(VINANET) – Trung Quốc cho phép nhập khẩu gạo basmati

Trung Quốc thông báo sẽ cho phép nhập khẩu gạo Basmati của Ấn Độ. Ấn Độ và Pakistan chiếm gần như toàn bộ sản lượng gạo basmati toàn cầu. Ấn Độ đã xuất khẩu một khối lượng nhỏ gạo sang Trung Quốc năm 2006-07, nhưng Trung Quốc vẫn hạn chế nhập khẩu gạo Ấn Độ bởi mức độ thuốc trừ sâu cao. Các quan chức Ấn Độ vẫn lo ngại về những hàng rào thuế quan mà Trung Quốc áp đặt với gạo basmati của họ, và đề nghị được xóa bỏ, khi mà Ấn Độ vẫn xuất khẩu gạo basmti sang một số thị trường khác, trong đó có Anh, Mỹ và một số nước Trung Đông. Tuần qua, một phái đoàn Trung Quốc đã gặp gỡ Bộ trưởng Tiêu dùng, Lương thực và phân phối công cộng Ấn Độ. Trung Quốc muốn giảm sự mất cân đối thương mại giữa 2 nước bằng việc mở cửa cho gạo basmati Ấn Độ - động thái sẽ cho góp phần làm dịu lại giá gạo đang tăng nhanh ở Trung Quốc.

Do hạn hán, giá gạo tại Trung Quốc tăng cao buộc họ phải tìm đến gạo Việt nam và Pakistan.

Sản xuất gạo Ấn Độ sẽ tăng lên 103,4 triệu tấn

Theo những số liệu mới nhất, sản lượng gạo Ấn Độ niên vụ 2011-12 chắc chắn sẽ đạt kỷ lục cao mới 103,41 triệu tấn, tăng khoảng 660.000 tấn so với dự báo hồi tháng 2. Sản lượng lúa mì dự báo cũng sẽ đạt 90,23 triệu tấn.

Sản lượng ngũ cốc Ấn Độ niên vụ 2011-12 cũng được điều chỉnh tăng lên 525,56 triệu tấn, cũng cao hơn so với 250,42 triệu tấn dự báo hồi tháng 2.

Nhập khẩu gạo Iran tăng 37%

Trong bối cảnh chịu những trừng phạt thương mại quốc tế, nhập khẩu gạo vào iran từ 20-3-2011 đến 19-3-2012 đã tăng khoảng 37% vượt 1,5 triệu tấn, trị giá 1,5 tỷ USD, cho thấy nước này phải trả trung bình khoảng 1.000 USD/tấn gạo. Về trị giá, nhập khẩu gạo vào Iran đã tăng gần 160% từ mức 916 USD/tấn năm trước.

Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE) đã xuất khẩu phần lớn gạo sang Iran, trị giá khoảng 539 triệu USD. Ấn Độ xuất khẩu trực tiếp khoảng 393 triệu USD, còn Pakistan xuất khẩu 181 triệu USD.

Xuất khẩu gạo VN 4 tháng đầu năm giảm 28,1%

Xuất khẩu gạo Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 4/2012 ước tính giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,96 triệu tấn, theo Tổng cục Thống kê.

Thu nhập từ xuất khẩu gạo trong 4 tháng đầu năm nay ước tính giảm 27,8% so vowiscungf kỳ năm ngoái, xuống 969 triệu USD.

Philippine bắt đầu trồng thử nghiệm lúa Basmati

Philippine khẳng định đang thử nghiệm trồng lúa basmati để xuất khẩu, bằng việc gieo trồng 3 loại Basmati 370, 385 và CLS-1 trên khắp đất nước.

Tuần trước, Bộ tưởng Nông nghiệp Philippine cho biết Kuwait và Qatar sẵn sàng mua gạo Basmati do Philippine trồng.

Gạo Basmati trên thị trường quốc tế có giá khoảng 1.000 USD/tấn, cao hơn nhiều so với gạo trắng. Các nước Trung Đông và vùng Vịnh có nhu cầu cao đối với loại gạo này, và loại gạo này có thể giúp Philippine trở thành nước xuất khẩu gạo vào năm tới, khi đạt mục tiêu tự cung tự cấp sau nhiều năm nhập khẩu với khối lượng lớn.

Mới đây, Tổng thống Philippine đã tuyên bố nước này có thể bắt đầu xuất khẩu gạo chất lượng cao ngay từ quý I/2013, trong khi vẫn giữ gạo chất lương thấp để tiêu thụ nội địa.

Nếu Philippine thành công trong việc trồng và xuất khẩu gạo basmati, họ sẽ trở thành quốc gia thứ 3 sau Ấn Độ và Pakistan làm điều này. Hiện Ấn Độ chiếm khoảng 60% tổng xuất khẩu gạo basmati toàn cầu, còn Pakistan xuất khẩu 40% còn lại.

Phê duyệt Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa phê duyệt Hiệp định Quỹ dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3 (APTERR) và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện Hiệp định. Phó Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc Việt Nam tham gia vào Kho dự trữ gạo khẩn cấp do Ban Thư ký APTERR điều phối.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu hình thức và mức độ trợ cấp đối với từng trường hợp cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Chương trình Dự trữ gạo khẩn cấp ASEAN+3, các nước thành viên sẽ đảm bảo dự trữ 787.000 tấn gạo nhằm tăng cường khả năng ứng phó khẩn cấp trong tình huống xảy ra bất ổn về sản xuất và nguồn cung cấp gạo do tác động của thiên tai.

Trong số này, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt đóng góp 300.000 tấn, 250.000 tấn và 150.000 tấn. Các nước ASEAN góp 87.000 tấn, trong đó Thái Lan góp 15.000 tấn; Việt Nam và Myanmar mỗi nước góp 14.000 tấn; tiếp đến là Indonesia và Philippines (12.000 tấn/nước), Lào, Campuchia và Brunei (3.000 tấn/nước) và cuối cùng là Malaysia, Singapore lần lượt góp 6.000 tấn và 5.000 tấn.

Indonesia có thể nhập khẩu gần 2 triệu tấn gạo trong niên vụ 2011/12

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo kim ngạch nhập khẩu gạo niên vụ 2011/12 của Indonesia sẽ tăng lên mức khoảng 1,95 triệu tấn, do tốc độ tăng tiêu dùng nhanh hơn tăng trưởng sản xuất và dự trữ gạo của Bulog phải được tăng cường để giữ lạm phát giá trong tầm kiểm soát.

Sản lượng gạo của Indonesia niên vụ 2011/12 dự đoán tăng khoảng 0,8% lên 36,3 triệu tấn, so với mức sản lượng 35,5 triệu tấn trong niên vụ trước, chủ yếu nhờ thời tiết thuận lợi, diện tích tăng và giảm thất thoát do vật hại. Năm 2012, diện tích trồng lúa của Indonesia ước đạt khoảng 12,1 triệu ha.

Tiêu dùng gạo niên vụ 2011/12 của Indonesia cũng ước tăng 1,4% lên 39,55 triệu tấn, từ mức 39 triệu tấn trong năm 2010/11, nghĩa là nước này sẽ thâm hụt cung – cầu gạo nội địa khoảng 3,2 triệu tấn. Tiêu dùng gạo của Indonesia dự đoán sẽ vượt mốc 40 triệu tấn trong năm 2012/13.

Theo USDA, nước này sẽ cần nhập khẩu khoảng 1,95 triệu tấn gạo trong năm 2012để kiểm soát giá gạo nội địa và duy trì dự trữ gạo tối thiểu 1,5 triệu tấn của Bulog, cơ quan thu mua gạo chính thức của Indonesia.

Dự trữ gạo của Bulog giảm mạnh kể từ khi phân phối khoảng 500 ngàn tấn gạo trong năm 2011 để kiểm soát lạm phát giá nội địa. Năm 2012, Bulog cũng đã phải tung ra 250 ngàn tấn với mục đích tương tự trong 3 tháng đầu năm. Bulog cũng cần phải dự trữ gạo để triển khai chương trình cho người nghèo (Raskin); theo đó, mục tiêu của cơ quan này là phân phối 3,15 triệu tấn gạo trong năm 2011/12. Tính đến tháng 4/2012, Bulog đã phân phối 900 ngàn tấn gạo theo chương trình này.

USDA ước tính dự trữ gạo cuối kỳ của Indonesia trong năm 2011/12 ở mức khoảng 4,9 triệu tấn, giảm xuống khoảng 3,3 triệu tấn trong năm 2012/13. USDA cũng nâng ước tính nhập khẩu gạo của Indonesia trong năm 2010/11 lên mức 3,1 triệu tấn, từ mức ước tính trước đó là 2,775 triệu tấn; trong đó, Bulog được ủy quyền nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn.

(T.H tổng hợp từ Oryza và một số nguồn khác)