Theo nguồn tin Bloomberg, nguồn cung lông cừu trên thị trường thế giới có thể thiếu hụt bởi sản lượng của Australia giảm trong khi nhu cầu từ Châu Âu không ngừng cải thiện. Đó là dự báo của một công ty Nam Phi - nước sản xuất sợi dệt lớn thứ 2 thế giới.

“Hiện người tiêu dùng đang hết sức lo ngại về khả năng thiếu cung”, Andre Strydom, tổng giám đốc công ty Cape Wools SA ở Cảng Elizabeth, Nam Phi cho biết.

Uỷ ban Dự báo Sản lượng Lông cừu Australia tháng trước đã điều chỉnh giảm mức dự báo về sản lượng trong niên vụ 2010/11 do “điều kiện mùa vụ rất tệ” ở miền Tây Australia. Hạn hán nhiều năm ròng, rồi đến lũ lụt nghiêm trọng đã ảnh hưởng tới các ngành sản xuất của Queensland.

Theo Strrydom, sẽ phải mất khoảng 2 đến 4 năm để Australia khôi phục sản xuất lông cừu. Hiện sản lượng gần trở lại mức của một thập kỷ trước đây.

Dự báo sản lượng vụ này sẽ chỉ đạt 335 triệu kg, thấp hơn nhiều mức dự báo trước đây là 340 triệu kg, so với 475 triệu kg của vụ 2004/05.

Giá cao nhất kể từ 2006

Australia là nước cung cấp lớn nhất thế giới đối với lông cừu cho ngành dệt. Do nguồn cung từ đây giảm, giá sợi bán tại Nam Phi đã lên tới mức cao nhất kể từ 2006 trong cuộc đấu giá ở tuần thứ 2 của tháng 1/2011. Nhu cầu tăng từ Tây Ây đã bù lại cho việc Trung Quốc cấm nhập khẩu.

Giá đã tăng 12% lên 70,54 Rand (10,07 USD)/kg trong cuộc đấu giá ở hàng tuần đầu tiên của năm nay, ngày 12/1/2011.

Strydom dự báo nhu cầu sẽ còn tiếp tục tăng trong 6 tháng tới. Ông tin rằng giá sữ duy trì ở mức 65 - 75 rand như hiện nay.

Việc khan hiếm bông khiến lông cừu tăng sức cạnh tranh trên thị trường sợi dệt thế giới. Lông cừu thường đắt hơn len tới 5 lần. Lũ lụt có thể làm giảm 25% xuất khẩu bông từ Pakistan trong tài khoá này, theo dự báo của Hiệp hội các nhà môi giới bông Karachi.

Giá bông tăng

Giá bông tại New York đã tăng 92% trong năm qua sau khi tăng 54% trong năm 2009. Ngày 14/1/2011, giá bông kỳ hạn tháng 3 ở mức 1,4144 USD/lb.

Trung Quốc đã cấm nhập khẩu lông cừu Nam Phi sau khi có dịch sốt Rift Valley hồi tháng 3/2010. Nước Châu Á này thường nhập khẩu tới 70% sản lượng của Nam Phi. Hiện các nhà sản xuất Nam Phi đang thương lượng với Trung Quốc để họ xoá bỏ lệnh cấmnày.

Ngoài Trung Quốc, những thị trường xuất khẩu chính của Nam Phi là Italia, Pháp và Nhật bản. Do mưa trái mùa ở nhiều khu vực sản xuất, sản lượng sợi ở Nam Phi cũng bị giảm sút.

(Vinanet)