Đồng USD vẫn chịu sức ép so với đồng euro, nhưng lại vững lên so với đồng yên do các số liệu kinh tế Nhật yếu kém làm dấy lên nỗi quan ngại về tình hình kinh tế nước này.
Trong phiên chiều ngày 28/3 Luân Đôn, đồng euro được giao dịch ở mức 1,5755 USD so với 1,5778 USD cuối phiên trước và đồng USD đứng ở mức 99,56 yên so với 99,59 yên.
Đồng euro lên giá so với đồng yên sau khi ông Axel Weber, nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nhắc lại rằng ECB sẽ tập trung vào những rủi ro lạm phát và bởi vậy có thể vẫn duy trì lãi suất ở mức cao. Trong khi đó hàng loạt số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ được công bố gần đây càng củng cố thêm cho dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chỉ có thể cắt giảm lãi suất hơn nữa khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, gây bất lợi cho đồng USD.
So với đồng yên, đồng USD có chiều hướng vững lên do tỷ lệ thất nghiệp ở Nhật đã tăng lần đầu tiên trong 5 tháng trở lại đây và lạm phát cơ bản tăng ở mức nhanh nhất trong vòng 1 thập niên qua. Các công ty Nhật đã phải thuê ít nhân viên hơn do chi phí tăng và xuất khẩu sang nền kinh tế Mỹ sụt giảm.
 Cuối tuần qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bán đấu giá các khoản cho vay ngắn hạn trị giá 50 tỷ USD cho các ngân hàng trong nước đang eo hẹp tiền mặt với lãi suất 2,615%.
Động thái này nhằm giúp các ngân hàng này vượt qua cuộc khủng hoảng tín dụng kéo dài hiện nay. Mức lãi suất 2,615% là mức thấp nhất trong bất kỳ đợt đấu giá nào kể từ tháng 12 năm ngoái.
Đã có 88 ngân hàng tham gia đấu giá để giành khoản vay 50 tỷ USD, có thời hạn 28 ngày. Do nhu cầu cao, FED đã nhận số tiền bỏ thầu lên tới 88,9 tỷ USD.
Như vậy, kể từ tháng 12/2007 đến nay, FED đã bơm tổng cộng 260 tỷ USD tiền mặt vào hệ thống ngân hàng Mỹ.
Đây là đợt bán đấu giá tín dụng thứ tám của FED nhằm bơm thêm tiền mặt vào hệ thống ngân hàng trong nước kể từ giữa tháng 12/2007, khi FED bắt đầu chương trình bán đấu giá tín dụng ngắn hạn để cấp các quỹ ngắn hạn cho những ngân hàng thiếu thanh khoản.
Đợt bán đấu giá này là một phần trong nỗ lực của FED xoa dịu cơn khủng hoảng tín dụng đang lan rộng, đã gây lo ngại cho các thị trường tài chính và có nguy cơ đẩy kinh tế Mỹ vào một cuộc khủng hoảng sâu.

Nguồn: Vinanet