tạm dừng hoạt động để bảo dưỡng trong mùa hè. Tuy nhiên, khả năng thị trường này sẽ sôi động trở laị sớm hơn so với thị trường phế liệu kim loại cơ bản.
Chủ tịch hãng tái chế phế liệu thép không gỉ ELG Haniel Metals Ltd., ông Michael Wright cho biết ngay từ lúc này, hầu hết các nhà máy thép không gỉ đang rất thận trọng với việc mua vào. Họ chỉ mua đủ dùng để tránh tình trạng dự trữ tăng lên.
Cơ sở để ông Michael  dự báo nhu cầu sẽ bắt đầu tăng lên từ quý IV là mức dự trữ ở các nhà máy thép không gỉ châu Âu hiện thấp hơn nhiều so với dự kiến, sau khi hộ đã sử dụng gần hết lượng hàng dự trữ của mình từ mùa hè năm ngoái, bởi khi đó giá nickel – nguyên liệu chính sản xuất thép không gỉ - cao kỷ lục. Giá nickel tháng 5/08 đã lên tới mức đỉnh cao lịch sử, 51.800 USD/tấn. Hiện giá chỉ bằng hơn nửa mức đó, khích lệ nhu cầu phế liệu thép không gỉ hồi phục, song vẫn chưa đủ thấp để các nhà máy tăng lượng dự trữ của mình.
Giá phế liệu thép không gỉ ở thời điểm giá nickel cao kỷ lục là 3.000-3.500 USD/tấn, hiện đã giảm xuống khoảng 1.000 USD/tấn. Tuy nhiên, dự báo giá phế liệu sẽ không giảm thêm nữa bởi giá quặng sắt và hợp kim sắt-chrome cao kỷ lục. Ông Wright cho rằng giá quặng sắt có thể giảm chút ít, song giá hợp kim sắt-chrome thì sẽ không giảm, do lo ngại về nguồn cung ở Nam Phi do tình trạng thiếu điện triền miên.

Nguồn: Vinanet