Doanh số bán máy tính cá nhân trên toàn cầu quý III năm nay tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, do chi phí tiêu dùng ở Mỹ chậm lại.

Hãng IDC cho biết lượng tiêu thụ máy tính tăng 10,5% lên con số 89,3 triệu chiếc trong khoảng thời gian từ tháng 7 tới tháng 9, theo số liệu thống kê của IDC. Con số này thấp hơn so với dự đoán trước đây của hãng là 13,5%. Mặt khác, hãng nghiên cứu Gartner cho biết, số lượng PC tăng 7,6%, trái ngược với dự đoán 12,7%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp tiếp tục chi tiền để nâng cấp các cỗ máy PC già nua, người tiêu dùng lại có phần lãnh đạm trong việc nâng cấp máy tính. Tuy nhiên, thị trường cũng đã khởi sắc trong tháng 9 nhưng chưa đủ để kéo doanh số bán hàng bắt kịp với tốc độ như các hãng nghiên cứu thị trường đã dự đoán trước đây.

IDC cho biết, doanh số bán PC ở thị trường Mỹ chỉ tăng trưởng 3,8% trong khi được dự đoán tới 11%. Còn các thị trường khác cũng không khả quan hơn nhiều so ở Mỹ. Tháng 7 và 8 là những tháng tồi tệ cho việc bán PC. Người dùng chờ đợi và đứng nhìn trước khi họ mua bất cứ thứ gì, nhà phân tích David Daoud của IDC cho biết.

Theo IDC, các hãng đứng đầu trong lĩnh vực này gồm HP, Acer và Dell đều hoạt động ở mức thấp trong quý 3 vừa rồi. Daoud cho biết thêm, điều này cũng liên quan tới vấn đề tâm lý, với việc Apple ra mắt iPad và họ chờ đợi sản phẩm mới được bán ra thị trường.

iPad, máy tính bảng màn hình cảm ứng đã lấn át phần nào lượng bán lẻ của các netbook giá rẻ. Đây là những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ mạnh trong vài năm qua. Tuy nhiên, dữ liệu bán PC trong quý 3 đã không tính tới doanh số bán iPad hay các máy tính bảng khác.

IDC dự đoán lượng PC toàn cầu sẽ tăng 7,4% trong quý 4. Nhà sản xuất PC hàng đầu – HP có tốc độ bán kém nhất trong số các hãng máy tính lớn. Doanh số giảm sút nhiều nhất ở thị trường Mỹ và Châu Á -Thái Bình Dương.

Lượng PC xuất xưởng của HP vẫn tương đương so với một năm trước đây và hãng đã mất 2% thị phần xuống còn 17,6% thị phần PC toàn cầu. Thị phần của hãng đứng thứ hai-Acer trượt xuống 13% và Dell giảm xuống còn 12,4%.

Lenovo và Asustek Computer đều tăng trưởng mạnh với tốc độ trên 30%, trong khi đó Toshiba cũng tăng trưởng nhưng tỷ lệ thấp hơn, chỉ 15%. Apple - hãng sản xuất những thiết bị mà nhiều người thèm muốn nhất đã không lọt vào top 6 nhà sản xuất PC hàng đầu thế giới nhưng lượng bán lẻ của Apple vẫn rất mạnh. Lượng bán lẻ máy tính Mac tăng trưởng 24% trong quý 3 ở Mỹ.

Trong khi laptop mỏng và nhẹ vẫn tiếp tục “thống lĩnh” thị trường máy tính tháng 9 thì một số laptop thay thế máy để bàn cũng đã bắt đầu được người dùng tìm kiếm.

Aspire 8942G không chỉ là một trong những máy tính xách tay “đồ sộ” nhất hiện nay với màn hình 18.4-inch mà nó còn được trang bị bộ xử lý lõi tứ và card đồ họa cao cấp, trong khi đó, giá bán phải chăng. Toshiba Qosmio F60 15,6 inch cũng là laptop thay thế máy để bàn nhưng lại được “giảm thiểu” hiệu suất để trở thành một trong những máy tính giải trí được trang bị đầu đọc Blu-ray.

Danh sách 10 laptop “đắt hàng” nhất tháng 9/2010:

Acer Aspire TimelineX 3820TG: Nhảy vọt lên ngôi vị “quán quân” từ vị trí thứ 3 trong danh sách laptop bán chạy của tháng 8, TimelineX 3820TG gây ấn tượng với chip Core i5 520M 2.4GHz – khác hoàn toàn với các laptop trong dòng Timeline trước đây của Acer chỉ sử dụng bộ xử lý Intel CULV. Thân máy được bọc lớp vỏ kim loại bóng bẩy. Ngoài ra, thời lượng pin được kéo dài tới 8 tiếng.

Fujitsu LifeBook LH530: Thương hiệu cao cấp của Fujitsu - LifeBook LH530 được bán với một mức giá phải chăng nhưng vẫn được trang bị bộ xử lý Core i3 của Intel với tốc độ 2.13GHz. LifeBook LH530 sở hữu RAM 2GB và dùng card đồ họa rời ATI Mobility Radeon HD5430.

Acer Aspire 4741G: Thiết kế của máy có lớp vân lụa đan dệt trên lớp sơn màu bạc sang trọng, keyboard rộng rãi hơn với cách bố trí các phím và nút chức năng phù hợp. Aspire 4741G có touchpad đa chạm, giúp thực hiện các thao tác cuộn, xoay, phóng to hay thu nhỏ hình ảnh đơn giản và dễ dàng chỉ với hai ngón tay.

HP G42: Mặc dù không được trang bị giắc cắm USB 3.0 hoặc được lựa chọn ổ đĩa Bly-ray hay card đồ họa có thể chuyển đổi nhưng HP G42 vẫn sở hữu đầy đủ tính năng phù hợp với người dùng không đòi hỏi khắt khe về hiệu suất.

Acer Aspire 8942G: Mặc dù không phải là laptop thay thế máy tính để bàn rẻ nhất trên thị trường nhưng Aspire 8942G được sở hữu chip Core i7 lõi tứ và card đồ họa cao cấp. Máy cũng được trang bị đầu đọc Blu-ray. Ổ cứng cho dung lượng lưu trữ lên tới 1,2TB cho phép người dùng thoải mái tạo bộ sưu tập phim, game.

Lenovo G460: Được thiết kế dành cho thị trường doanh nghiệp vừa là nhỏ nhưng Lenovo G460 vẫn sở hữu nhiều tính năng giải trí. G460 cho phép người dùng đăng nhập vào máy tính bằng chức năng nhận diện khuôn mặt và máy còn sử dụng công nghệ Enhanced Experience của Lenovo để nâng cao hiệu suất cho laptop chạy trên hệ điều hành Windows 7.

Asus N43Jf: Là một trongnhững laptop đầu tiên được tích hợp card đồ họa 400M series mới nhất của Nvidia, N43Jf cũng là “cỗ máy” giải trí với hệ thống âm thanh của nhà sản xuất Bang & Olufsen ICEpower.

Samsung R480: Samsung là hãng đầu tiên trên thị trường trang bị màn hình LED-backlit cho toàn bộ một dòng máy, và R480 tiếp nối truyền thống này nhưng lại được tăng thêm sức mạnh với bộ vi xử lý Core i5. Sự kết hợp giữa màn hình LED HD tỷ lệ 16:9 cùng card đồ họa mới nhất nVIDIA GeForce GT 330M 1 GB giúp R480 phát huy tối đa khả năng xử lý và hiển thị hình ảnh. Ngoài ra, R480 còn cho phép người dùng sạc pin từ cổng USB ngay cả khi tắt máy.

Asus X42Jr: Là một trong những laptop mỏng và nhẹ được trang bị bộ xử lý lõi tứ mạnh mẽ nhất hiện nay, Asus X42Jr ấn tượng với mức giá phải chăn - là sự lựa chọn phù hợp cho những game thủ “tay ngang” hay người dùng muốn nâng cao hiệu suất cho laptop.

Toshiba Qosmio F60: Qosmio F60 là cột mốc đáng nhớ của Toshiba vì đây là máy tính giải trí thay thế máy tính để bàn bình dân nhất của hãng. Máy được trang bị bộ vi xử lý Core i3 330M, tốc độ 2.13GHz và RAM 4GB. Nổi bật nhất là người dùng có quyền lựa chọn nâng cấp lên ổ đĩa Blu-ray vốn có trong các dòng laptop cao cấp.

(Vinanet)