Tình trạng khô hạn đã khiến sản lượng gạo của Campuchia và Thái Lan bị giảm tới 40%. Tại Thái Lan, chính phủ lo ngại sẽ không nước để tưới.

Ông Supavud Saicheua, giám đốc điều hành và cũng là giám đốc khảo cứu tại công ty Phatra Securities cho biết: “Chính phủ đã yêu cầu nông dân hoãn trồng vụ mùa chính. Và như vậy có nghĩa là việc sản xuất và thu hoạch lúa sẽ tập trung vào tháng 11. Mặc dù các dự báo vẫn cho rằng nguồn cung lúa gạo trên thế giới dồi dào và giá gạo sẽ còn xuống thấp hơn nữa, nhưng thực tế là nông dân Thái Lan sẽ bị thiệt hại vừa về giá cả vừa về sản lượng.”

Mặc dầu nền kinh tế Thái Lan nói chung đã hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và những biến động chính trị mới đây, ngành nông nghiệp vẫn còn gặp khó khăn.

Giá gạo tại Thái Lan hồi tháng 5 đã sụt giảm tới mức thấp nhất trong vòng hai năm nay sau khi nhu cầu xuất khẩu sụt giảm. Hồi tháng 5, nhà chức trách Thái Lan đã điều chỉnh bằng một khoản trợ cấp để bảo đảm giá gạo cho nông dân. Tuy nhiên, ông Chanchai Rakthananon, Chủ tịch Hiệp Hội Nhà Máy Xay xát nói: “Sự giúp đỡ này không đủ. Giá gạo hiện nay chỉ đủ để đáp ứng chi phí của nông dân, bởi vì khô hạn nên sản lượng lúa trong vụ mùa này rất thấp. Vì vậy nguồn thu nhập của nông dân bị ảnh hưởng. Nông dân không được lời chút nào cả. Nông dân trồng thêm ngô và mía để giảm bớt thua lỗ vì thu hoạch lúa kém.”

Các nhà phân tích thị trường nông sản nói rằng, giá gạo sẽ tăng khi các thị trường nhận thấy ảnh hưởng của hạn hán.

Ông Chanchai nói rằng sẽ phải mất một hoặc hai năm mới có thể sử dụng lại đất đai để trồng lúa một khi giá gạo phục hồi nhưng kho dự trữ của chính phủ có thể bù vào sự thiếu hụt của sản lượng gạo.

Tuy nhiên lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan, chiếm khoảng 1/3 tổng số gạo xuất khẩu trên thế giới, sẽ sụt giảm tới một triệu tấn trong năm nay, điều đó có thể ảnh hưởng tới những nước nhập khẩu gạo.

Ông Rex Estoperez, phát ngôn viên Cơ Quan Lương Thực Quốc Gia của Philippinnes, nước nhập khẩu gạo nhiều nhất Châu Á nhận định: “Chắc chắn rằng tình trạng này sẽ ảnh hưởng tới nguồn tiếp liệu của Philippinnes. Nhưng Thái Lan chỉ là một trong những nước cung cấp gạo cho Philippinnes. Năm ngoái, chúng tôi đã nhận gạo nhập khẩu vào tháng 12, và nước cung cấp chính lúc đó là Việt Nam. Philippinnes mua gạo từ 6 quốc gia và nếu không gặp thiên tai lớn thì sẽ không có vấn đề trong việc tìm kiếm nguồn cung cấp gạo năm nay.”

Nhập khẩu gạo vào Philippine, nước nhập khẩu lớn nhất thế giới, có thể tăng 24% lên  2,47 triệu tấn trong năm nay sau khi sản lượng giảm do bão vào năm 2009.

Con số nhập khẩu 2,47 triệu tấn cao hơn so với mức 2 triệu tấn mà Cục Nông nghiệp Nước ngoài của Mỹ đánh giá về lượng nhập khẩu vào Philippine năm ngoái.

Bão lớn hồi cuối năm 2009 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng và khiến Philippine phải tăng nhập khẩu trong năm nay.

Philippine nhập khẩu khoảng 1/10 nhu cầu gạo hàng năm, thường mua ở thị trường quốc tế vào quý cuối năm để đáp ứng nhu cầu cho năm sau đó.

Khi được hỏi về việc khi nào Philippine sẽ mua gạo, Philippine cho biết: “Từ nay tới cuối năm, nếu không có thiệt hại lớn thì chúng tôi sẽ không mua thêm gạo”.

Hồi tháng 4, Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippine cho biết họ đã hoàn thành việc nhập khẩu gạo cho năm 2010 và nếu mua tiếp sẽ để đáp ứng nhu cầu cho năm 2011.

Ông Jose Cordero, một quan chức của Cơ quan Hậu cần Quốc gia – cơ quan phụ trách việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia bằng việc thu mua gạo và dự trữ mặt hàng này, cho biết Philippine có kế hoạch đạt tự cung tự cấp gạo vào năm 2013. Năm tới, họ sẽ vẫn cần nhập khẩu gạo, song sẽ thấp hơn so với năm 2010, theo ông Cordero cho biết.

“Chúng tôi thường bắt đầu với một con số nhỏ”, ông nói khi được hỏi về dự báo cho năm 2011. “Tôi đoán rằng sẽ vào khoảng 1 đến 1,5 triệu tấn là con số ban đầu”.

Năm 2004, Philippine đã nhập khẩu dưới 1,5 triệu tấn, khi đó là 1,1 triệu tấn. Lần gần đây nhất họ nhập khẩu dưới 1 triệu tấn là năm 2000. Philippine có kế hoạch cắt giảm lượng nhập khẩu bằng cách tăng sản lượng thông qua việc tăng năng suất và cải thiện dây chuyền cung cấp. “Chúng tôi không thể phụ thuộc mãi vào nhập khẩu gạo”, ông Cordero nói.

Philippne đã vượt qua Indonexia trở thành nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 2008. Indonexia hiện nay đã dừng nhập khẩu gạo. Đó là thông tin từ ông Mohammad Ismet, một tư vấn cấp cao của Bulog – Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonexia.

Việc thiếu nhu cầu từ Philippine đã làm giảm mạnh giá gạo thế giới mấy tháng gần đây, với giá gạo Thái lan giảm khoảng 27% so với tháng 12 năm ngoái, khi Manila tiến hành một loạt các cuộc đấu thầu mua gạo, đẩy giá lên trên mức 600 USD/tấn.

Hồi năm 2008, thời tiết xấu và dự trữ gạo thấp đã khiến giá cả leo thang lên hơn 1.000 USD/tấn. Bấy giờ, những nước xuất khẩu gạo đã hạn chế việc bán gạo ra nước ngoài.

Bà Concepcion Calpe, một kinh tế gia cao cấp thuộc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, nói rằng mặc dầu hạn hán đã làm giảm bớt sản lượng gạo của Campuchia khoảng 10% và của Thái Lan khoảng 6%, vụ mùa lúa tổng gộp của Châu Á năm nay khá hơn năm 2009. Bà nói: “Indonesia, mặc dầu cũng bị ảnh hưởng của hạn hán nhưng sản lượng của họ vẫn tăng. Đối với Ấn Độ thì chúng tôi tiên liệu sẽ phục hồi rất mạnh so với năm ngoái vì nước này bị ảnh hưởng của vụ gió mùa bất thường. Còn Trung Quốc thì chúng tôi thấy sẽ gia tăng sản lượng lúa gạo rất nhiều. Bangladesh cũng vậy. Vì vậy, chúng tôi thấy rằng cho tới nay thì những nước sản xuất chính sẽ có một vụ mùa bội thu trong năm 2010.” Bà thêm rằng, với sản lượng gia tăng và đầy rẫy gạo trong các kho dự trữ của chính phủ, sẽ có ít nguy cơ thiếu hụt lương thực hay giá gạo tăng cao.

Nhưng bà cũng cho biết rằng khô hạn ảnh hưởng tới Campuchia và Thái Lan có thể gây khó khăn hơn cho những nhà sản xuất nhỏ, và các nông dân sản xuất lúa gạo phải trồng nhiều thứ hoa màu khác nhau để khỏi bị lệ thuộc vào một loại sản phẩm duy nhất.

Nếu sản lượng gạo Thái Lan giảm, xuất khẩu gạo từ nước này sẽ càng khó cạnh tranh trên thị trường thế giới bởi chênh lệch giá gia tăng.

Xuất khẩu gạo của Thái Lan sang các nước ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức. Giá cao hơn so với các nước khác cùng với việc cắt giảm thuế quan theo Hiệp định khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA) khiến gạo Thái Lan mất dần sức hấp dẫn đối với các đối tác trong khu vực.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, Somkiat Makcayathorn, cho hay nước này đã mất vị trí dẫn đầu về xuất khẩu gạo trên thị trường ASEAN.

 Theo ông Somkiat, thị phần gạo của Thái Lan trong khu vực hiện là 30%, giảm mạnh từ mức 60% hồi 5 năm trước, do các đối tác chính như Singapore, Malaysia và Philippines đã và đang chuyển sang mua gạo của Việt Nam. Hiện, thị phần gạo của Việt Nam và Campuchia trong khu vực đã tăng lên 60%.

Ông Somkiat cho biết, năm 2009, Việt Nam đã xuất khẩu 2,8 triệu tấn gạo sang khu vực các nước ASEAN, chủ yếu là tới Philippines, Malaysia và Singapore. Trong khi, con số này của Thái Lan là 640.000 tấn trên tổng số 8,5 triệu tấn gạo nước này xuất khẩu ra toàn cầu.

Các nhà phân tích thị trường nông sản cho rằng, xuất khẩu gạo của Thái Lan, chiếm khoảng 1/3 lượng gạo xuất khẩu trên thế giới, dự kiến sẽ giảm một triệu tấn trong năm nay do hạn hán.

Tuy nhiên, ông Chanchai Rakthananon, Chủ tịch Hiệp hội Nhà máy xay xát của Thái Lan, cho rằng sự giúp đỡ này chưa đủ và giá gạo hiện nay chỉ đủ để bù lại chi phí của nông dân.

(Vinanet)