Bộ Tài chính TQ vừa quyết định áp dụng mức thuế đặc biệt đối với phân bón hóa học và một số nguyên liệu thô xuất khẩu từ ngày 20/4 đến ngày 30/9/08, theo đó phân bón xuất khẩu sẽ phải chịu mức thuế từ 100% đến 135%. Đây là lần thứ hai trong năm nay TQ tăng thuế xuất khẩu phân bón, nhằm giảm bớt những lo ngại về tình trạng thiếu hụt nguồn cung phân bón và giữ giá ổn định trước nhu cầu gia tăng trong thời điểm trồng trọt vụ xuân.
               Thị trường phân hoá học đã nóng lên từ khi có tin TQ rục rịch tăng thuế. Chỉ trong một tuần qua giá urê đã tăng khoảng 50 USD/tấn. Hiện giá chào bán phân urê tại Trung Đông tăng lên 450-460 USD/tấn, FOB, trong khi giá tại Ucraina lên 500 USD/tấn, còn tại Mỹ Latinh khoảng 530-540 USD/tấn. Giá bán buôn phân diammonium phosphate, loại phân bón được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, tại thị trường Trung Đông hiện đã tăng tới 950 USD/tấn, so với 430 USD/tấn chỉ một năm trước đây, và so với 265 USD/tấn tháng 4/2006.
               Dự đoán xu hướng giá tăng sẽ còn tiếp diễn bởi việc TQ cắt giảm xuất khẩu đồng nghĩa với mỗi tháng cung urê trên thị trường sẽ bị giảm đi khoảng 450.000 tấn -tương đương với khoảng 20-25% lượng xuất khẩu hàng tháng từ các nguồn khác. Giá phân bón thế giới hiện cao hơn nhiều so với giá tại TQ rất dễ thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mà nước này cần phải đảm bảo nguồn cung cho vụ mùa xuân đang diễn ra. TQ đang nỗ lực vì mục tiêu tự cung tự cấp ngũ cốc, vừa để ngăn chặn lạm phát, vừa chuẩn bị cho Olympic ở Bắc Kinh 2008, nên nhu cầu sử dụng phân bón là rất lớn. Chính phủ nước này dự báo nguồn cung phân bón sẽ khan hiếm tới tận 2009.
               TQ là nước tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới, sử dụng các loại từ nitơ đến  phosphate và potash, còn Ấn Độ xếp thứ 2 và Bắc Mỹ xếp thứ 3, thứ 4 thuộc về Braxin. Những nước này chiếm tổng cộng trên một nửa tiêu thụ phân hoá học toàn cầu.
               Có hai lý do tiềm tàng hỗ trợ giá phân hoá học tăng từ nhiều tháng nay, đó là giá dầu mỏ tăng và nhu cầu mạnh trong bối cảnh lạm phát giá lương thực tăng vọt buộc các chính phủ phải nỗ lực tăng sản lượng cây trồng để giảm thiểu nhập khẩu.
               Những nước cung cấp phân bón hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Trung Đông, Nga, Trinidad và Venezuela - tất cả đều là trọng điểm sản xuất khí thiên nhiên – nguyên liệu bắt buộc trong sản xuất urê. Giá dầu và khí tăng không những đẩy chi phí sản xuất phân hoá học tăng vọt, mà còn đẩy tăng cả chi phí vận chuyển, và làm tăng nhu cầu nhiên liệu sinh học. Điều đó lại tuần hoàn đẩy tăng nhu cầu phân bón dùng cho những loại cây trồng là nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học, đồng thời làm giảm sút lượng dự trữ ngũ cốc không chỉ ở Mỹ mà toàn thế giới. Trong khi đó, nhu cầu ngũ cốc thế giới liên tục tăng lên, xuất phát từ nhu cầu thịt ở TQ, Ấn Độ và nhiều nước khác tăng lên theo đà tăng thu nhập, khiến lượng tiêu thụ ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi cũng tăng theo.
               Trong khi nhu cầu phân hoá học tăng lên, công suất sản xuất lại giảm mạnh trên phạm vi toàn cầu. Đồng Đôla Mỹ giảm giá làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt hơn với các công ty Mỹ, mà phân bón không phải là ngoại lệ. Mỹ vốn là một nước cung cấp phân  bón lớn, song do giá khí thiên nhiên tại Mỹ tăng lên quá cao, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, và Mỹ nay trở thành nước nhập ròng phân urê. Hiện Mỹ nhập khẩu trên 50% nhu cầu phân nitơ, khiến họ phải phụ thuộc nhiều vào những hoá chất cần thiết cho các loại cây trồng chính như ngô và lúa mì.

Nguồn: Vinanet