Giới đầu tư cho rằng có quá nhiều lý do để mua vàng vào, chứ hầu như chẳng có nhân tố nào khuyến khích bán ra kim loại quý này cả. Vì vậy họ đang chuyển hướng sang đầu tư mạnh vào vàng, nguồn dự trữ giá trị có truyền thống an toàn nhất, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự suy thoái kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, việc đồng USD liên tục mất giá cũng hậu thuẫn giá vàng tăng. Năm 2007 các quỹ đầu cơ vàng đã mua vào với số lượng cao nhất từ trước đến nay, tăng 39%, đạt mức 630 tấn.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thực hiện chính sách cắt giảm lãi suất nhằm ngăn chặn lạm phát. Điều này tác động làm giảm giá USD xuống mức thấp kỷ lục so với nhiều loại tiền tệ, khiến cho các loại hàng hoá tính bằng đồng USD như vàng và dầu mỏ, trở nên rẻ hơn đối với các khách hàng sử dụng các ngoại tệ mạnh khác nên có tác dụng khuyến khích nhu cầu. Ngoài ra, việc ngân hàng trung ương các nước tính toán, cơ cấu lại dự trữ, âm thầm mua vàng vào và bán đôla Mỹ ra đã tạo ra nhu cầu lớn, đẩy giá vàng tăng lên, còn đôla Mỹ thì càng mất giá. Nhiều nhà phân tích cho rằng cái đích sắp tới của giá vàng sẽ là 1000 USD/ounce.
Tuy nhiên, không phải mọi ý kiến đều hướng tới giá vàng tăng. Nhà phân tích Robin Bhar tại UBS lại dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh theo hướng khác. Ông Bhar nói: “Chúng tôi lo ngại nhiều hơn về triển vọng giảm giá mạnh toàn bộ các kim loại quý nhứ không phải xu hướng tăng giá trong giai đoạn ngắn hạn”. Thực tế là giá vàng tăng quá cao đã làm giảm nhu cầu ở Ấn Độ, và Hiệp hội vàng bạc Ấn Độ cho biết, nhập khẩu vàng của nước này trong tài khoá 2007 ước tính giảm 20% do giá kim loại quý này tăng mạnh. Trong năm 206, Ấn Độ đã nhập khẩu khoảng 715 tấn vàng và là nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.
Trước đây, những dấu mốc giá vàng biến động mạnh là vào những năm 1970 - thập kỷ đánh dấu sự suy thoái với hai cú sốc dầu mỏ năm 1973 và 1979, lạm phát phi mã và những lo ngại về triển vọng nền kinh tế Mỹ. Trong những năm gần đây, vàng được hỗ trợ nhờ nhu cầu gia tăng trên khắp các thị trường hàng hoá trước sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ.
Cú huých thực sự xảy ra vào cuối năm 2007 trước triển vọng tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tình trạng thắt chặt tín dụng trước sự sụp đổ của thị trường cho vay nhà đất dưới tiêu chuẩn của Mỹ và lạm phát gia tăng làm dấy lên khả năng lạm phát đình đốn: (tình trạng lạm phát tiền tệ mà không có tăng nhu cầu và công ăn việc làm một cách tương ứng trong kinh doanh) từng là mối lo ngại lớn nhất trong thập kỷ 1970. Và ngay khi vừa sang năm 2008, giá vàng – kim loại quý còn được sử dụng cả trong ngành điện tử và nha khoa – đã phá vỡ ngưỡng kỷ lục trong 28 năm qua là 850 USD/ounce, bởi bất ổn chính trị ở Pakistan sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto đã thúc đẩy mối quan tâm mới đối với vàng.
Hãng phân tích Goldman Sach dự báo giá vàng trung bình năm 2008 sẽ tăng lên 915 USD/ounce so với trung bình 800 USD/ounce trong năm 2007.

Nguồn: Vinanet