Ngành thép tăng trưởng nhờ xuất khẩu

Tại Hội nghị triển khai công tác 2 tháng cuối năm 2013 do Hiệp hội Thép Việt Nam tổ chức ngày 6/11, Hiệp hội cho biết, 10 tháng qua, xuất khẩu của ngành thép tiếp tục tăng trưởng với mức tăng 15,2%, nhập siêu sản phẩm này ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Khu vực FDI hiện vẫn là điểm nhấn trong hoạt động xuất khẩu và chiếm tỷ trọng 61,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 27,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, do chịu tác động mạnh của chính sách, hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh kể từ năm 2011.

Tiêu thụ than giảm 29%

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, lượng tiêu thụ than tháng 10 ước đạt 2,7 triệu tấn, tăng 36,2% so với tháng 9. Tuy nhiên, tính chung 10 tháng, sản lượng than tiêu thụ đạt trên 30,5 triệu tấn, vẫn giảm 29% so với cùng kỳ, trong đó than xuất khẩu giảm 29,2%. Xuất khẩu than gặp khó khăn do tiêu thụ than trên thế giới và Trung Quốc giảm sút. Tồn kho than tiêu chuẩn tính đến hết tháng 10 khoảng 6,1 triệu tấn.

Châu Phi: Điểm đến cho cà phê Việt

Theo Vụ thị trường Châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), hiện nay, cùng với chè, cà phê đã trở thành đồ uống ngày càng được ưa chuộng của người dân Bắc Phi. Ngoài ra, Nam Phi cũng là thị trường tiêu thụ cà phê tương đối lớn. Riêng 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cà phê sang Châu Phi đạt 47 triệuUSSD, trong đó thị trường Algeria chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu, Tunisia 13,6%, Nam Phi 10,4%, Ai Cập 9,5%, Ma Rốc 8,9%.

Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sang châu Phi phải tuân thủ kiểm tra chất lượng và các quy định chặt chẽ do một cơ quan chống gian lận và một phòng thí nghiệm đảm nhiệm.

Châu Âu nhập nhiều bún khô từ Việt Nam

Giám đốc Công ty Duy Anh Foods (Củ Chi, Tp.HCM) cho biết hiện mỗi tháng đơn vị này xuất 100-150 tấn bún khô các loại sang thị trường châu Âu với giá 1,3-1,6 USD/kg, tăng gần 70% so với năm ngoái. Sản phẩm bún của Việt Nam được làm phần nhiều từ gạo lứt, sợi bún dai, thơm nên đang được ưa chuộng tại thị trường này.

Dự báo

Sắp đưa mặt hàng sữa vào diện bình ổn giá

Từ ngày 20/11, các loại sữa nhập khẩu, bao gồm sàn phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 36 tháng tuổi; sữa và sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi… đều được đưa vào diện hàng bình ổn giá. Theo đó, các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh các nhóm hàng trên sẽ đều phải kê khai giá sữa kịp thời với Bộ Tài chính khi điều chỉnh giá.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu, trước ngày 25/11, sáu doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh sữa lớn phải báo cáo rõ việc tăng giá sữa và lý do tăng trong thời gian từ đầu năm đến nay. Đó là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3 A (sữa Abbot), Công ty TNHH Sữa Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và CTCP Thương mại và Phát triển Organic Việt Nam.

Đảm bảo hàng hóa cho thị trường Tết

Mặc dù thị trường năm nay vẫn khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã chuẩn bị một lượng hàng dồi dào, có chất lượng và dù sức kiểm soát giá cả trong những ngày mua sắm tết cao điểm. Các doanh nghiệp đã sản xuất và dự trữ cho thị trường tại Tp.Hồ Chí Minh khoảng 7.581,7 tỷ đồng, tăng 40,5% so với tết năm ngoái.

Theo Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh, khả năng cung ứng hàng hóa cho thị trường cuối năm và dịp tết Giáp Ngọ 2014 của các doanh nghiệp tăng bình quân 114% so với kế hoạch UBND TP giao; trong đó lượng hàng trong chương trình bán hàng bình ổn tăng bình quân 69% so với kết quả thực hiện Tết Quý Tỵ 2013. Nhiều mặt hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, khả năng chi phối từ 30%-60% nhu cầu thị trường như dầu ăn (61,5%), đường (75,4%), thịt gia cầm (66%), trứng gia cầm (47,8%), thực phẩm chế biên s(64,7%), thịt gia súc (32,2%)…

Trung Quốc mở rộng tiêu thụ xe đạp điện tại Việt Nam

Nhiều hãng xe đạp điện Trung Quốc đang lên kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam.Chính vì vậy mà đến thời điểm này đã có những hãng mở tới 69 showroom tại 43 tỉnh, thành trên cả nước.

Hiệp hội Xe đạp Trung Quốc (CBA) cho biết: Mỗi năm sản lượng xe đạp điện của Trung Quốc đạt 30 triệu chiếc, trong đó gần 30% được dành cho xuất khẩu. Việc mở rộng thịt rường ra quốc tế được coi là một nhiệm vụ quan trọng của CBA, mà Việt Nam là thị trường tiềm năng.

Theo ước tính, chỉ riêng năm 2013, Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 150.000 chiếc xe đạp điện và phần lớn số xe này có xuất xứ từ Trung Quốc. Không chỉ xe nhập khẩu nguyên chiếc mà ngay cả với xe lắp ráp trong nước, phần lớn linh kiện cũng được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Xe đạp điện Trung Quốc được cho là đã gây ấn tượng mạnh với người tiêu dùng Việt Nam bởi kiểu dáng, mẫu mã phong phú và có mức giá vô cùng cạnh tranh. Không những thế, việc kinh doanh của các doanh nghiệp nước này còn dễ dàng hơn khi Việt Nam đang thực hiện các cam kết cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc và WTO.

 
 

Nguồn: Vinanet