Bông:

Giá bông kỳ hạn trên thị trường thế giới tiếp tục tăng trong tuần qua, đạt mức cao nhất kể từ hơn một tháng nay, do nhu cầu tăng từ các thương gia và các nhà máy dệt may, trong bối cảnh kinh tế thế giới hồi phục.

Hoạt động mua vào mạnh mẽ đã đẩy giá bông tăng 8,8% từ đầu năm tới nay. Chỉ số giá 19 hàng hoá Reuters/Jefferies CRB Index đã lập kỷ lục cao của 10 tuần trước khi giảm trở lại bởi đồng Đôla Mỹ tăng giá.

Hợp đồng bông kỳ hạn tháng 5/2010 tại New York giá tăng lên mức 82,28 US cent/lb vào ngày 6/4/2010, so với mức 79,37 US cent/lb một tuần trước đó, trong khi kỳ hạn tháng 7 giá tăng lên 83,53 US cent/lb, so với 80,82 US cent/lb.
Giá xơ sợi tại Trung Quốc tăng mạnh khiến các thương gia dự báo nhu cầu bông Mỹ sẽ tăng trong vài tuần tới, đẩy giá bông tiếp tục tăng.

Tại Trung Quốc, giá nhập khẩu bông giảm 1,2% trong 1 tháng qua tuy nhiên giá bông nội địa đã tăng 11% chỉ trong 2 tháng.

Tại Pakistan, giá bông gần đây biến động mạnh. Theo dự đoán, tiêu thụ bông Pakistan sẽ vào khoảng 15,5 triệu kiện cho mùa vụ hiện tại (T8/2009-T7/2010).

Còn tại Ấn Độ, do giá bông thấp hơn so với giá trên thị trường quốc tế nên nhiều nhà nhập khẩu đã quay sang đặt hàng quốc gia Nam Á này. Chính điều này đã khiến cho ngành dệt Ấn Độ gặp khó khăn. Theo Chủ tịch Hiệp hội dệt may Nam Ấn (SIMA) cho biết, nguyên nhân tăng giá sợi là do giá bông tăng bất thường và các chính sách phân phối bất hợp lý của Tổng công ty bông Ấn Độ (CCI) như khuyến khích xuất khẩu bông 5%, giảm giá lớn với các điều khoản tín dụng tự do cho khách hàng mua số lượng lớn, tăng hơn 40% giá hỗ trợ tối thiểu và tự do xuất khẩu bông thô đã dẫn đến khủng hoảng trong ngành dệt Ấn Độ. Các nhà máy kéo sợi đổ lỗi cho Tổng công ty bông của Ấn Độ đưa ra các chính sách có lợi cho các thương nhân trực thuộc tổng công ty dẫn đến đầu cơ, tích trữ và tăng giá. Các nhà sản xuất hàng dệt kim và các nhà xuất khẩu tại Tirupur cho biết việc tăng giá sợi là cao hơn nhiều hơn so với mức tăng giá bông tương ứng. Họ cũng có kế hoạch tăng giá hàng dệt kim lên từ 18% đến  20% để đáp ứng với chi phí sợi tăng.

Mỹ sẽ gia tăng diện tích trồng bông lên 8%, đạt 32,6 triệu ha trong niên vụ 2010/2011.

Uỷ ban tư vấn bông quốc tế (ICAC) nhận định Mỹ sẽ gia tăng diện tích gieo trồng một phần là do giá bông niên vụ 09/10 tăng mạnh. Phần khác, niên vụ vừa qua điều kiện gieo trồng tại một số vùng trồng bông chính của Mỹ cũng khá thuận lợi. Theo ước tính, với điều kiện thời tiết trung bình, năng suất bông/ha thế giới sẽ tăng lên 4%, đạt 759 kg/ha. Sản lượng bông thế giới niên vụ 2010/2011 dự báo sẽ tăng 12%, đạt 24,7 triệu tấn.

Nhu cầu sử dụng bông toàn thế giới theo dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trở lại trong năm 2010/2011, tăng khoảng 2%, đạt 24,6 triệu tấn. Lượng bông nhập khẩu tại Trung Quốc theo dự báo sẽ tăng khoảng 21%, đạt 2,4 triệu tấn. Sau khi giảm khoảng 16% trong năm 2009/2010, lượng bông tồn toàn cầu sẽ tăng khoản 2%, đạt 10,5 triệu tấn.
Cũng theo ICAC, giá bông trung bình bảng A sẽ rơi vào khoảng 82 xu/pound trong niên vụ 2010/2011.

Xơ sợi:

Giá xơ và sợi bông tại Trung Quốc đang tăng mạnh do sản lượng thấp nhưng nhu cầu tăng quá nhanh. Giá trung bình đã tăng hơn 10% chỉ trong 2 tuần. Giá sợi bông tăng là do giá xơ bông tăng tuy nhiên mức tăng không mạnh như mức tăng của giá sợi. Trong nửa tháng qua, giá xơ bông tại thị trường nội địa đã tăng 7,8% và trong 6 tháng qua, giá tăng 21%. Điều này sẽ khiến lợi nhuận của các nhà kéo sợi tăng mạnh và theo dự đoán ngành sợi Trung Quốc sắp thoát khỏi tình trạng thiếu công nhân. Tại Qianqing, giá trung bình cho loại 40s chải kỹ tăng 2.100NDT/tấn , tương đương 8% chỉ trong 2 tuần. Như vậy, trong 6 tháng qua giá đã tăng 29%. Còn tại Changyi, so với 2 tuần trước, loại 40s chải kỹ đã tăng 4.300NDT/tấn, tương đương hơn 17%.

Các hoạt động trên thị trường xuất khẩu sợi và vải Pakistan tới miền Viễn Đông trong tuần khá sôi động với đơn hàng đến tấp nập. Người mua sẵn sàng đặt hàng với số lượng lớn.  Lượng khách hàng đặt hàng từ Hồng Kông cũng ở mức khá, tuy nhiên hầu hết đều chỉ để tham khảo giá. Trường hợp với Trung Quốc khá hơn, các loại sợi 20/1 và 21/1 cd khá đắt hàng. Xuất khẩu sợi Pakistan trong tuần tới thị trường Mỹ và Nam Mỹ cũng đón nhận những tín hiệu tốt.

Len:

Nhu cầu len đã giảm tại Australia, New Zealand và Nam Phi do các nhà máy chế biến len nghỉ dịp lễ Phục Sinh vào cuối tuần qua. Thêm vào đó, lượng hàng tồn kho vẫn còn nhiều nên giá len giảm.

Tại Australia, chỉ báo giá thị trường phía Đông giảm 2,9% xuống 900 AU cent/kg sạch. Còn giá bằng đồng đôla Mỹ và Euro gần như không thay đổi so với tuần trước đó. Tại Nam Phi, giá bằng đồng Rand giảm mạnh, 3,2%. Còn tại New Zealand, đồng nội tệ tăng giá khiến nhu cầu và giá giảm.

Viscose:

Giá viscose đã tăng mạnh trong 2 tuần qua tại Trung Quốc do nhu cầu và giá nguyên liệu thô tăng. Giá bông tăng đã khiến nhu cầu sử dụng viscose tại các nhà máy dệt tăng lên.

Giá trung bình cho xơ ngắn loại 1.5 D tăng 200 NDT/tấn. Như vậy so với đầu năm 2010, thì giá xơ ngắn viscose đã tăng thêm 8% do kinh tế thế giới hồi phục, sản lượng dệt may tăng khiến giá nhu cầu nguyên liệu sản xuất tăng theo.

Thêm vào đó là xu hướng ưa chuộng viscose hơn là bông hay polyester. Chính sự tăng giá không ngừng của bông và sự bất ổn của giá polyester đã khiến các nhà chế biến sợi quay sang viscose. Nhu cầu lớn từ thị trường thế giới cũng khiến giá viscose tại thị trường nội địa tăng.

Giá nguyên liệu thô đang trên đà tăng với việc bông xơ tăng từ 7.700 đến 8.200NDT/tấn trong 2 tuần qua. Từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng của giá bông xơ  nhanh hơn giá xơ ngắn viscose, điều này dự báo giá viscose sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.  

Spandex

Giá spandex tại Trung Quốc tương đối ổn định. Nhu cầu vẫn ở mức thấp. Tuy nhiên giá nguyên liệu sản xuất spandex có thể tăng trong tháng 4 này khiến giá spandex được cải thiển.

 Giá trung bình cho loại 20D ở mức 77.000 – 78.000 NDT/tấn. Còn loại 30D ở mức 66.000 – 68.000NDT/tấn và 40D là 50.000 – 51.000NDT/tấn.

Giá nguyên liệu sản xuất trong dây chuyền spandex như BDO, THF rồi đến PTMEG dự tính sẽ tăng tại thị trường Châu Âu và Bắc Mỹ sẽ khiến giá spandex tại Trung Quốc tăng lên.

(Vinanet)