Giá lúa mì Mỹ tăng giá trở lại vào sáng 19/8/2010 do nỗi lo mất mùa lại dấy lên, thêm vào đó là việc Ucraina khẳng định sẽ hạn chế xuất khẩu lúa mì, theo cách Nga đã làm.

Sáng nay, lúa mì kỳ hạn tháng 9 giá tăng 0,72% đạt 6,60-¾ USD/bushel.

Đậu tương kỳ hạn tháng 9 sáng nay cũng tăng giá thêm 0,1% đạt 10,36 USD/bushel bởi dự báo số liệu công bố ngày hôm nay sẽ cho thấy xuất khẩu lúa mì của Mỹ tiếp tục mạnh. mặc dù triển vọng sản lượng của Mỹ rất khả quan.

Riêng ngô giảm giá chút ít, giảm 0,1% xuống 4,18 USD/bushel, bởi triển vọng vụ mùa của Mỹ cao.

Gạo Mỹ giảm giá chút ít, với kỳ hạn tháng 9 giảm 15 1/2 cents, hay 1,4% xuống 10,75 USD/100 lb.

Tuy nhiên, giá lúa mì tăng sẽ hậu thuẫn cho giá gạo.

Tại Bănglađét, nhập khẩu gạo có thể đạt kỷ lục cao của 3 năm, khoảng 1 triệu tấn, trong tài khoá kết thúc vào tháng 6/2011 bởi nước này tăng cường mua gạo để bù đắp cho lượng mua lúa mì giảm do giá cao.

Campuchia đặt mục tiêu tăng xuất khẩu gạo lên 1 triệu tấn vào năm 2015. Nếu có thể xuất khẩu 3 triệu tấn gạo mỗi năm, Campuchia sẽ thu về 2,1 tỷ USD, tương đương với 20% GDP và sản xuất nông nghiệp sẽ có thể mang lại nguồn thu cao hơn ngành dệt may trong tương lai.

Giá ngũ cốc tại EU đã tăng trong vài tuần nay. Tại Pháp, giá lúa mì đã tăng gần gấp đôi từ 110 EUR/tấn lên tới 210 EUR/tấn vào tháng trước. Còn tại Anh, giá lúa mạch trên thị trường đã tăng gấp đôi trong vòng 6 tuần qua.

Giá ngũ cốc tăng cao kéo theo sự tăng giá của bột mì và các sản phẩm làm từ bột mì như bánh mì và mì ống. Tại hầu hết các nước EU, người mua sẽ không thấy giá tăng ngay lập tức, bởi hợp đồng của các hiệu bánh với các nhà bán lẻ thường có thời hạn 30 ngày và nhiều nhà bán lẻ vẫn có thể mua các sản phẩm bột mì với giá cũ tại thời điểm này.

Sự tăng giá ngũ cốc và bột mì tại EU đã khiến nhiều hợp đồng bị hủy bỏ. Do vậy, người tiêu dùng có thể sẽ phải chịu nhiều sức ép về giá bánh mì vào đầu tháng Chín tới.

Trong khi đó, báo chí châu Âu đang tìm kiếm người có lỗi chính cho việc tăng giá này. Tờ Financial Times của Anh cho rằng, Nga có lỗi trong vấn đề này do lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của chính phủ nước này từ ngày 15/8 đến ngày 31/12 năm nay.

Kể từ 15/08 lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc của Nga bắt đầu có hiệu lực cho đến cuối năm. Đây là biện pháp của Chính phủ nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng trong nước và kiềm chế sự tăng giá lương thực. Nắng nóng và hạn hán chưa từng có gần hai tháng hè đã tước của Nga một phần ba vụ thu hoạch, tiêu diệt 11 triệu hecta diện tích gieo trồng. Theo ước tính, sản lượng thu hoạch sẽ giảm một phần ba còn từ 60 - 65 triệu tấn, so với 97 triệu tấn năm ngoái.

Theo FT, quyết định này của Nga là không đúng đắn, bởi nó có thể gây ra sự lo ngại cho các thương nhân buôn bán ngũ cốc của châu Âu.

Mặt khác, Nga cũng có thể khiến các quốc gia đồng minh khác “theo bước” và hạn chế xuất khẩu ngũ cốc nhằm bảo vệ thị trường trong nước.

Theo dự báo, vụ mùa của Nga sẽ giảm 25% một năm trong những năm tới, Ba Lan là 10%, còn Slovakia và Hungary có thể sẽ giảm tới 30%.

Phải nói rằng, ảnh hưởng của Nga lên thị trường ngũ cốc của EU là không trực tiếp. Trên thực tế, thị trường lúa mì chính của Nga là Trung Đông, bởi vậy, không thể nói rằng, lệnh cấm xuất khẩu của Nga ảnh hưởng xấu đến các nước EU.

Tuy nhiên, tờ Wyborcza của Ba Lan bình luận rằng, Ai Cập và nhiều nhà nhập khẩu ngũ cốc Trung Đông khác, một khi đã không thể nhập khẩu lúa mì từ Nga, sẽ phải chuyển sang thị trường châu Âu, và điều này sẽ khiến một lượng ngũ cốc đáng kể rời khỏi thị trường châu Âu.

Khi xảy ra tình trạng thiếu lương thực, các nước châu Âu thường phải tăng giá lương thực. Điển hình là Ba Lan, một trong những khu vực có nền nông nghiệp mạnh tại EU. Khi Ba Lan lâm vào tình trạng thiếu lương thực trong nửa cuối của những năm 1990, các công ty chế biến bột mì của nước này đã tăng giá bột mì. Theo đó, giá bánh mì cũng tăng lên.

Tại thời điểm đó, Ba Lan vẫn chưa là thành viên của EU. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp nước này đã quyết định mở cửa biên giới, miễn thuế nhập khẩu lúa mì từ Hungary, CH Czech và Slovakia. Chính vì thế, ba quốc gia trên đã cung cấp một lượng lớn ngũ cốc cho Ba Lan trong thập niên đó. Nhờ vậy, thị trường của Ba Lan dần trở nên ổn định, giá cả giảm và mọi thứ trở nên bình thường.

Tuy nhiên, khi giá bột mì một lần nữa tăng trong năm 2006, Ba Lan đã cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng bằng cách áp đặt các hạn chế để xuất khẩu ngũ cốc của mình. Ba Lan đã gia nhập EU sau khi cuộc khủng hoảng lương thực 2007-08 kết thúc. Nhờ vậy, Ba Lan có thể sử dụng quỹ dự trữ ngũ cốc chung của EU. Quỹ này được thiết lập để thực hiện các can thiệp chung vào thị trường châu Âu trong trường hợp khẩn cấp.

Nga chưa phải là thành viên EU. Vừa qua, quốc gia này đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu ngũ cốc tạm thời nhằm tiết kiệm nguồn ngũ cốc cho tiêu dùng trong nước.

Gần đây, Nga bị chỉ trích là “ích kỷ” khi bất ngờ đưa ra lệnh hạn chế xuất khẩu ngũ cốc. Tờ FT cho rằng, Nga nên dựa vào một mạng lưới an ninh lương thực quốc tế để bảo vệ cho mình và có thể một mạng lưới quốc tế như vậy sẽ được thiết lập dưới sự bảo hộ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Hệ thống này sẽ tạo ra các quy tắc để các nước khác phải tuân thủ trong trường hợp muốn đình chỉ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Điều này sẽ giảm nguy cơ khủng hoảng lương thực.

Tuy nhiên, Nga vẫn chưa trở thành thành viên chính thức của WTO. Đề nghị gia nhập WTO của Nga đã nhiều lần bị trì hoãn phê duyệt, trong đó có cả sự không đồng tình từ phía các nước EU.

Hiện tại, phương Tây rất cần ngũ cốc của Nga để bình ổn giá và gợi ý rằng, Nga nên bán một số dự trữ của mình dưới sự bảo hộ của WTO.

Giá ngũ cốc thế giới sáng 19/8 tại Chicago

Hàng hoá

Giá sáng 19/8

+/-

Ngô (T9/10, US cent/bushel)

 418,25

 -0,25

Đậu tương   (T9/10, US cent/bushel)

1036,75

 +0,50   

Lúa mì (T9/10, US cent/bushel)

660,75

 +4,75   

Gạo (T9/10, USD/100 lb) 

 10,71

 -0,04    

Euro/dollar

     1,2820

 

(Vinanet)