số 36 quốc gia đang đối mặt với khủng hoảng lương thực, có 21 nước ở châu Phi. Lesotho và Swaziland bị ảnh hưởng của hạn hán, Sierra Leone không thể tiếp cận với thị trường lương thực do thu nhập thấp và giá cả cao, còn Ghana, Kenya và Chad thì vẫn nằm trong nhóm nước ’’luôn có bấp bênh về lương thực’’.
Năm ngoái ở Ấn Độ, hơn 25.000 nông dân đã chấm dứt cuộc sống do lâm vào cảnh tuyệt vọng vì thiếu lương thực và nợ nần. "Bóng ma của việc nhập khẩu lúa gạo đang hiện diện tại Ấn Độ khi tăng trưởng nông nghiệp ở mức thấp nhất mọi thời đại’’, tạp chí Ấn Độ ngày nay cảnh báo như vậy.
WB dự báo nhu cầu lương thực thế giới sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030, một phần là do dân số thế giới có thể đạt khoảng 3 tỉ người năm 2050, nhưng ở đây còn rất nhiều nguyên nhân khác. Nhiệt độ toàn cầu gia tăng do ô nhiễm bắt đầu ảnh hưởng tới sản xuất lương thực ở rất nhiều nước. Theo LHQ, một diện tích gieo trồng phì nhiêu lớn của Ukraine bị mất dần hàng năm do hạn hán, phá rừng và bất ổn khí hậu.
Năm ngoái, Australia đã trải qua mùa hạn hán khắc nghiệt nhất trong hơn thế kỷ, vụ lúa mỳ giảm 60%. Thu hoạch lúa gạo của Trung Quốc cũng giảm xuống 10% trong bảy năm qua. Uỷ ban Liên chính phủ về thay đổi khí hậu của LHQ dự báo, trong 100 năm tới, nước biển dâng cao một mét sẽ gây lụt lội khoảng 1/3 diện tích đất trồng thế giới.
Một phân tích gần đây của lãnh đạo đảng Bảo thủ Anh, David Cameron, chỉ ra rằng, nhu cầu nhiên liệu sinh học xanh và nhu cầu dùng thịt gia tăng của thế giới là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lượng tiêu dùng thịt của người Trung Quốc tăng trung bình 20kg năm 1985 lên 50kg hiện nay. Con số này ở mọi quốc gia đang phát triển đã tăng gấp đôi kể từ 1980.
Dự trữ lúa gạo thế giới ở mức thấp nhất trong 30 năm, Cameron cảnh báo. "Một số nhà phân tích đã thực sự lo lắng, và cho rằng, các chính khách nên bắt đầu đặt vấn đề an ninh lương thực ngang bằng với an ninh năng lượng thậm chí là an ninh quốc gia".
Một nguyên nhân cơ bản khác là giá dầu tăng, dẫn tới sự gia tăng chi phí vận tải, và khiến giá phân bón đắt đỏ hơn nhiều. Theo WB, giá phân bón đã tăng 150% trong năm năm qua. Nó tác động lớn tới giá lương thực, khi chi phí phân bón chiếm hơn 1/4 tổng chi phí sản xuất lương thực tại Mỹ.
Chủ tịch WB Robert Zoellick cho hay, kiềm chế đói nghèo đã bị ’’coi nhẹ’’ trong mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của LHQ. ’’Nhưng giá lương thực tăng cùng với nguy cơ của nó - không chỉ với người dân mà còn với sự ổn định chính trị - đã thực sự làm vấn đề trở nên khẩn cấp’’.
Nông dân Scotland cảnh báo rằng, an ninh lương thực đã trở thành vấn đề lần đầu tiên kể từ Thế chiến 2. ’’Đó là một cơn bão hoàn hảo và ảnh hưởng đã thể hiện rõ ràng ngay từ lúc này’’, James Withers, quyền giám đốc điều hành Nghiệp đoàn Nông dân Scotland nhấn mạnh. "Cùng lúc khi nhu cầu lương thực tăng, thì diện tích đất trồng lại giảm xuống’’, ông nói. "Và diện tích nông nghiệp đã bị thay thế bởi những thành phố thị trấn trong 10 năm qua’’.
John Scott, nghị sĩ đảng Bảo thủ Scotland ví von: ’’Với những hồ rượu, núi bơ, chúng ta đã thực sự có 20 năm tốt đẹp. Nhưng viễn cảnh của cuộc khủng hoảng lương thực đang hiện diện ở Malthusian’’.
’’Cần tỉnh giấc. Lựa chọn hợp lý của chúng ta bây giờ là có thể tự cung cấp lương thực cho chúng ta trong tương lai, nếu đi đúng hướng, chúng ta có thể có một nền kinh tế lương thực thịnh vượng’’, Richard Lochhead, Bộ trưởng Môi trường Scotland trong một cuộc thảo luận đầu tiên về phát triển chính sách lương thực đất nước, nói như vậy. ’’Đó là lý do tại sao, chính phủ Scotland sẽ không bao giờ cho phép đưa vấn đề an ninh lương thực ra khỏi chương trình nghị sự quốc gia. Chúng ta công nhận vai trò sống còn của các nhà sản xuất nhằm đảm bảo khả năng cung cấp lương thực dài hạn cho mọi người’’.
’’Lương thực’’ cho xe cộ hay cho người dân?
Xu thế phát triển nhiên liệu xanh cho xe hơi, xe tải, máy bay đang làm tồi tệ hơn tình hình khan hiếm lương thực của thế giới và đe dọa sinh kế hàng tỉ người. Nhiên liệu sinh học, rất được chính phủ Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu khác ủng hộ - đã được sản xuất và tiêu thụ như một giải pháp cho tình trạng ấm nóng toàn cầu. Làm nhiên liệu từ mùa màng sẽ là cách cắt giảm ô nhiễm khí hậu mà người dân vẫn tiếp tục được sử dụng xe cộ.
Tuy nhiên, giờ đây, các chuyên gia cảnh báo điều này có thể là đầu mối cho mọi sai lầm. Một diện tích lớn đất trồng được sử dụng để làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học đã dẫn tới tình trạng giảm sản lượng lương thực trong khi thế giới lại có nhu cầu gia tăng.
Năm ngoái, 1/4 sản lượng ngô của Mỹ được dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học. Mỹ là nước cung cấp hơn 60% lượng ngô xuất khẩu của thế giới. Theo WB, đây chính là áp lực dẫn tới khả năng cung cấp lương thực bấp bênh của các quốc gia.
Có những kế hoạch của hơn 20 quốc gia nhằm tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học trong thập niên tới. Mỹ tính tới việc tăng gấp ba sản lượng ethanol, EU hướng đến mục tiêu nhiên liệu sinh học chiếm 10% tổng nhiên liệu của các phương tiện giao thông vào năm 2020.
Robin Maynard, thuộc Nghiệp đoàn đậu tương Anh nhấn mạnh: ’’Gần đây, 1/4 sản lượng thu hoạch ngũ cốc của Mỹ dành cho xe hơi, đó là điều điên rồ. Nếu chúng ta tiếp tục sản xuất lương thực cho xe cộ thay vì cho con người, chúng ta sẽ lâm vào tình trạng bất ổn’’.
Cơ hội trong cuộc khủng hoảng
Jacques Diouf - Tổng Giám đốc Chương trình Nông Lương LHQ (FAO), cho hay, thế giới sẽ không chỉ phải hành động trực tiếp để đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực hiện tại, mà còn cần tận dụng những lợi thế giá cả để hỗ trợ nông dân tại các quốc gia đang phát triển.
“Đây là lúc để tái cơ cấu và đầu tư vào nông nghiệp, cộng đồng quốc tế không nên bỏ qua cơ hội này", ông Diouf kêu gọi. Đó là hai con đường: các chính sách trợ giúp sinh kế cho hàng triệu người và biện pháp hỗ trợ nông dân nghèo tận dụng lợi thế giá tăng.
“Chúng ta phải sản xuất nhiều lương thực hơn để kiềm chế tác động giá cả, đặc biệt đối với người nghèo, đồng thời thúc đẩy sản lượng và mở rộng sản xuất nhằm tạo thu nhập và cơ hội việc làm nhiều hơn cho khu vực nông thôn’’, phụ trách FAO nhấn mạnh.
Những nông dân nghèo phải có đất trồng, tiếp cận nguồn thủy lợi, những sản phẩm đầu vào quan trọng như giống, phân bón. Việc này sẽ giúp họ gia tăng nguồn cung khi giá cả tăng cao, cải thiện thu nhập và cuộc sống hàng ngày.
Theo FAO, các quốc gia cần gia tăng chi tiêu vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ trước tới nay, nông dân ở thế giới đang phát triển thường phải vật lộn với giá đầu ra của sản phẩm thấp, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, tiếp cận hạn chế với nguồn vốn vay và công nghệ.
Khi rất nhiều nước châu Á phải đối mặt với giá lương thực leo thang trong thập niên 70, họ đã quyết tâm thúc đẩy nghiên cứu và đầu tư vào nông nghiệp, kết quả là dẫn tới sự thịnh vượng ở khu vực nông thôn, đưa hàng triệu người thoát nghèo. “Một phản ứng tương tự là điều tối cần thiết ngày nay, đặc biệt tới khu vực tiểu Saharan châu Phi’’, ông Diouf cho biết.

Nguồn: Internet