Nhà phân tích William Adams thuộc trang thông tin điện tử TheBullionDesk.com cho rằng đồng USD hiện là nhân tố chủ chốt ảnh hưởng đến giá các kim loại này. Đồng USD giảm giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) công bố quyết định giữ nguyên mức lãi suất 2%, dập tắt dự đoán về khả năng Mỹ tiếp tục theo đuổi chính sách thắt chặt tiền tệ.
Trong phiên 27/6 tại Sở giao dịch kim loại Luân Đôn (LME), giá nhôm giao sau 3 tháng đã tăng lên 3.086 USD/tấn, so với 3.073 USD/tấn trong tuần trước đó. Từ đầu tháng 6/08, nhôm đã tăng giá hơn 10% và hồi đầu tuần đã leo lên 3.169 USD/tấn -mức cao nhất trong 3 tháng qua. Sự cố mất điện tại một số nơi trên thế giới, cùng với thông báo về các vấn đề liên quan tới nguồn cung đã đẩy giá nhôm tăng cao.
Giá đồng giao sau 3 tháng tại LME cũng tăng từ 8.330 USD/tấn tuần trước đó lên 8.493 USD/tấn trong phiên cuối tuần 27/6. Giá chì giao sau 3 tháng đã tăng lên 1.819 USD/tấn vào cuối phiên ngày 27/6, so với 1.775 USD/tấn tuần trước đó. Giá kẽm đã tăng từ 1.934 USD/tấn lên 1.946 USD/tấn. Giá thiếc cũng nhích từ 22.400 USD/tấn lên 23.300 USD/tấn. Tuy nhiên, giá niken giao sau 3 tháng tại LME lại giảm từ 22.200 USD/tấn xuống 21.860 USD/tấn.
Các nhà phân tích nhận định giá nhôm có nhiều khả năng xác lập mức cao kỷ lục mới do những khó khăn trong nguồn cung vẫn còn dai dẳng.
Với đà tăng như hiện nay kỷ lục đó sẽ dễ bị phá vỡ và có nhiều khả năng trong vòng 3-4 tháng tới giá nhôm sẽ ở mức 3.450 USD/tấn.
Nhân tố khiến nhôm lên giá trong năm nay là tình trạng nguồn cung điện bị gián đoạn ở Trung Quốc, nhà sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn thế giới, do các trận bão tuyết nghiêm trọng.
Nhà phân tích hàng hoá Eugen Weinberg thuộc Commezbank cho rằng giá điện và năng lượng tăng khủng khiếp. Chúng sẽ là những tác nhân quan trọng nhất làm giá nhôm tăng thời gian tới. Các nhà sản xuất sẽ phải bù đắp chi phí. Năm nay nhôm sẽ là một trong số các kim loại có mức tăng giá mạnh nhất và đến cuối năm giá nhôm có thể lên mức 3.500 USD/tấn.
Theo thống kê của hãng tin Reuters dựa trên các số liệu về nhập khẩu ròng, sản lượng và dự trữ trong nước, Trung Quốc chỉ tiêu thụ 401.881 tấn đồng tinh chế trong tháng 5, giảm 45.883 tấn so với tháng 4. Dự đoán tiêu thụ và nhập khẩu đồng tinh chế sẽ vẫn yếu cho hết mùa hè do nhu cầu nhập khẩu đồng từ Trung Quốc của các nền kinh tế Phương Tây giảm sút và do Trung Quốc tạm thời đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm để làm sạch bầu không khí đón chào Thế vận hội diễn ra tại Bắc Kinh vào đầu tháng 8.

Nguồn: Vinanet