Lương thực: Giá tăng, giảm đến ổn định tùy theo từng địa phương

Tại các tỉnh phía Bắc, lương thực đứng giá. Giá lúa tẻ thường ở mức phổ biến 6.500 – 8.500 đ/kg; giá gạo tẻ thường ở mức 12.000 – 14.000 đ/kg.

Tại các tỉnh phía Nam, cụ thể như An Giang giá lúa giảm 400 đ còn 4.650 đ/kg, gạo nguyên liệu loại 2 đứng trong khi loại 1 giảm 50 đ còn 7.050 đ/kg, gạo thành phẩm xuất khẩu đứng hoặc giảm 50 đ/kg: 5% còn 8.400 đ/kg, 10% còn 8.200 đ/kg, 15% còn 7.350 đ/kg. Cần Thơ giá lúa chất lượng cao jasmine (khô) tăng 100 đ lên 6.300 đ/kg. Hậu Giang giá gạo nguyên liệu giảm 1.200 – 15.00 đ/kg, còn 6.600 – 7.100 đ/kg; gạo thành phẩm xuất khẩu giảm 100 đ/kg: 5% còn 7.600 đ/kg, 15% còn 7.300 đ/kg, 25% còn 7.100 đ/kg. Tại Bạc Liệu, giá lúa giảm 50đ còn 5.650 đ/kg, gạo nguyên liệu giảm 50-200 đ/kg: NL lức còn 6.750 đ/kg, NL trắng còn 6.850 đ/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu trong thán đầu năm 2015 đạt khoảng 312 nghìn tấn, trị giá 152 triệu USD, giảm 14,5% về lượng và giảm gần 13% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam với hơn 30% thị phần, kế tiếp là các thị trường Philippines, Malaysia, Ghana và Indonesia.

Năm 2015, ngành lúa gạo được nhận định sẽ tiếp tục gặp khó khăn cả về giá và thị trường. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 606/QĐ-BCT về lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.      

Cà phê: Giá biến động

Trong tuần, giá cà phê biến động. Ngay những phiên giao dịch của đầu tuần giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 400-500 đồng lên mức 39.400 – 40.200 đ/kg, tuy nhiên đến cuối tuần, cụ thể phiên dịch ngày 30/1 giá giảm, giảm 600-800 đồng xuống còn 39.300 – 39.800 đ/kg (phiên trước đó giá cũng đã giảm).

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng đầu năm 2015 ước đạt 100 nghìn tấn, với giá trị khoảng 202 triệu USD, giảm 28,9% về lượng và giảm 23,6% về giá trị so cùng kỳ năm 2014.

Việt Nam là nước sản xuất cà phê robusta hàng đầu thế giới. Khối lượng xuất khẩu cà phê năm 2014 của Việt Nam đạt khoảng 1,73 triệu tấn, trị giá 3,62 tỷ USD, tăng 33,4% về khối lượng và tăng 32,2% về giá trị so năm 2013.

Giá cà phê xuất khẩu bình quân năm 2014 đạt 2.104 USD/tấn, tăng 0,7% so với năm 2013.

Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong năm 2014 với thị phần lần lượt là 14,13% và 10,17%. Thị trường Bỉ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, gấp 2,4 lần về lượng và gấp 2,31 lần về giá trị so với năm 2013./.

Cao su thành phẩm giảm giá

Ngày 2/2, giá cao su thành phẩm tại các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên giảm 600-800 đ/kg so với ngày 30/1. Cụ thể, mủ cao su RSS3 giá 27.100 đ/kg; Cao su SVR10 giá 21.900 đ/kg; Cao su SVR3L giá 26.900 đ/kg; mủ cao su (dạng chén) giá 9.000 đ/kg.

Theo Báo cáo của Trung tâm tin học và thống kê Bộ NN&PTNT, khối lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam tháng 1/2015 ước đạt 109 nghìn tấn, giá trị đạt 112 triệu USD, tăng 70,5% về khối lượng nhưng giảm 15,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Giá cao su xuất khẩu bình quân năm 2014 đạt 1.669 USD/tấn, giảm 27,9% so với năm 2013. Mặc dù Trung Quốc và Malaysia vẫn duy trì là hai thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong năm 2014 với thị phần lần lượt là 42,96% và 17,92%, nhưng lại có xu hướng giảm so với năm 2013, cụ thể: Trung Quốc giảm 6,73% về khối lượng và giảm 32,27% về giá trị; Malaysia giảm 9,59% về khối lượng và giảm 38,39% về giá trị.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet