(VINANET) - Dự trữ gạo Philippine tháng 2-2012 giảm xuống 2 triệu tấn

Tổng dự trữ gạo của Philippine đã giảm xuống khoảng 2,02 triệu tấn tính tới 1-2-2013, giảm khoảng 13,2% so với 2,33 triệu tấn một năm trước đó, theo Tổng cục Thống kê Philippine (BAS).

Tổng dự trữ gạo cũng giảm mạnh khoảng 20% từ mức khoảng 2,52 triệu tấn hôm 1-1-2013.

Dự trữ gạo hiện nay ở nước này chỉ đủ dùng ho 59 ngày tương đương khoảng 2 tháng.

Sản lượng lúa Indonesia tăng 5% năm 2012

Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) vừa công bố báo cáo cho biết sản xuất lúa năm 2012 của nước này đã tăng 5% so với năm trước đó, đạt 69,05 triệu tấn, tương đương 46,4 triệu tấn gạo.

Sản lượng này đạt được chủ yếu nhờ các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của chính phủ hướng tới mục tiêu đạt được tự cung tự cấp năm 2014 và dư cung 10 triệu tấn gạo năm 2015.

Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia Suswono nói rằng kết quả nói trên là nhờ đất nước “Vạn Đảo” đã mở rộng thêm được 239.800 ha diện tích trồng lúa, tăng 1,8% so với năm 2011, đưa tổng diện tích đất trồng lúa trong cả nước lên 13,4 triệu ha, và trong cùng kỳ năng suất lúa trung bình cũng tăng 1,56 tạ/ha lên hơn 5,15 tấn/ha.

Khu vực sản xuất lúa của Indonesia tập trung chủ yếu ở Java, khi đảo này chiếm tới 6,2 triệu ha, và sản lượng lúa ở đây cũng đạt mức trung bình cao nhất là 5,9 tấn/ha, tăng 5,8% so với năm 2011, và trong cùng kỳ các khu vực ngoài Java đạt sản lượng trung bình 4,5 tấn/ha, tăng 0,6%.

Theo BPS, Indonesia tiêu thụ khoảng 139kg gạo bình quân đầu người mỗi năm, cao nhất trên thế giới, so với các mức tương ứng 60kg của Nhật Bản, 63kg của Malaysia và 100kg của Trung Quốc.

Cùng với Philippines mấy năm gần đây Indonesia phải nhập khẩu trung bình trên 1 triệu tấn gạo mỗi năm để đảm bảo an ninh lương thực, song hiện cả hai quốc gia Đông Nam Á này đang trên đà giảm mạnh nhập khẩu, Philippines xuống mức hàng trăm nghìn tấn, còn Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cho biết trong năm 2013 nước này có thể sẽ chỉ nhập khoảng 67% trong tổng số 1 triệu tấn gạo hạn ngạch được chính phủ cho phép, và nếu sản xuất nông nghiệp tiếp tục duy trì được đà tăng như năm 2012, Indonesia có thể hoàn thành sớm một năm mục tiêu tự đảm bảo lương thực vào năm 2014.

Philippines sẽ xuất khẩu gạo sạch trong năm 2013

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, Proceso Alcala cho biết chính phủ nước này lên kế hoạch sẽ phối hợp với các nhóm nông dân xuất khẩu ít nhất 100 tấn gạo cẩm, gạo sạch (hữu cơ, không sử dụng hóa chất) và các loại gạo đặc trưng trong năm nay, nhằm chuyển đổi vị thế là nước nhập khẩu gạo ròng.

Theo Dante Delima, trợ lý Bộ trưởng Nông nghiệp kiêm điều phối viên chương trình gạo quốc gia, bước đầu tiên, Philippines sẽ xuất khẩu 10 tấn gạo sang thị trường Macau và Đặc khu hành chính Hong Kong.

Năm 2014 và các năm sau đó, Philippines sẽ xuất khẩu nhiều gạo đặc trưng hơn nữa, có thể lên đến 300.000 tấn vào năm 2016.

Ngoài Macau và Hong Kong, các thị trường nước ngoài như Mỹ và một số quốc gia Trung Đông cũng quan tâm tới việc mua gạo cẩm, gạo sạch từ Philippines.

Ông Delima cho biết Philippines đủ khả năng sản xuất đủ gạo để phục vụ nhu cầu trong nước vào cuối năm nay và trong nhiều năm tới, nhưng chính phủ nước này, thông qua Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA), có thể vẫn quyết định nhập khẩu với khối lượng gạo nhỏ để trữ dự phòng.

Philippines là nước nhập khẩu gạo chính trên thế giới và đến năm 2010, khi ông Aquino lên nắm chính quyền, nước này đã đặt mục tiêu tự cung cấp gạo vào năm 2013.

Ấn Độ sẽ ưu tiên xuất khẩu lúa mì hơn là gạo và khô dầu

Một quan chức của Bộ Nông nghiệp Ấn Độ cho biết, Ấn Độ sẽ ưu tiên xuất khẩu lúa mì hơn là gạo và khô dầu, nếu nước này thông qua đề xuất tăng xuất khẩu gạo.

Đầu tháng 3, nguồn tin chính phủ cho biết Ấn Độ dự kiến sớm cho phép xuất khẩu trên 5 triệu tấn lúa mì.

Thái lan mất thị phần ở những địa chỉ xuất khẩu lớn năm 2012

Xuất khẩu gạo Thái Lan đã giảm xuống khoảng 6,9 triệu tấn năm 2012, giảm khoảng 30% so với khoảng 10,6 triệu tấn xuất khẩu năm trước đó.

Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang sang những thị trường nhập khẩu chỉnh năm qua đều giảm, ngoại trừ một số ít quốc gia như Iraq, Benin, Cameroon và Mozambique. Những thị trường mà nhập khẩu từ Thái Lan giảm mạnh là Nigeria và Indonesia.

Nigeria là nước nhập khẩu gạo Thái lan lớn nhất trong năm qua, và chiếm khoảng 18,3% tổng xuất khẩu của Thái Lan năm ngoái. Nước châu Phi này nhập khẩu khoảng 1,27 triệu tấn gạo từ Thái Lan năm 2012, nhưng con số đó đã giảm khoảng 18% so với mức khoảng 1,55 triệu tấn năm 2011. Nhập khẩu gạo Thái lan vào Indonesia năm 2012 giảm mạnh xuống 342.919 tấn, giảm khoảng 62% so với 914.918 tấn nhập năm trước đó. Xuất khẩu gạo Thái Lan sang Bờ Biển Ngà, Nam Phi, Nhật Bản, Hongkong và Singapore cũng giảm mạnh khoảng 29% đến 37% trong năm 2012.

Năm 2011, Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng một nửa tổng nhu cầu nhập hàng năm khoảng 550.000 tấn từ riêng Thái Lan. Năm 2012 tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc tang gần gấp 4 lên khoảng 2,3 triệu tấn năm 2012, nhưng nhập từ Thái Lan giảm xuống 142.437 tấn năm 2012, giảm gần 47% từ mức khoảng 267.846 tấn năm 2011.

Xuất khẩu gạo Thái lan tăng ở Iraq và một số nước châu Phi. Iraq là khách hàng thứ 2 của Thái Lan năm 2012, chiếm gần 12% tổng xuất khẩu gạo Thái lan năm qua. Iraq nhập khẩu khẩu khoảng 844.991 tấn gạo Thái năm 2012, tăng gần 35% so với khoảng 627.300 tấn năm trước đó. Xuất khẩu gạo Thái lan sang Benin tăng 365.212 tấn năm 2012, tăng khoảng 81% so với 202.040 tấn năm 2011. Xuất khẩu gạo Thái Lan sang Cameroon tăng gần 50% lên 284.410 tấn, trong khi xuất khẩu sang Mozambique tăng khoảng 12% lên 207.031 tấn năm 2012.

(T.H – Reuters, Oryza)