Tháng 3, trong khi thị trường thế giới còn chưa hết sửng sốt bởi tốc độ tăng giá quá nhanh của giá vàng thì lại choáng váng bởi tốc độ giảm giá cũng nhanh không kém của kim loại quý này. Tuy nhiên, vàng đang quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trước những yếu tố cung - cầu dài hạn có lợi cho giá.

Ngay từ đầu năm, vàng ở mức giá 800 USD/ounce - một mức giá vốn cao ngoài dự kiến với nhiều người chỉ một năm trước đây. Trong tháng 1/08, giá vàng đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 01/1980 với 850 USD/ounce. Thời điểm này, các chuyên gia phân tích nhận định rằng nhu cầu vàng liên tục tăng mở ra cơ hội cho kim loại này sớm tới đích 1.000 USD/ounce ngay trong quý đầu của năm. Bước vào tháng 3, khi giá dầu thô thế giới đã leo lên mức 103 USD/thùng trong khi đồng USD lại ngày càng tuột dốc và thị trường chứng khoán sa sút, khiến sức ép lạm phát gia tăng thì người ta hoàn toàn tin tưởng rằng mốc lịch sử 1.000 USD/ounce sẽ sớm đạt được.

Đồng USD trong những ngày đầu tháng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại so với đồng yên với mức giao dịch 1 USD = 102,90 yên và xuống mức thấp kỷ lục so với đồng euro với 1 euro = 1,5239 USD do những thua lỗ ngày càng nặng của thị trường tín dụng Mỹ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải cắt giảm lãi suất. Ngay sau đó, đồng USD liên tục giảm giá và đỉnh điểm của nó là vào ngày 13/3 khi lần đầu tiên kể từ năm 1995 đồng USD giảm xuống mức 1 USD đổi dưới 100 yên Nhật và giảm kỷ lục so với euro khi 1 euro đổi 1,56 USD còn so với Nhân dân tệ thì lần đầu tiên trong lịch sử đồng USD lại ở mức thấp như vậy khi 1 USD = 7,1 CNY. Đồng USD tiếp tục suy giảm trong những ngày tiếp theo, tính đến 20/3, so với đồng nhân dân tệ nó đã giảm tới 1,05% và so với cùng kỳ năm trước thì giảm tới 8,6%. Tính đến 28/3, đồng USD vẫn ở mức dưới 100 yên, và 7,0 nhân dân tệ.

Ngay khi đồng USD đạt mức thấp kỷ lục thì vàng cũng làm cho người ta không thể quên được ngày 13/3, khi lần đầu tiên trong lịch sử, kim loại quý này chạm mốc 1.000 USD/ounce và sau đó liên tục lập những kỷ lục mới để đạt đỉnh cao kinh ngạc 1.033,90 USD/ounce vào ngày 17/3 trước sự hậu thuẫn của giá hầu hết các loại hàng hoá đều tăng trong bối cảnh lo ngại kinh tế Mỹ suy yếu. Tính từ đầu năm tới thời điểm đó, vàng đã tăng giá tăng 29,25%.

Tăng nhanh bao nhiêu thì giá vàng giảm cũng nhanh bấy nhiêu. Bắt đầu từ ngày 18/3, vàng giảm giá và giảm mạnh nhất là trong ngày 19/3 khi chỉ trong vòng 1 ngày mà giá vàng giảm tới 6% và là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2006 sau động thái cắt giảm lãi suất thêm 75 điểm phần trăm xuống còn 2,25% của Fed trong chiều ngày 18/3. Giá liên tục giảm và tính đến ngày 20/3, chỉ trong 1 tuần mà giá vàng đã giảm tới 129 USD hay 12,5% mỗi ounce và là mức giảm trong tuần cao nhất kể từ năm 1990. Đến sáng 24/3, giá vàng chỉ còn khoảng 915-920 USD/ounce sau khi Fed quyết định giảm lãi suất nhiều hơn mức dự đoán đẩy đồng USD tăng giá mạnh trở lại và giá các hàng hoá khác, nhất là dầu mỏ liên tục giảm. Tuy nhiên, sau Lễ Phục sinh và tiếp tục đến hết tháng, giá vàng thế giới đã lấy lại đà tăng, tính đến sáng 28/3, giá đã tăng lên mức 951,50 USD/ounce.

Trước đây, những dấu mốc giá vàng biến động mạnh là vào những năm 1970 - thập kỷ đánh dấu sự suy thoái với hai cú sốc dầu mỏ năm 1973 và 1979, lạm phát phi mã và những lo ngại về triển vọng nền kinh tế Mỹ. Trong những năm gần đây, vàng được hỗ trợ nhờ nhu cầu gia tăng trên khắp các thị trường hàng hoá trước sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế Trung Quốc và Ấn Độ. Cú huých thực sự xảy ra vào cuối năm 2007 trước triển vọng tăng trưởng toàn cầu chậm lại, tình trạng thắt chặt tín dụng trước sự sụp đổ của thị trường cho vay nhà đất dưới tiêu chuẩn của Mỹ và lạm phát gia tăng làm dấy lên khả năng lạm phát đình đốn, là tình trạng lạm phát tiền tệ mà không có tăng nhu cầu và công ăn việc làm một cách tương ứng trong kinh doanh - từng là mối lo ngại lớn nhất trong thập kỷ 1970.

Các chuyên gia kinh tế đều cho rằng vàng sẽ tiếp tục tăng giá bởi kinh tế thế giới tiềm ẩn quá nhiều rủi ro và vàng đã được các nhà đầu tư lựa chọn làm nơi trú ẩn an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay. Có thể kể tới 3 nguyên nhân chính đẩy giá vàng tăng lên là: Thứ nhất, lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia trên thế giới, với “trợ thủ đắc lực” là giá dầu cao ngất ngưởng, thúc đẩy giới đầu tư mua vàng vào để lưu trữ giá trị; Thứ hai, đồng USD vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất giá do tác động từ tình hình xấu của kinh tế Mỹ; và thứ ba, sản lượng vàng của thế giới đang trên đà giảm sút, nhất là tại Nam Phi - nước sản xuất vàng lớn thứ ba thế giới, do tác động của tình trạng thiếu điện. Sản lượng vàng của Nam Phi - nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới – đã giảm 7,4% trong năm 2007 sau khi sụt giảm trung bình 6,3%/năm trong thập niên trước, và khả năng sẽ còn tiếp tục giảm hơn nữa.

Xu hướng giá vàng tăng hiện nay chủ yếu do hoạt động mua đầu tư. Giới đầu tư cũng cho rằng có quá nhiều lý do để mua vàng vào, chứ rất ít nhân tố  khuyến khích bán ra kim loại quý này. Vì vậy họ đang chuyển hướng sang đầu tư mạnh vào vàng, nguồn dự trữ giá trị có truyền thống an toàn nhất, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về sự suy thoái kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, vàng còn được hậu thuẫn bởi các ngân hàng trung ương tăng cường đa dạng hoá nguồn dự trữ tài chính. Có vẻ như ngân hàng trung ương nhiều nước đang tính toán, cơ cấu lại dự trữ, âm thầm mua vàng vào và bán USD ra đã tạo ra nhu cầu lớn, đẩy giá vàng tăng lên, còn USD thì càng mất giá.

Theo xu hướng giá vàng thế giới, giá vàng trên thị trường Việt Nam cũng biến động mạnh, từ mức khoảng 1.640.000 VNđồng/chỉ hồi đầu năm tăng lên khoảng 1.970.000-1.980.000 VND vào ngày 17/3 và hiện ở mức 1.840.000 – 1.875.000 VND/chỉ. Thị trường vàng và nhiều hàng hoá khác biến động mạnh, đặc biệt là tăng quá nhanh mấy tháng đầu năm, đã gây ra nhiều tác động tới toàn bộ nền kinh tế. Trong quý đầu năm nay, lạm phát của Việt Nam đã leo lên mức 16,37%, cao hơn nhiều so với mức dự kiến 10% hồi đầu tháng và gần chạm mục tiêu 22-25% của cả năm nay. Vàng tăng giá ảnh hưởng tới những người vay vàng đến kỳ phải trả nợ bởi chỉ nguyên giá vàng tăng, chưa kể lãi, thì giá vàng hiện đã tăng khoảng 18% so với tháng 12.2007, tăng 48% so với tháng 12.2006 và tăng 87,9% so với tháng 12.2005. Tốc độ tăng đó cao hơn rất nhiều so với giá tiêu dùng, giá USD, lãi suất tiết kiệm trong thời gian tương ứng. Hiếm có mặt hàng nào, kênh đầu tư nào lại tăng liên tục, tăng với tốc độ cao, tăng trong thời gian dài như vậy. Ngoài ra, vàng tăng giá còn góp phần làm cho giá bất động sản chững lại và làm cho chỉ số chứng khoán sụt giảm trầm trọng.

 Dự báo: Giá vàng thế giới  sẽ tăng trở lại vào đầu tháng 4 và sẽ sớm quay về ngưỡng 1.000 USD/ounce. Có nhà kinh tế cho rằng, thị trường vàng thế giới sẽ còn gây nhiều bất ngờ, trong dài hạn, giá vàng sẽ đạt 2000 USD/ounce, song cũng không ít người cho rằng giá sẽ chỉ duy trì ở mức dưới 1.000 USD/ounce.

           

Nguồn: Vinanet