Lúa gạo:

Tại các tỉnh phía Bắc giá lương thực biến động nhẹ. Giá lúa tẻ thường ở mức phổ biến 6.500 – 8.500 đ/kg, giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000 đ/kg.

Tại Tiền Giang giá lúa giảm 100 đ còn 5.600 đ/kg, gạo nguyên liệu tăng 1.100 đ/kg; loại 1 lên 8.100 đ/kg, loại 2 lên 8.300 đ/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu giảm 100-300 đ/kg: 5% còn 7.700 đ/kg; 15% còn 7.400 đ/kg, 25% còn 7.200 đ/kg.

Tính đến ngày 15/1/2015, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã xuống giống được 1,53/1,65 tiệu ha diện tích kế hoạch.

Bộ Công Thương dẫn thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Cuba cho biết theo thỏa thuận năm 2015 đã ký, Cuba sẽ mua 300 ngàn tấn gạo từ Việt Nam.

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 12 cả nước xuất khẩu thêm được 473.575 tấn gạo, trị giá FOB 224,765 triệu USD, trị giá CIF 227,695 triệu USD.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2014, giá chào bán gạo xuất khẩu của cả Thái Lan và Việt Nam đều liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm, sau đó tăng trong tháng 7 và tháng 8, rồi giảm trở lại từ tháng 9.

Tính chung cả năm 2014, giá chào bán gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm, còn giá chào bán gạo của Việt Nam lại tăng và vượt mức chào bán của Thái Lan.

Cụ thể, tại Thái Lan, giá chào bán gạo xuất khẩu loại 5% tấm phổ biến ở mức 370-445 USD/tấn, giảm 35-135 USD/tấn so với năm 2013; loại 25% tấm phổ biến ở mức 350-400 USD/tấn, giảm 25-160 USD/tấn.

Tại Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu loại 5% tấm phổ biến ở mức 370-465 USD/tấn, tăng 10-35 USD/tấn; loại 25% tấm phổ biến ở mức 360-410 USD/tấn, tăng 15-35 USD/tấn so với năm 2013.

Như vậy, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam năm 2014 dao động ở mức 370-465 USD/tấn, cao hơn so với mức 370-445 USD/tấn của Thái Lan. Năm 2013, giá gạo chào bán của Thái Lan đứng ở ngưỡng 405-570 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức 360-430 USD của Việt Nam.

Tương tự, giá chào bán gạo 25% tấm của Việt Nam năm 2014 dao động ở mức 360-410 USD/tấn, cao hơn so với mức 350-400 USD/tấn của gạo Thái Lan cùng loại.

Giá hạt ca cao lập đỉnh 65.000 đ/kg

Người trồng ca cao tại Tây Nguyên đang rất phấn kowir vì từ năm 2014 đến nay, giá hạt ca cao lên men liên tục tăng, trong khi vườn ca cao ngày càng cho năng suât sổn định. Theo thông tin từ Ban quản lý Dự án phát triển ca cao bền vững, giá ca cao đạt chuẩn UTZ tại Tây Nguyên đang được các trạm thu mua trả giá 65.000 đ/kg, cao nhất kể từ 3 năm trở lại đây và cao gấp đôi so với năm 2013. Nguyên nhân chủ yếu khiến hạt ca cao tăng giá là sản lượng ca cao thế giới sụt giảm, trong khi nhu cầu vẫn tiếp tục tăng. Hạt ca cao tăng giá đã mang lại thu nhập khá cho nông dân, song cũng nhiều người tiếc nuối vì trước đó đã phá dỡ bỏ cây ca cao để trồng cà phê.

Cao su

Giá cao su thành phẩm tại Đông Nam Bộ, Tây nguyên sáng 19/1 giảm 100-200 đ/kg so với hôm 15/1.

Cụ thể, mủ cao su RSS3 giá 27.000 đ/kg; cao su SVR10 giá 22.000 đ/kg; cao su SVR3L giá 26.700 đ/kg; Mủ cao su tạp (dạng rời) giá 9.500 đ/kg.

Theo nguồn “Thế giới & Việt Nam”, Hội đồng Cao su quốc tế ba bên (ITRC) sẽ mời các quan chức chính phủ cấp cao của bốn nước tham dự cuộc họp tại Indonesia vào tháng Hai tới. Chính phủ các bên sẽ thảo luận việc giám sát và quản lý các đồn điền cao su ở mỗi quốc gia để đảm bảo sản lượng sản xuất ra không vượt quá nhu cầu thế giới.

Các Bộ trưởng Nông nghiệp của Thái Lan, Indonesia và Malaysia nhất trí không mở rộng diện tích trồng cao su, đồng thời tăng tiêu thụ trong nước 10% mỗi năm. Họ cũng tuyên bố thúc đẩy sử dụng găng tay cao su chất lượng cao và đệm giường cao su tại các bệnh viện và phòng khám của chính phủ.

Thêm vào đó, các Bộ trưởng đồng ý việc hướng tới thiết lập một thị trường cao su khu vực trong vòng 18 tháng tới. ITRC sẽ kêu gọi Bộ trưởng Nông nghiệp của Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam tham gia cuộc họp Bộ trưởng vào tháng 12 tới.

Hiện giá cao su tự nhiên đang được bán ở mức 40 baht đến 50 baht (1,21 USD đến 1,51 USD)/kg, giảm 70% so với mức kỷ lục180 baht bốn năm trước. Giá hiện tại thấp hơn chi phí sản xuất 63 baht đến 64 baht.

Hơn nữa, theo ông Yium, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Cao su quốc tế, nhu cầu thế giới về cao su thiên nhiên tăng lên mỗi năm nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Có ba nguyên nhân: Suy giảm kinh tế thế giới; sự sụt giảm doanh số bán ô tô làm giảm sản lượng ngành sản xuất lốp cao su ; giá dầu thô giảm, tạo điều kiện để ngành sản xuất cao su tổng hợp phát triển.

Sắn

Tại miền Bắc, giá sắn về nhà máy TAWCN khu vực Hà Nội, Hải Dương ổn định ở mức 4.210 – 4.330 đ/kg tùy phẩm cấp.

Tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên, thời tiết thuận lợi khiến thu hoạch sắn đưa về nhà máy tăng lên mức 300-400 tấn/ngày.

Tại Tây Ninh, sắn xuất xứ từ Cămpuchia về cửa khẩu tăng mạnh từ cuối tuần trước và đạt mức trên 4.000 tấn/ngày tại cửa khẩu Chàng Riệc vào ngày 19/1/2015.

Hiện cây sắn (khoai mì) chiếm kim ngạch xuất khẩu thứ tư trong ngành nông nghiệp, sau cà phê, lúa và điều. Để phát triển bền vững loại cây trồng này, Hiệp hội sắn VN vừa phối hợp với UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức Hội thảo quốc tế “Phát triển bền vững cây sắn VN”. Theo đó, cây sắn từ lâu được biết đến như một cây lương thực quan trọng.

 Theo TS Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch Hiệp hội sắn VN thì cây khoai mì là một trong những cây trồng có kim ngạch xuất khẩu cao trong ngành nông nghiệp, đứng thứ 4 sau cà phê, lúa và điều. Diện tích trồng sắn hiện nay của VN là 600.000 ha, năng suất bình quân đạt trên 17,6 tấn/ha, phân bố chủ yếu ở Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, Đông Nam bộ.

 Thời gian qua VN liên tục áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, nghiên cứu những nguồn gen, giống sắn mới cho năng suất cao như: KM94, KM98-1, 3MQ37-26, trong đó, giống sắn KM94 được trồng nhiều nhất.

Với điều kiện tự nhiên và khí hậu phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển, sắn được trồng chủ yếu trên đất cát, đất nhiều đá sỏi, đất thịt, đất dốc.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp từ các nguồn Nông thôn ngày nay, Agrominitor

Nguồn: Vinanet