Số liệu mới nhất được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm thứ Ba cho thấy, GDP của nước này trong quý 3/2008 đã tăng trưởng âm 0,5%, mức giảm mạnh nhất trong 7 năm qua. Số liệu ước tính được đưa ra một tháng trước đó chỉ ra GDP của Mỹ chỉ tăng trưởng âm 0,3% trong quý 3. Đây là một cú sốc lớn nếu so sánh với mức tăng trưởng 2,8% trong quý 2/2008.
Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ Mỹ đã đưa ra gói kích thích tăng trưởng kinh tế trị giá 168 tỷ USD để giúp người dân tăng chi tiêu. Tuy nhiên, do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, thất nghiệp tăng cao, giá cả hàng hóa lại tăng vọt - giá dầu có lúc đã tăng lên trên 147 USD/thùng, nên người dân đã chi tiêu ít hơn.
Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu chỉ tăng 3,4%, thấp hơn so với mức tăng 5,9% của quý 2/2008 nên đẩy mức thâm hụt thương mại lên cao. Những nguyên nhân cơ bản đó đã khiến kinh tế Mỹ giảm mạnh trong quý 3/2008.
Cũng trong ngày 25/11, Tổ chức nghiên cứu Conference Board của Mỹ cho biết, chỉ số niềm tin người tiêu dùng ở nước này đã tăng từ 38,8 điểm trong tháng 10 lên 44,9 điểm trong tháng 11. Các nhà kinh tế trước đó đã dự báo chỉ số này sẽ tăng lên 37,9 điểm.
Như vậy, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Mỹ trong tháng 11 đã cho thấy dấu hiệu tích cực sau khi chỉ số này trong tháng 10 đã xuống mức thấp nhất trong 41 năm qua, do bị tác tác động bởi cuộc khủng hoảng tài chính và tình trạng thất nghiệp tăng cao.
Tiếp tục lên điểm sau khi FED công bố kế hoạch 800 tỷ USD
Ngày 25/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa công bố một kế hoạch trên quy mô lớn trị giá 800 tỷ USD nhằm giải cứu thị trường tài chính.
Theo đó, FED sẽ tung ra chương trình giải cứu khối tài chính trị giá 600 tỷ USD bằng việc mua lại các loại chứng khoán nợ liên quan đến các khoản cho vay thế chấp bất động sản. Bên cạnh đó, một gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ USD sẽ được sử dụng để bơm vốn cho các nhà đầu tư đang nắm các chứng khoán được đảm bảo bởi các khoản vay tiêu dùng như mua ôtô, cho sinh viên vay, các khoản vay qua thẻ tín dụng.
Cụ thể, FED cho biết sẽ mua lại các chứng khoán được đảm bảo bởi danh mục cho vay thế chấp bất động sản (MBS) trị giá 500 tỷ USD của ba hãng cho vay thế chấp địa ốc hàng đầu ở Mỹ - Fannie Mae, Freddie Mac và Ginnie Mae.
Đồng thời, FED sẽ mua các chứng khoán nợ trị giá 100 tỷ USD được phát hành bởi tập đoàn Fannie Mae, Freddie Mac và Federal Home Loan Banks.
Lý giải về mục đích đưa ra kế hoạch lớn này, FED cho biết: “Hành động này được đưa ra để giảm chi phí và làm tăng tính hiệu lực của thị trường tín dụng địa ốc, điều này sẽ hỗ trợ cho thị trường địa ốc và thúc đẩy sự thay đổi của thị trường tài chính”.
Ngoài ra, Bộ Tài chính và FED tại bang New York sẽ cho vay 200 tỷ USD trong thời hạn 1 năm áp dụng đối với người vay có chứng khoán được đảm bảo bởi tài sản (ABS) - được xếp hạng AAA (các khoản cho vay sẽ tương ứng với giá trị thị trường của ABS).
Chỉ số Dow Jones và S&P 500 tiếp tục tăng điểm hôm thứ Ba trong khi chỉ số Nasdaq giảm nhẹ do ảnh hưởng từ thông tin tạm ngừng sản xuất để cắt giảm chi phí ở một số chi nhánh của Tập đoàn Cisco Systems.
Trong ngày giao dịch, thị trường luôn trong cảnh giằng co giữa bên cung và bên cầu. Sắc xanh và sắc đỏ liên tục thay đổi trên bảng điện tử. Kế hoạch chi 800 tỷ USD của FED được công bố và chỉ số niềm tin người tiêu dùng đã phục hồi là thông tin hỗ trợ vững chắc.
Trong khi điểm kháng cự lớn trong ngày giao dịch chính là thông tin GDP của Mỹ giảm mạnh và hoạt động bán cổ phiếu để hiện thực hóa các danh mục đầu tư sau khi thị trường đã tăng trên 10% sau hai ngày trước đó.
Các cổ phiếu khối tài chính đã tăng mạnh nhờ kế hoạch mà FED vừa đưa ra, chỉ số S&P Tài chính đã tăng 2,5%,  trong đó cổ phiếu của JPMorgan tăng 8%, Goldman Sachs lên 6,47%, cổ phiếu Citigroup tiến thêm 2,18%,...
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục tăng 36,08 điểm, tương đương 0,43%, đóng cửa ở mức 8.479,47.
Chỉ số Nasdaq phiên này hạ 7,29 điểm, tương đương 0,5%, chốt ở mức 1.464,73.
Cuối cùng, chỉ số S&P 500 tiến thêm 5,58 điểm, tương đương 0,66%, đóng cửa ở mức 857,39.
Khối lượng giao dịch trên sàn New York đạt 1,88 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 2 cổ phiếu lên điểm thì có 1 cổ phiếu giảm điểm. Khối lượng khớp lệnh thành công trên sàn Nasdaq đạt 2,5 tỷ cổ phiếu, thị trường cứ có 5 mã tăng điểm thì có 4 mã giảm điểm.

Nguồn: Internet